Thứ Hai, 14/10/2024 15:21 CH
Thi tốt nghiệp THPT năm 2010:
Áp lực từ các môn xã hội
Chủ Nhật, 04/04/2010 07:03 SA

Sau khi Bộ GD - ĐT công bố sáu môn thi tốt nghiệp THPT năm 2010 gồm Toán, Hóa học, Ngoại ngữ, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, nhiều học sinh tỏ ra rất lo lắng vì có tới bốn môn thi thuộc lĩnh vực xã hội.

 

lich-su.gif

Giờ học Lịch sử của học sinh Trường THPT bán công Nguyễn Trãi - Ảnh: T.HẰNG

 

TRÁNH TƯ TƯỞNG HỌC TỦ, HỌC VẸT

 

Ông Nguyễn Văn Tá, Phó giám đốc Sở GD – ĐT Phú Yên, cho biết: “Bên cạnh yêu cầu giáo viên tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, Sở GD – ĐT lưu ý các trường dựa vào cấu trúc đề thi, các hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức, kỹ năng và các tài liệu hướng dẫn ôn tập của Bộ GD - ĐT để sắp xếp theo các chủ đề tiến hành ôn tập cho học sinh”.

Bộ GD – ĐT vừa có văn bản gửi các sở GD – ĐT về việc tổ chức ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2010. Theo yêu cầu của Bộ GD - ĐT, các trường không được cắt xén chương trình; dạy - học bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng; tổ chức ôn tập hiệu quả, tập trung vào những kiến thức, kỹ năng cơ bản nằm trong chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12. Các trường cần phân loại học sinh theo khả năng nhận thức, tập trung ôn tập nhiều hơn cho học sinh yếu, chú trọng thông tin phản hồi về kết quả ôn tập của học sinh để có sự điều chỉnh hợp lý.

 

Ông Dương Bình Luyện, Phó trưởng phòng Giáo dục trung học Sở GD – ĐT Phú Yên, cho biết đến thời điểm này, học sinh, các thầy cô giáo đã có khá nhiều tài liệu hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp THPT. Điều quan trọng đặt ra ở đây là cách học, cách ôn tập như thế nào cho hiệu quả? Rút kinh nghiệm từ đề thi theo “hướng mở” của năm 2009, các trường cần tập trung hướng dẫn cho học sinh phương pháp, kỹ năng làm bài, tuyệt đối không bỏ bớt chương trình để tránh trường hợp học lệch, học tủ; bởi có quá nhiều môn xã hội nên học sinh phải xây dựng kế hoạch học tập từng môn thi cụ thể để đảm bảo vừa ôn mới, luyện cũ. Nhiều giáo viên khuyên rằng, đối với các môn xã hội, học sinh nên tránh tư tưởng học vẹt vì nó sẽ không đem lại hiệu quả “chữ thầy trả thầy”. Theo ông Luyện, học sinh nên học hiểu thay vì học tủ; hãy cố gắng tóm lược bài học của mình ngắn gọn có đánh giá, nhận xét của cá nhân.

 

Thầy giáo Lê Duy Nhất, chuyên viên Lịch sử Sở GD – ĐT Phú Yên, cho rằng để học tốt môn Lịch sử, học sinh nên bám sát vào cấu trúc đề thi để chủ động khi tiếp cận với đề thi, cần nắm vững những kiến thức cơ bản, các vấn đề chủ yếu trong từng bài, từng chương của chương trình và sách giáo khoa lịch sử cấp THPT (chủ yếu là lớp 12). Học sinh không nhất thiết phải học thuộc lòng từng chữ, từng câu. Tuy nhiên phải nhớ chính xác mốc thời gian, ngày tháng, số liệu…và phải hiểu được sự kiện đó có ý nghĩa như thế nào. Đối với môn Lịch sử, cách làm bài (trình bày) cũng rất quan trọng. Học sinh cần đi thẳng vấn đề (đặt vấn đề, giải quyết vấn đề, kết thúc vấn đề phải logic) thì mới dễ đạt điểm cao.

 

Đối với môn Địa lý, nhiều giáo viên khuyên học sinh phải tự lập cho mình một kế hoạch học tập (thời gian biểu) phù hợp, tránh việc “nhồi nhét quá cường độ” sẽ dễ dẫn tới nhanh quên các nội dung đã học. Cách học dễ nhất là nên ôn từ cuối sách giáo khoa ôn lên vì cuối sách giáo khoa là chương trình mới học nên dễ nhớ nhất. Đặc biệt, học sinh không được bỏ phần nào trong sách giáo khoa. Học sinh chỉ cần nắm chắc kiến thức sách giáo khoa là đủ không cần đọc thêm ở ngoài. 

 

HỌC SINH LO LẮNG

 

Ông Ngô Ngọc Thư, Trưởng phòng Giáo dục trung học Sở GD – ĐT Phú Yên, nói rằng lâu nay học sinh đã quen với giờ học văn, sử, địa theo kiểu “thầy đọc – trò chép”. Giờ trả bài hoặc kiểm tra định kỳ chỉ cần học sinh trình bày đầy đủ những gì thầy cô giáo giảng, cho ghi thì đã đủ điểm trung bình. Dần dần học sinh có quan niệm rằng các môn xã hội chỉ là môn phụ, không quan trọng và chẳng cần phải đầu tư suy nghĩ, tìm tòi. Phần lớn học sinh học các môn xã hội chỉ nhằm để đối phó với kiểm tra, thi cử. Chất lượng các môn xã hội của học sinh kém như vậy, bên cạnh những nguyên nhân khách quan, còn do giáo viên vẫn còn thói quen dạy theo kiểu truyền thụ kiến thức một chiều: giáo viên giảng giải, học sinh lắng nghe, ghi nhớ và biết nhắc lại đúng những điều mà thầy cô giáo đã truyền đạt. Người dạy chủ động cung cấp kiến thức cho học sinh, áp đặt những kinh nghiệm, hiểu biết, cách nghĩ của mình tới học sinh. Nhiều giáo viên chưa chú trọng đến việc tiếp thu, vận dụng kiến thức của học sinh cũng như việc chỉ ra cho học sinh phương pháp tích cực để chủ động tiếp thu kiến thức. Có những giờ dạy, giáo viên còn đọc chậm để học sinh chép lại những gì có sẵn ở giáo án. Về phía học sinh, tồn tại lớn nhất là thói quen học tập thụ động, quen nghe, quen chép, ghi nhớ và trả bài một cách máy móc, rập khuôn như những gì thầy cô giáo đã giảng. Phần lớn học sinh chưa có thói quen chủ động tìm hiểu, khám phá nội dung bài học, dẫn đến các em không có hào hứng, không bộc lộ được những suy nghĩ của cá nhân trước tập thể nên khi nói và viết, học sinh cảm thấy rất khó khăn.

 

Từ đầu năm học 2009 – 2010, Sở GD – ĐT Phú Yên đã tổ chức chuyên đề về dạy học rút kinh nghiệm đổi mới phương pháp dạy học cho các môn Ngữ văn, Lịch Sử, Địa lý, Tiếng Anh. Theo đánh giá của Sở GD – ĐT Phú Yên, qua hoạt động này, nhiều giáo viên đã có sự đổi mới tích cực trong dạy và học. Tuy nhiên, với áp lực thi bốn môn xã hội cùng một lúc, học sinh sẽ khó tránh được lúng túng, áp lực. Nguyễn Thị Vân Anh, học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ thổ lộ: “Có quá nhiều môn thi phải thuộc bài nên tụi em rất lo. Đặc biệt là với hai môn Địa lý, Lịch sử, bài nào cũng dài và rất khó nhớ. Vì vậy, ngay sau khi biết các môn thi tốt nghiệp là tụi em bắt đầu chạy nước rút”.

 

THÚY HẰNG 

 

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2008 – 2009, tỉ lệ học sinh Phú Yên đạt điểm thi từ 5 trở lên ở các môn Văn, Địa lý, Tiếng Anh rất thấp. Cụ thể, môn Tiếng Anh chỉ có 37,6% học sinh đạt điểm từ 5 trở lên, môn Văn 39%, môn Địa lý 39,4%.

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek