Chủ Nhật, 13/10/2024 01:20 SA
Tủ sách dòng họ:
Nâng cao văn hóa đọc ở nông thôn
Thứ Tư, 09/06/2010 13:00 CH

Với người thành thị, kiếm một cuốn sách để đọc tương đối dễ, nhưng với người dân nông thôn, đọc sách dường như vẫn còn khó khăn vì thiếu sách. Chính vì vậy, việc ra đời của tủ sách Đào tộc (xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa) - tủ sách đầu tiên của một dòng họ ở tỉnh Phú Yên, khiến nhiều người dân hết sức phấn khởi...

 

trao-sach100609.gif

Giám đốc Thư viện Hải Phú tặng sách cho tộc họ Đào tại buổi ra mắt tủ sách khuyến học  - Ảnh: X.HUY

 

Đào tộc ở thôn Mỹ Thành, xã Hòa Thắng – tộc họ đầu tiên ở tỉnh Phú Yên được chọn xây dựng mô hình “Tủ sách dòng họ - Vì một nông thôn Việt Nam an toàn, tiến bộ, bền vững và nhân văn”. Tủ sách có đầy đủ các loại từ sách khuyến nông, pháp luật, văn học đến truyện tranh, truyện cổ tích… được phân loại, sắp xếp rất gọn gàng và tiện dụng cho việc tra cứu.

 

Từ khi Đào tộc có tủ sách, bà con trong dòng họ và nhiều người dân trong xã ai nấy đều vui mừng. Anh Trần Quốc Vỹ, ở thôn Mỹ Hòa, tâm sự: “Giá sách bây giờ cao quá, nông dân chúng tôi không đủ tiền mua nổi một bộ sách để đọc. Thư viện ở các trường học chủ yếu là sách giáo khoa, sách tham khảo phục vụ học sinh học tập, các đầu sách thuộc các chuyên ngành khác rất ít. Vì thế, tôi hy vọng, sau tủ sách họ Đào, nhiều tộc họ khác trong xã cũng thành lập tủ sách để nông dân có điều kiện mở mang kiến thức”. Tùng, học sinh lớp 7, Trường THCS Nguyễn Thế Bảo, cho biết: “Vào hè, tụi em hay đến thư viện Hải Phú mượn sách về đọc. Từ khi họ Đào có tủ sách, em và các bạn rất vui vì không phải đi xa nữa”.

 

Tại nhà thờ Đào tộc, nơi đặt tủ sách, tôi gặp hơn chục học sinh từ cấp I đến cấp III đang ngồi đọc sách. Có em thấy quyển sách nào chưa bọc bìa liền đem giấy bóng đến bọc một cách cẩn thận. Cụ Trần Bùi, một người dân trong xã, thổ lộ: “Người lớn chúng tôi thì mượn sách nói về những bài thuốc chữa bệnh thấp khớp, cao huyết áp, tiểu đường, về trồng trọt, cây cảnh, chăn nuôi. Thanh niên đọc sách về hôn nhân gia đình, sinh đẻ có kế hoạch, về an toàn giao thông, tìm hiểu các chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trẻ em thì đọc sách, xem truyện tranh… thật thú vị”.

 

hs100609.gif
Đọc sách đang là nhu cầu của học sinh nông thôn - Ảnh: T. HẰNG

 

Theo ông Phạm Hữu Sen, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Phú Yên, ý tưởng thành lập mô hình tủ sách dòng họ bắt nguồn từ anh Nguyễn Quang Thạch (35 tuổi, quê ở Hà Tĩnh). Theo anh Thạch, nông thôn Việt Nam được hình thành và phát triển phần lớn nhờ sự cấu kết bền vững giữa các tộc họ khác nhau. Đặc biệt, trong những năm trở lại đây, khá đông tộc họ ở các địa phương đã thành lập các Ban khuyến học và Quỹ khuyến học của dòng họ để hỗ trợ con cháu trong việc học hành, thi cử. Tuy nhiên, từ xưa đến nay rất hiếm tộc họ có tủ sách riêng. Do đó, nhu cầu này trở thành nỗi khát khao lớn lao trong mỗi tộc họ. Kinh nghiệm cho thấy, việc đưa tủ sách về một tộc họ nào đấy thì người đọc càng đông và càng có ý thức hơn. Ngoài ra, khi cần nguồn sách mới, trưởng tộc chỉ cần “hô một tiếng” là cả họ xúm vào đóng góp. Đó là chưa kể lượng sách do những người ngoại tộc là độc giả thường xuyên mang đến. Và trong thời gian tới sẽ có rất nhiều tộc họ ở tỉnh Phú Yên triển khai mô hình này.

 

Việc hình thành tủ sách tộc họ có ý nghĩa rất lớn, góp phần tạo sự gắn kết trách nhiệm giữa bà con họ tộc bằng cách chia sẻ tri thức và thông tin. Ngoài ra, tủ sách sẽ giúp cho học sinh có thêm nguồn để đọc và tăng thời gian đọc vì nằm ngay trong làng và gần các cụm trường học. Ông Đào Tấn Nguyên, Trưởng ban khuyến học Đào tộc, nói: “Tủ sách Đào tộc luôn sẵn sàng chia sẻ tri thức với tất cả mọi người dân trong xã nhằm mục tiêu nâng cao hơn nữa văn hóa đọc ở nông thôn”.

 

Theo ông Dương Thái Nhơn, Giám đốc Thư viện Hải Phú, sở dĩ xây dựng tủ sách bắt nguồn từ Đào tộc bởi đây là một trong những dòng họ lớn, đi đầu trong phong trào hiếu học ở Phú Yên. Lâu nay, văn hóa đọc ở nông thôn rất hạn chế, giá sách lại cao quá. Do đó, dù muốn phát triển sách về nông thôn, về thư viện xã nhưng chúng tôi cũng đành chịu vì thiếu người quản lý. Vì thế, việc xây dựng các tủ sách dòng họ và để dòng họ tự quản lý chính là giải pháp bền vững để khuyến đọc. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tìm cách luân chuyển sách từ vốn thư viện tỉnh và  hỗ trợ mô hình này bằng việc mở lớp đào tạo việc quản lý tủ sách.

 

XUÂN HUY 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek