Thứ Sáu, 04/10/2024 08:30 SA
Những vướng mắc trong quản lý ở các trường CĐSP địa phương
Thứ Hai, 26/06/2006 08:58 SA

Trường Cao đẳng Sư phạm (CĐSP) địa phương ra đời nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho ngành giáo dục địa phương. Đến nay, hầu hết các tỉnh, thành phố ở nước ta đều có trường CĐSP, một số do UBND tỉnh quản lý, một số khác trực thuộc Sở GD – ĐT. Yếu tố địa phương được phản ánh đậm nét trong cơ chế quản lý ở các trường này.

 

Trường CĐSP địa phương được thành lập theo hai phương thức, hoặc thành lập mới, hoặc nâng cấp từ trường THSP. Do điều kiện khách quan, những trường thành lập mới phải tuyển đủ giảng viên vào để tổ chức đào tạo. Nguồn tuyển thì đa dạng, tuy nhiên, do tình hình bức bách nên việc tuyển dụng giảng viên chỉ nhằm giải quyết kịp thời nhiệm vụ đặt ra mà thiếu tính quy hoạch, khoa học. Một số trường được nâng cấp từ trường THSP của địa phương, nguồn giảng viên chủ yếu là từ giáo viên dạy THSP chuyển sang. Cơ cấu bất hợp lý dẫn đến hệ quả tất yếu là chất lượng đội ngũ giảng viên của các trường CĐSP địa phương hiện nay chưa xứng tầm với nhu cầu đào tạo.

 

060626-may-tinh.jpg

Giờ thực hành môn Tin học của sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm Phú Yên - Ảnh: T.HẰNG

 

Thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, tất nhiên trường CĐSP địa phương do Bộ, ngành trung ương quản lý về giáo dục, đồng thời còn phải chịu sự quản lý  của địa phương. Thế nhưng hiện nay, sự quản lý của địa phương đối với các trường CĐSP còn theo kiểu cũ, chưa phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường, nhất là trong các lĩnh vực tài chính, tổ chức, nhân sự, chuyên môn. Kinh phí ngân sách cấp chủ yếu dùng để trả lương (chiếm 70% - 80%). Đã thế, theo quy định các trường không được thu học phí, lại không có kinh phí cấp bù sư phạm nên càng khó khăn hơn trong việc tổ chức các hoạt động, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật, phát triển đội ngũ giảng viên… Bên cạnh đó, đào tạo theo công thức, kế hoạch gắn với chính sách, nhưng chính sách lại quá yếu, lại không chú ý đến sự tác động của cơ chế thị trường đối với việc điều chuyển nhân lực, làm cho đào tạo chưa thật sự gắn với việc làm. Điều này gây lãng phí tiền của và nhân lực, dẫn đến tình trạng thất nghiệp của một bộ phận sinh viên; uy tín của nhà trường có chiều hướng giảm sút.

 

Môi trường pháp lý của các trường CĐSP địa phương chưa hoàn chỉnh, có ảnh hưởng không nhỏ đến tính tích cực, chủ động, sáng tạo của đội ngũ giảng viên. Nhiều văn bản pháp lý đã không còn phù hợp với điều kiện mới, một số văn bản quy định chưa linh hoạt. Ví dụ, điều lệ của trường cao đẳng quy định là Hiệu trưởng được quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức vụ trưởng, phó phòng, ban, khoa, tổ trực thuộc … Thế nhưng công việc này lại thuộc về công tác cán bộ của địa phương. Chính sự chồng chéo này đã làm kiềm hãm quá trình tự chủ, tự chịu trách nhiệm của giảng viên về giảng dạy, nghiên cứu khoa học và các hoạt động khác. Bên cạnh đó, chế độ đãi ngộ cho các giảng viên học sau đại học, nghiên cứu khoa học chưa tương xứng, chưa kích thích họ nâng cao chuyên môn nghiệp vụ.

 

Để nâng cao hiệu quả quản lý trường học ở các trường CĐSP địa phương hiện nay, rất cần phải hoàn thiện và sớm ban hành đồng bộ các văn bản pháp quy dưới luật. Đối với trường CĐSP địa phương, cần xác định rõ quyền tự chủ và tính chịu trách nhiệm trong mối quan hệ ràng buộc mang tính pháp lý của địa phương, thống nhất phương thức quản lý nhà nước là một đơn vị trực thuộc UBND tỉnh. Ngoài ra, để trường CĐSP địa phương có một hướng đi hợp lý trong tương lai, cùng với việc xây dựng cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên thì phải mở rộng quy mô đào tạo, ngành nghề đào tạo (không sư phạm), phù hợp với năng lực và các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo; nhằm cung cấp nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp CNH – HĐH địa phương. Cần xác định rõ kế hoạch gắn với chính sách và gắn với thị trường, đồng thời, cho phép tất cả các bộ phận của nhà trường, từ tổ chuyên môn trở lên được tiếp cận với yêu cầu đào tạo của xã hội.

 

LÊ BẠT SƠN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek