Thứ Hai, 14/10/2024 15:25 CH
Xã hội hóa khuyến học, khuyến tài
Thứ Tư, 31/03/2010 11:00 SA

Quán triệt đường lối của Đảng, đổi mới toàn diện về giáo dục trong hệ thống nhà trường và hệ thống giáo dục ngoài nhà trường, ngày 13/4/2007 Bộ Chính trị ra Chỉ thị số 11-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”; ngày 8/1/2008 Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 02/2008 về “đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”. Nhận thức tầm quan trọng của nó, các cấp ủy và chính quyền tỉnh Phú Yên đã quán triệt, tổ chức thực hiện phong trào này và đã đem lại kết quả bước đầu.

 

lop-hoc.jpg

Giờ học của học sinh Trường THCS Hùng Vương (TP Tuy Hòa). - Ảnh:  T.HẰNG

 

Trước hết, nhận thức về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đã được nâng lên một bước, từ những việc làm mang tính xã hội đơn lẻ nay được nâng lên là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị. Hội khuyến học các cấp không ngừng củng cố, tăng cường để thực hiện vai trò nòng cốt phối hợp với mọi lực lượng trong công tác khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

 

Hội Khuyến học được thành lập từ tỉnh, huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn, đến các chi hội/cơ quan, trường học, họ tộc… tập hợp trên 67.000 hội viên chiếm 7,7% dân số toàn tỉnh (chỉ tiêu của Hội Khuyến học Việt Nam là 10% dân số). Hội khuyến học các cấp đã xây dựng được 7.836 gia đình hiếu học, 125 dòng họ khuyến học. Qua phong trào xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học đã có nhiều gia đình tuy khó khăn về kinh tế, nhưng vẫn cố gắng cho con học hành đến nơi đến chốn, làm gương sáng tại địa phương. Hàng năm quỹ khuyến học của tỉnh huy động trên 3 tỉ đồng. Số kinh phí này được các cấp hội khuyến học dùng để chăm lo việc học tập của học sinh trong diện chính sách, học sinh nghèo vượt khó học giỏi, học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa…

 

Một mô hình mới xuất hiện ở Phú Yên là xây dựng các trung tâm học tập cộng đồng. 100% xã, phường, thị trấn thành lập trung tâm học tập cộng đồng. Đây thật sự là mô hình xã hội học tập ở cơ sở, tạo môi trường thuận lợi cho mọi người được học tập. Ngoài ra ở Phú Yên đã xuất hiện nhiều mô hình hết sức sáng tạo từ cơ sở, như thư viện, lớp học cộng đồng ở khu dân cư. Đó là những mô hình thích hợp nhất trong tình hình hiện nay để ai cũng có thể tham gia học tập, học tập suốt đời. Các mô hình học tập này mới phát triển, nên chưa trở thành nền nếp, có một số nơi còn mang tính hình thức, rất cần có sự nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách phù hợp để đạt hiệu quả cao hơn.

 

Để công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trở thành việc làm thường xuyên và có sức lan tỏa, theo tôi cần có những giải pháp chính sau đây:

 

Thứ nhất, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị 11 của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 02 của Thủ tướng Chính phủ trong tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận, các hội đoàn thể, triển khai phong trào “Cả tỉnh Phú Yên trở thành một xã hội học tập”.

 

Thứ hai, tổ chức tuyên truyền sâu, rộng, thường xuyên về mục đích, ý nghĩa phong trào xây dựng xã hội học tập để nhân dân và các cơ quan, tổ chức đồng tình ủng hộ, có trách nhiệm tích cực, tham gia phong trào.

 

Thứ ba, tỉnh Phú Yên cần thực hiện tốt Quyết định số 09/QĐ-BGD-ĐT ngày 24/3/2008 của Bộ GD-ĐT về việc ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng tại các xã, phường, thị trấn và Thông tư hướng dẫn số 96/2008/TT-BTC của Bộ Tài chính về hướng dẫn việc hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước cho các Trung tâm học tập cộng đồng, coi đây là bước đột phá để phát triển mô hình xã hội học tập ở địa phương. Ngoài ra các ngành chức năng của tỉnh tham mưu cho UBND, HĐND có một số chính sách, cơ chế, mang tính đặc thù của từng vùng, miền để tạo điều kiện thuận lợi cho người đi học.

 

Thứ tư, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, khảo sát, tổng kết đánh giá thực tiễn, nhân rộng mô hình tiên tiến, thi đua khen thưởng kịp thời, tôn vinh đúng mức những tổ chức, tập thể cá nhân tâm huyết cống hiến cho sự nghiệp này, nhất là những vùng khó khăn của tỉnh.

 

Thứ năm, cần đánh giá đúng mức sự đóng góp của nhân dân trong thời gian qua đối với sự nghiệp giáo dục, như góp công, góp của xây dựng trường học ở các địa phương, xây dựng quỹ khuyến học, xây dựng gia đình hiếu học, để từ đó nhân lên tinh thần đóng góp của nhân dân trong sự nghiệp này. Ngân sách nhà nước cần hỗ trợ một phần kinh phí cho việc biên soạn chương trình, tài liệu, bồi dưỡng giáo viên, ưu tiên cho những vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng hải đảo…

 

LÊ VĂN HỮU

Chủ tịch Hội Khuyến học Phú Yên

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek