Thứ Ba, 15/10/2024 19:19 CH
“Chấm điểm” giáo viên trung học
Thứ Tư, 24/02/2010 16:30 CH

Bộ GD - ĐT vừa ban hành 25 tiêu chí để đánh giá, xếp loại giáo viên THCS, THPT theo chuẩn nghề nghiệp. Căn cứ vào tổng số điểm, điểm đạt được theo từng tiêu chí, giáo viên tự xếp loại, đánh giá điểm mạnh, điểm yếu, nêu hướng phát huy, khắc phục; kế tiếp tổ chuyên môn, hiệu trưởng đánh giá, xếp loại.

 

giao-vien.jpg

Một giờ học của học sinh Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh - Ảnh: T.HẰNG

 

Theo hướng dẫn của Bộ GD – ĐT, trong năm học 2009 – 2010, giáo viên THCS, THPT được đánh giá, xếp loại dựa vào 25 tiêu chí: phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, ứng xử với học sinh, ứng xử với đồng nghiệp, lối sống – tác phong, tìm hiểu đối tượng giáo dục, tìm hiểu môi trường giáo dục, xây dựng kế hoạch dạy học, đảm bảo kiến thức môn học, đảm bảo chương trình môn học, vận dụng các phương pháp dạy học, sử dụng các phương tiện dạy học, xây dựng môi trường học tập, quản lý hồ sơ dạy học, kiểm tra – đánh giá kết quả học tập của học sinh, xây dựng kế hoạch các hoạt động giáo dục, giáo dục qua môn học, giáo dục qua các hoạt động giáo dục, giáo dục qua các hoạt động trong cộng đồng, vận dụng các nguyên tắc, phương pháp, hình thức tổ chức giáo dục, đánh giá kết quả rèn luyện đạo đức của học sinh, tham gia hoạt động chính trị xã hội, tự đánh giá, tự học và tự rèn luyện, phát hiện và giải quyết vấn đề nảy sinh trong thực tiễn giáo dục.

 

Trong tiêu chí đạo đức nghề nghiệp, sự say mê, toàn tâm toàn ý với nghề, thường xuyên đúc rút kinh nghiệm, vận dụng một cách sáng tạo trong hoạt động giáo dục; gương mẫu và vận động mọi người nghiêm chỉnh chấp hành các điều lệ, quy chế, quy định của bộ, ngành; tích cực tham gia và vận động mọi người tham gia đấu tranh với những hiện tượng tiêu cực của giáo viên được đánh giá cao nhất. Trong tiêu chí ứng xử với học sinh, giáo viên được chấm điểm cao nhất khi luôn chăm lo đến sự phát triển toàn diện của học sinh, dân chủ trong quan hệ thầy trò, tích cực tham gia và vận động mọi người tham gia các hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của học sinh. Về tiêu chí ứng xử với đồng nghiệp, để đạt mức điểm cao nhất giáo viên phải chủ động hợp tác, cộng tác với đồng nghiệp thực hiện các nhiệm vụ dạy học và giáo dục học sinh; tiếp thu và áp dụng kinh nghiệm của đồng nghiệp để nâng cao chất lượng dạy học, giáo dục; biết chấp nhận sự khác biệt của đồng nghiệp góp phần xây dựng tập thể sư phạm tốt. Về tiêu chí xây dựng kế hoạch dạy học, giáo viên phải có kế hoạch dạy học năm học đảm bảo kết hợp chặt chẽ dạy học với giáo dục, kết hợp các hoạt động đa dạng, chính khóa và ngoại khóa thể hiện sự phối hợp, hợp tác với đồng nghiệp. Kế hoạch bài học thể hiện sự thống nhất giữa dạy và học, giữa dạy học và giáo dục, có nhiều phương án thích ứng với các đối tượng khác nhau, dự kiến được các tình huống sư phạm có thể xảy ra và cách xử lý. Về tiêu chí đảm bảo kiến thức môn học, giáo viên phải nắm vững nội dung môn học được phân công để đảm bảo dạy học chính xác, có hệ thống. Nắm vững các mạch kiến thức môn học xuyên suốt cấp học để đảm bảo tính chính xác, lôgic, hệ thống. Nắm được mối liên hệ giữa kiến thức môn học được phân công dạy với các môn học khác đảm bảo quan hệ liên môn trong dạy học. Nắm vững kiến thức môn học; có kiến thức chuyên sâu để có thể bồi dưỡng học sinh giỏi. Có kiến thức sâu, rộng về môn học, có thể giúp đỡ đồng nghiệp những vấn đề chuyên môn mới và khó. Về tiêu chí vận dụng các phương pháp dạy học, giáo viên được chấm điểm cao khi biết phối hợp linh hoạt các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học gây được hứng thú học tập, kích thích tính tích cực, chủ động học tập của học sinh và rèn luyện kỹ năng tự học cho học sinh. Phối hợp một cách thành thục, sáng tạo các phương pháp dạy học đặc thù của môn học, ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học theo hướng phân hoá, phát huy tính tích cực nhận thức và phát triển kỹ năng tự học của học sinh. Giáo viên biết sử dụng một cách sáng tạo các phương tiện dạy học truyền thống kết hợp với sử dụng máy tính, mạng internet và các phương tiện hiện đại khác; biết cải tiến phương tiện dạy học, sáng tạo những phương tiện dạy học mới sẽ đạt điểm cao nhất trong quá trình đánh giá sử dụng các phương tiện dạy học.

 

Việc đánh giá, xếp loại giáo viên THCS, THPT được thực hiện theo ba bước: giáo viên tự đánh giá, xếp loại; tổ chuyên môn đánh giá, xếp loại; hiệu trưởng đánh giá, xếp loại. Khi đánh giá giáo viên theo chuẩn, điều cần thiết và hết sức quan trọng là phải căn cứ vào các minh chứng. Minh chứng là những tài liệu, tư liệu, hiện vật (ví dụ: bài soạn của giáo viên, sổ chủ nhiệm lớp, các chứng chỉ, chứng nhận...) được giáo viên tích lũy trong quá trình làm việc, xuất trình khi cần chứng minh. Nguồn minh chứng của mỗi tiêu chuẩn được dùng chung cho việc đánh giá các tiêu chí của tiêu chuẩn đó. Ngoài các nguồn minh chứng nêu trong mỗi tiêu chuẩn, giáo viên có thể nêu các minh chứng khác phục vụ cho đánh giá. Người đánh giá cần xem xét minh chứng để kiểm tra, xác nhận hay điều chỉnh mức tự đánh giá của giáo viên.

 

Trong quá trình đánh giá, xếp loại, giáo viên có quyền khiếu nại về việc xếp loại của tổ chuyên môn, của hiệu trưởng. Khi có khiếu nại, hiệu trưởng cần kiểm tra lại các minh chứng, tham khảo thêm ý kiến của các phó hiệu trưởng, chi bộ đảng, công đoàn, đoàn thanh niên, tổ trưởng chuyên môn, các tổ chức khác để kết luận (bằng văn bản) về đánh giá, xếp loại được chính xác.

 

MẠNH THÚY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek