Thứ Bảy, 12/10/2024 17:18 CH
Một vài suy nghĩ về công tác bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia
Thứ Tư, 30/06/2010 15:00 CH

Trong vài năm gần đây việc dạy và bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia gặp không ít khó khăn. Nguyên do có một số thay đổi về chủ trương trong quyền lợi căn bản của học sinh, làm ảnh hưởng đến mục tiêu, mục đích của cả người học lẫn người dạy.

 

thay100630.jpg

Thầy Huỳnh Tấn Châu và  ba học sinh Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh tại kỳ thi   chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế 2010. - Ảnh: T.CHÂU

 

Bộ GD- ĐT bỏ tuyển thẳng học sinh đạt giải quốc gia vào các trường đại học, cao đẳng nên học sinh chẳng mặn mà thi vào đội tuyển học sinh giỏi quốc gia, bởi một suy nghĩ rằng: Mình đầu tư một quỹ thời gian không ít vào đó nhưng nếu có đạt giải thì chỉ được cái bằng khen và ít tiền thưởng. Trong khi đó, nếu dành cho việc ôn thi đại học hoặc học ngoại ngữ thì hiệu quả hơn nhiều. Bởi thế nên một số học sinh giỏi cố tình thi trượt. Một số học sinh vào đội tuyển cũng chỉ vì nể thầy, nể trường, sự cố gắng cũng rất chừng mực. Khó khăn có khi còn ở các bậc cha mẹ học sinh, hầu hết trong số họ rất nhạy cảm với tình hình thực tế, thầy giáo và nhà trường rất khó thuyết phục. Còn đội ngũ giáo viên đang làm công tác bồi dưỡng học sinh giỏi thì sao? Phải nói rằng có một giai đoạn ở các tỉnh, các trường chuyên đã có một đội ngũ thầy cô giáo có năng lực và rất tâm huyết, nhưng đến nay hầu hết trong số đó đã luống tuổi. Trong những năm gần đây xu hướng những học sinh giỏi ở các trường phổ thông thi vào các trường sư phạm ngày càng ít đi, điều đó càng làm khó khăn hơn cho việc tuyển chọn đội ngũ giáo viên làm công tác bồi dưỡng học sinh giỏi.

           

Với tư cách là người trực tiếp giảng dạy đội tuyển dự thi quốc gia trong nhiều năm liền tôi muốn trao đổi và chia sẻ với mọi người một số suy nghĩ.

 

Thứ nhất, người thầy phải tạo được niềm tin cho học sinh. Điều này rất quan trọng, bởi vì nếu học sinh có niềm tin ở người thầy của mình thì mới tự nguyện, cố gắng đem hết sức mình để học tập, phấn đấu. Chính niềm tin ở người thầy giúp học sinh có đủ nghị lực vượt qua mọi trở ngại. Muốn vậy người thầy cần phải chứng tỏ năng lực thực sự của mình trong mọi mặt, nhất là về chuyên môn. Không thể là sự khoe khoang, tâng bốc mình mà phải bằng một quá trình học hỏi, tìm tòi, sáng tạo, say mê, hy sinh bền bỉ, bằng uy tín của mình trước học sinh, phụ huynh và đồng nghiệp.

 

Thứ hai, lòng nhiệt tình, sự say mê sáng tạo và đức hy sinh của người thầy. Phải nói rằng nếu làm công tác bồi dưỡng học sinh giỏi mà không say mê thì hiệu quả sẽ không cao. Không những thế mà người thầy cần truyền sự say mê đó cho nhiều học sinh. Thầy giáo làm sao cho học sinh thấy được cái thú vị của những bài toán, những công thức, những lời giải... Hiện nay tài liệu, bài giải rất nhiều và phong phú, phương tiện hiện đại giúp học sinh có thể tự học toán, tìm tòi, phát hiện, song lại khó khăn cho người thầy trong việc tìm ra những vấn đề mới mẻ để dạy cho học sinh. Những vấn đề mới thầy dạy năm nay, thì năm sau lại trở thành cái cũ, có khi lại có ở một tài liệu nào đó rồi, học sinh lớp trước truyền cho lớp sau và cũng không cần thiết phải dạy nữa. Điều đó bắt buộc người thầy phải luôn luôn tìm tòi, khám phá để tìm ra cái mới, có thế giờ dạy mới hấp dẫn được. Học sinh trường chuyên nhiều em có năng khiếu đặc biệt, rất nhanh nhạy và tiếp thu kiến thức tốt. Đáng ra, với những học sinh như vậy, việc giảm tải thời lượng học tập cũng như sớm định hướng cho các em tiếp cận với tri thức hiện đại và cập nhật với nền kinh tế xã hội là rất cần thiết. Nhưng đội ngũ thầy giáo hiện tại của chúng ta chưa đáp ứng được những yêu cầu này. Nhiều người không có thói quen cập nhật kiến thức và rất ít thầy cô sáng tạo trong khoa học. Kết quả là nhiều giáo viên chỉ sưu tập bài tập một cách máy móc, thiếu liên hệ thực tế, không có tính thời sự. Dẫn đến học sinh phải học quá nhiều kiến thức chưa được chắt lọc, dẫn tới bão hòa và gây tổn thương đến sự đam mê tìm hiểu cái mới của các em.

 

Thứ ba, thầy giáo cần phải gần gũi với học sinh, biết cách động viên kích thích lòng say mê, sáng tạo của học sinh. Nếu người thầy rời xa học sinh, không gần gũi để hiểu từng học sinh thì rất khó thành công trong dạy học. Bởi vậy, người thầy không nên đặt mình ở một vị thế để rồi học sinh rất ngại gặp hoặc trao đổi với thầy. Phải làm sao để học sinh coi thầy như người anh, người bạn trong học tập. Tôi thường làm toán cùng học sinh giỏi. Nhiều khi học sinh đã có lời giải trước thầy, trong trường hợp như thế tôi thường khen ngợi khuyến khích học sinh.

 

Để thu hút học sinh vào các đội tuyển học sinh giỏi, tôi xin đề nghị Sở GD-ĐT có chính sách để đẩy mạnh chất lượng đào tạo của Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh. Bởi trường chuyên là mảnh đất tốt cho năng khiếu tài năng phát triển và là nơi cung cấp những sinh viên giỏi, những cán bộ quản lý, cán bộ khoa học và các doanh nhân giỏi cho đất nước trong tương lai. Thành tích thi học sinh giỏi của học sinh Phú Yên cần được tôn vinh, khích lệ hơn. Cần có chính sách ưu tiên và khuyến khích đối với các giáo viên giỏi và các học sinh xuất sắc. Ví dụ như cấp học bổng cho các học sinh đạt giải quốc gia học đại học. Hơn lúc nào hết, giai đoạn này, cùng với nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, sự nghiệp bồi dưỡng phát triển nhân tài cho tỉnh nhà phải được đặt lên một tầm cao mới, đáp ứng được yêu cầu phát triển của tỉnh trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế.

 

HUỲNH TẤN CHÂU

Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek