Thứ Hai, 14/10/2024 15:24 CH
Để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực
Thứ Năm, 01/04/2010 09:05 SA

Trong các nguồn lực cần thiết cho sự thành công của công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố quyết định. Tuy nhiên vai trò quyết định của nguồn nhân lực chất lượng cao chỉ trở thành hiện thực khi người lao động được đào tạo để có năng lực và phẩm chất cần thiết đáp ứng được những yêu cầu của xã hội.

 

thuc-hanh-dien.jpg

Sinh viên ngành điện Trường Cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa đang thực hành - Ảnh: T.HẰNG

 

PHÁT HUY TỐI ĐA NGUỒN LỰC LAO ĐỘNG

 

Để đảm bảo tỉ lệ lao động qua đào tạo ở Phú Yên lên 40% năm 2010, 60% năm 2015 và 67% vào năm 2020, nhu cầu đào tạo bình quân mỗi năm 20.000-23.000 lao động (giai đoạn 2006-2010) và 10.000-15.000 lao động (giai đoạn 2011-2020), kể cả đào tạo mới, đào tạo phục vụ cho chuyển dịch lao động và đào tạo lại.

Một trong những điểm mấu chốt trong hoạch định chiến lược phát triển kinh tế ở Phú Yên trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước là phải phát huy tối đa nguồn lực lao động. Để góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và tỉnh Phú Yên nói riêng theo hướng đa phương hóa, tạo mối liên hệ kinh tế với các tỉnh, vùng trong nước, nước ngoài đòi hỏi phải nâng cao và khai thác hiệu quả tài nguyên sức lao động một cách kinh tế nhất, chất lượng nhất, đồng thời thực hiện chính sách việc làm cho người lao động một cách tốt nhất. Đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu nâng cao trình độ lao động có chuyên môn kỹ thuật cho khu vực nhà nước và lao động xã hội nhất là số thanh niên đến tuổi lao động. Từng bước tổ chức để hình thành mạng lưới dạy nghề theo quy hoạch, mạng lưới đào tạo các ngành nghề phù hợp với sự phát triển các ngành nghề kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong quy hoạch đào tạo sau đại học, cần tập trung đào tạo các chuyên ngành công nghệ tự động hóa, công nghệ thông tin, điện tử, môi trường và phát triển bền vững, y học, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu, xã hội nhân văn, kỹ thuật, quản lý kinh tế, quy hoạch và quản lý đô thị... Đây là đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật đầu đàn, là nhân tố tích cực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Chú trọng ưu tiên đến đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài các ngành kỹ thuật tỉnh đang cần. Đối với đào tạo nghề, tập trung đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật cho phát triển kinh tế - xã hội phục vụ các dự án đầu tư trong tỉnh, đào tạo các nhóm nghề về điện nông thôn, cơ khí nhỏ nông nghiệp, nuôi trồng và chế biến nông - lâm - thủy hải sản, các nghề tiểu thủ công nghiệp để phát triển các làng nghề, dịch vụ, thương mại và du lịch...

 

LÀM GÌ ĐỂ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NGUỒN NHÂN LỰC?

 

Theo chúng tôi, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng với yêu cầu của xu thế hội nhập hiện nay, cần tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa sự nghiệp giáo dục – đào tạo. Nhà trường đào tạo thế hệ trẻ theo xu hướng toàn diện, có năng lực chuyên môn sâu, có ý thức và khả năng tự tạo việc làm trong nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần. Phát triển các trung tâm học tập cộng đồng, các loại hình đào tạo không chính quy theo hướng coi trọng chất lượng, tạo điều kiện để mọi người có thể học tập suốt đời.

 

Mở rộng việc đào tạo nghề, tạo điều kiện cho người học có cơ hội chuyển đổi nghề nghiệp. Đào tạo theo hai hướng: đào tạo nghề mũi nhọn, phát huy năng lực của các trường cao đẳng, dạy nghề trên địa bàn, đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ lành nghề có trình độ chuyên môn kỹ thuật, tay nghề cao. Mở rộng hình thức đào tạo theo địa chỉ đối với các cơ sở công nghiệp, dịch vụ - du lịch có yêu cầu nhân lực trình độ tay nghề cao, kể cả đào tạo tại chỗ. Đổi mới chương trình, nội dung và phương pháp dạy nghề. Đẩy mạnh các chương trình phổ cập kiến thức khoa học kỹ thuật cho nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số thông qua các chương trình mục tiêu khuyến nông, khuyến công, khuyến lâm, khuyến ngư. Tiếp tục đầu tư kinh phí, mở rộng mạng lưới trường, lớp, xây dựng phòng thí nghiệm thực hành, các phòng chức năng, bổ sung thiết bị, đồ dùng dạy học, kiên cố hóa các trường học ở Phú Yên. Nâng cấp Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh để thực sự trở thành trung tâm giáo dục chất lượng cao của tỉnh. Nhanh chóng đầu tư để Trường Đại học Phú Yên phát triển theo hướng đào tạo đa ngành, đa cấp trở thành trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học của tỉnh và khu vực, sớm bắt kịp trình độ phát triển chung của các trường đại học trong nước. Nâng cấp Trường Cao đẳng Nghề Phú Yên theo hướng hiện đại để trở thành trung tâm đào tạo nghề chất lượng cao của tỉnh và khu vực. Đầu tư các trung tâm dạy nghề cấp huyện để thực hiện đào tạo phổ cập nghề cho lao động. Hỗ trợ nâng cấp hai trường Cao đẳng Xây dựng số 3, Công nghiệp Tuy Hòa thành các trường đại học.

 

Việc đào tạo nguồn nhân lực phải tiến hành trên cơ sở phân tích nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các ngành và nhu cầu người học. Khuyến khích thành lập các tổ chức thông tin tư vấn, hướng nghiệp học sinh chọn ngành nghề và tìm việc làm sau khi tốt nghiệp. Hình thành hệ thống thông tin thị trường lao động tạo ra cơ chế kết hợp giữa bên cung và bên cầu trong thị trường lao động. Các cơ quan giáo dục - đào tạo thu thập một cách hệ thống, cung cấp thông tin về tình hình việc làm của học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp, chỗ làm mới, nhu cầu thị trường trong nước, quốc tế về đội ngũ lao động có chuyên môn kỹ thuật.

 

TRẦN KHẮC LỄ

Phó Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo Phú Yên

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek