Thứ Hai, 14/10/2024 19:25 CH
Đào tạo nhân lực du lịch:
Nâng cao chất lượng dịch vụ
Thứ Năm, 25/03/2010 14:00 CH

Trong đầu tư phát triển, tỉ lệ đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực du lịch Phú Yên hiện chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ mục tiêu đặt ra trong chiến lược phát triển của ngành. Công tác đào tạo bồi dưỡng chưa thực sự được các cấp, các đơn vị chú trọng đúng mức. Do đó, trình độ quản lý và chuyên môn nghiệp vụ của lực lượng lao động ngành du lịch chưa có bước chuyển biến mang tính đột phá.

 

KS-Huong-Sen.jpg

Nhân viên lễ tân khách sạn Hương Sen làm thủ tục cho khách nhận phòng. - Ảnh: M.NGUYỆT

 

CHƯA ĐÁP ỨNG NHU CẦU PHÁT TRIỂN

 

Việc đào tạo lại, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và quản lý cho đến nay chưa được thực hiện theo một quy trình khoa học; không dựa trên một quy hoạch, chiến lược lâu dài, phù hợp nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của ngành và của địa phương. Lực lượng lao động của ngành du lịch tuy đông nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, thừa lao động lớn tuổi, chưa được đào tạo nhưng lại thiếu lao động được đào tạo cơ bản về chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ.

 

Trong hoạt động lữ hành, công tác quản lý hướng dẫn viên du lịch có tầm đặc biệt quan trọng. Tổng cục Du lịch đã áp dụng một số biện pháp nhằm phát triển số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên. Tuy nhiên, hiện tại các địa phương vẫn thiếu hướng dẫn viên sử dụng ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Hàn, Tây Ban Nha, Ý. Theo quy định của Luật Du lịch, hướng dẫn viên du lịch quốc tế phải có trình độ tối thiểu là đại học. Những người tốt nghiệp đại học không thuộc chuyên ngành hướng dẫn phải được đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ. Thời gian đào tạo bồi dưỡng tùy thuộc vào chuyên ngành của người đề nghị cấp thẻ. Việc không hạn chế đối tượng đề nghị cấp thẻ đó đảm bảo nguyên tắc xã hội hóa hoạt động hướng dẫn du lịch, đảm bảo nguồn nhân lực phục vụ cho các chương trình du lịch chuyên đề và giải quyết được phần nào tình trạng thiếu hướng dẫn viên trong khi lượng khách quốc tế vào Việt Nam đang không ngừng tăng lên.

 

Công tác điều tra xã hội học đối với các doanh nghiệp du lịch trong việc sử dụng nguồn nhân lực du lịch là hết sức quan trọng. Thông qua việc điều tra cho thấy năng lực hiện tại của đội ngũ lao động ngành du lịch ở các tỉnh, thành phố qua các tiêu chí như: trình độ đào tạo, khả năng chuyên môn nghiệp vụ, khả năng sử dụng ngoại ngữ trong giao tiếp, cơ cấu ngành nghề, độ tuổi - giới tính. Kết quả điều tra còn cho thấy số lượng và chất lượng của đội ngũ lao động ngành du lịch có ảnh hưởng đến chất lượng của các sản phẩm, dịch vụ du lịch. Ở các doanh nghiệp du lịch, đa số lao động chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển hiện nay. Điều đó thể hiện qua tỉ lệ số lao động có trình độ đại học và trên đại học còn thấp, tỉ lệ lao động có trình độ ngoại ngữ cũng không cao…

 

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG DỊCH VỤ

 

Để góp phần bồi dưỡng nghiệp vụ cho hướng dẫn viên, Tổng cục Du lịch đã phối hợp với Bộ Giáo dục - Đào tạo ban hành khung chương trình đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ cho các khóa 1 tháng, 2 tháng và 3 tháng. Có nhiều trường đại học, cao đẳng được Tổng cục Du lịch cho phép tổ chức các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch ngắn hạn và một số trường đại học được phép đào tạo, cấp chứng chỉ ngoại ngữ du lịch. Tổng cục Du lịch cũng đã phối hợp với Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các trường đại học biên soạn và ban hành 3 khung chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ hướng dẫn du lịch, chỉ định các cơ sở đào tạo mở lớp, hoàn chỉnh khung chương trình ngoại ngữ du lịch. Bên cạnh việc tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động hướng dẫn và đào tạo bồi dưỡng hướng dẫn viên cũng được tổ chức thường xuyên, nghiêm túc. Những biện pháp trên góp phần nâng cao một bước chất lượng hướng dẫn viên du lịch trong thời gian qua.

 

Chiến lược về đào tạo và giáo dục du lịch trước hết nhằm phát triển nguồn nhân lực du lịch và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch. Thực hiện chiến lược này cần phải chú trọng việc đào tạo lại và đào tạo mới nguồn nhân lực để giải quyết  yêu cầu trước mắt và lâu dài cho nhu cầu phát triển. Đặc biệt cần chú trọng đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, đội ngũ lao động nghề du lịch như bàn, buồng, bếp, lễ tân… theo 13 tiêu chuẩn nghề của VTOS. Có thể coi đây là đầu mối quan trọng trong việc thu hút và lưu giữ khách. Ngoài ra, cần có chiến lược về giáo dục du lịch toàn dân, góp phần nâng cao dân trí về du lịch, hiểu biết về môi trường và bảo vệ môi trường du lịch…, góp phần tạo ra một môi trường du lịch thuận lợi, lành mạnh, phát triển bền vững.

 

Phó Giáo sư,  tiến sĩ NGUYỄN VĂN THANH

 (Viện Đại học mở Hà Nội)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek