Thứ Ba, 15/10/2024 21:23 CH
Tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2010:
Những ngành “hot” sau này còn “hot”?
Chủ Nhật, 21/02/2010 07:30 SA

Băn khoăn lớn nhất của nhiều thí sinh khi đăng ký dự thi đại học, cao đẳng là chọn ngành nghề như thế nào để sau khi ra trường dễ kiếm việc làm.

 

tu-van-3.jpg

Tiến sĩ Nguyễn Tấn Hạ (Trường Đại học khoa học xã hội - nhân văn TP Hồ Chí Minh) tư vấn cho các học sinh quan tâm đến nhóm ngành xã hội và nhân văn. - Ảnh: T.HẰNG

 

NÊN CHỌN NGÀNH ĐÀO TẠO RỘNG

 

Những ngành “hot” nhất hiện nay sau này liệu có còn “hot” không?, xã hội phát triển cần những loại ngành nghề gì nhất…? Đây là một trong những băn khoăn lớn nhất của nhiều học sinh tham gia chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp năm 2010 do Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Báo Phú Yên, Sở Giáo dục – Đào tạo Phú Yên vừa tổ chức. Để giải tỏa những băn khoăn này, tiến sĩ Lê Thị Thanh Mai (Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho rằng, những ngành có phạm vi đào tạo rộng sẽ giúp người học dễ tìm kiếm việc làm. Khi thí sinh dự thi đại học thì 4 – 5 sau nhu cầu xã hội còn nhiều biến động, do đó thí sinh nên chọn những ngành có phạm vi đào tạo rộng mang tính chất đa ngành. Còn theo tiến sĩ Nguyễn Tấn Hạ (Trường Đại học Khoa học xã hội - nhân văn TP Hồ Chí Minh), để biết mình thích nghề gì, phù hợp với công việc gì, các thí sinh có thể tham khảo nhiều cách thông qua ý kiến những người có kinh nghiệm đi trước, thông qua sự quan sát của bản thân. Chọn nghề, hãy mở rộng cho mình nhiều cơ hội, khi có nhiều sự lựa chọn, thí sinh sẽ biết rõ mình muốn gì nhiều hơn. Các thí sinh nên phân biệt điều gì mình thích nhất, thế mạnh của mình là gì. Đừng nhầm lẫn điều mình thích và điều mình có thể làm được vì nhiều lúc điều mình thích nhưng chưa hẳn đã làm được.

 

Hiện nay, có khá nhiều ngành học có tên gọi rất “kêu” nhưng tính chất nghề nghiệp không thực tế. Theo các chuyên gia tư vấn, ngành học là cốt lõi của việc được làm đúng nghề mình ưa thích. Nếu các thí sinh chọn một ngành thật “kêu” nhưng lại không được làm điều mình thích hoặc không làm được nghề như mong muốn cũng sẽ cảm thấy không hài lòng. Hãy tỉnh táo và thận trọng khi chọn ngành.

 

CẦN HIỂU ĐÚNG NGÀNH NGHỀ

 

Ở góc độ hướng nghiệp, tiến sĩ Lê Thị Thanh Mai cho rằng, đối với thí sinh, gốc của vấn đề chọn ngành chính là sự yêu thích. Nghĩa là yếu tố đầu tiên trong việc chọn ngành là phải phù hợp với sở thích nghề nghiệp của bản thân. Tiếp đến là xem ngành đó được đào tạo ở những trường nào rồi cân nhắc năng lực bản thân bằng cách tham khảo điểm chuẩn qua các năm của trường đó, đồng thời cũng cần xem xét dự báo nhu cầu của ngành nghề đó sau 4 – 5 năm sau để có quyết định cuối cùng. Thí sinh cần phải hiểu đúng hơn về các ngành nghề trước khi đăng ký dự thi.

 

Theo đại diện của các trường đại học tham gia chương trình tư vấn tuyển sinh và chọn ngành năm 2010, nhiều thí sinh vì chưa hiểu đúng về ngành nghề nên chưa có sự lựa chọn đúng đắn. Phó giáo sư, tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh cho biết, những năm gần đây thí sinh tập trung vào các ngành điện, điện tử, công nghệ thông tin, trong khi các ngành được đánh giá nhu cầu xã hội đang rất cần như công nghệ thực phẩm, công nghệ môi trường lại gặp nhiều khó khăn trong tuyển sinh. Theo phó giáo sư, tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, thí sinh cần tìm hiểu thông tin về chuẩn đầu ra của các trường để hình dung khả năng việc làm, nhu cầu nhân lực nhằm hiểu rõ hơn về các ngành nghề hiện nay. Thí sinh không nên dựa vào những định hướng thiếu cơ sở hoặc chạy theo bạn bè khi đăng ký dự thi đại học, cao đẳng.

 

Theo các chuyên gia tư vấn, một số ngành nhu cầu xã hội rất cần nhưng những năm gần đây tuyển sinh rất khó. Chẳng hạn như thí sinh cứ nghĩ ngành cơ khí, nông lâm là phải cày cấy, tiếp xúc với máy móc, điều kiện làm việc vất vả nên tránh. Tuy nhiên, thực tế là những sinh viên tốt nghiệp ngành cơ khí đa số có việc làm ổn định.

 

Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh thổ lộ: “Giáo dục đại học giúp người học chuẩn bị cho nghề nghiệp tương lai nhưng không giới hạn ở một nghề nghiệp cụ thể nào. Bất cứ ngành học nào cũng có thể giúp người học chuẩn bị cho một số nghề nghiệp khác nhau. Ví dụ, tốt nghiệp ngành công nghệ sinh học có thể  làm việc tại các công ty xử lý môi trường, các đơn vị và tổ chức hoạt động trong lĩnh vực môi trường, các nhà máy, khu chế xuất, viện nghiên cứu… Những ngành có lợi thế của Việt Nam như: điện tử, cơ khí, công nghệ thông tin, những ngành dịch vụ… cũng sẽ tiếp tục phát triển. Vì vậy, các thí sinh không nên quá bó buộc vào một nghề nào đó để tìm ra một ngành phù hợp và cần nhìn xa trông rộng khi chọn ngành học.

 

MẠNH THÚY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek