Thứ Sáu, 04/10/2024 22:28 CH
Giáo dục mầm non:
Phải đổi mới toàn diện
Thứ Ba, 18/04/2006 08:12 SA

Từ năm học 2006 – 2007, Bộ GD – ĐT sẽ chính thức đưa vào giảng dạy đại trà chương trình chăm sóc giáo dục học sinh mầm non (từ 1 – 6 tuổi) theo hướng đổi mới. Đây là chương trình giảng dạy theo hướng tích cực, tăng cường sự tiếp cận của giáo viên đối với học sinh, tạo điều kiện cho học sinh hoạt động nhiều và tự thể hiện nhiều hơn. Cách dạy và học theo hướng đổi mới như trên là một nhu cầu tất yếu, bởi chương trình mới lớp 1 đòi hỏi học sinh phải tự phát hiện kiến thức, nói ra những điều mình biết giúp các em dễ nhớ bài và giờ học sinh động hơn. Thực tế ấy đặt ra yêu cầu: nếu không được đào tạo bài bản ở bậc mầm non, các em sẽ khó theo kịp những đòi hỏi ở bậc phổ thông.

 

060418-chau.jpg
Kích thích tư duy học tập của bé bằng đồ dùng dạy học minh họa - Ảnh: T.HẰNG

 

Trẻ em không có kiến thức kỹ năng trước nên chúng sẵn sàng theo dõi người khác để bắt chước theo. Người đó thường là cha mẹ hoặc cô giáo. Giáo viên mầm non vừa là thầy giáo đầu tiên nhưng cũng đồng thời là những hình mẫu quan trọng ảnh hưởng đến sự hình thành tính cách của các em. Sự nhất quán giữa việc dạy và thực hiện là cực kỳ quan trọng. Cô giáo Nguyễn Thị Út, giáo viên trường mầm non Bông Sen (huyện Sông Cầu) cho biết: “Lâu nay, ở trường mầm non trẻ vẫn được làm quen với văn học – chữ viết, song chỉ là làm quen qua lời của cô giáo. Dạy theo chương trình mới, giáo viên không chỉ nói  mà còn chuẩn bị thật nhiều đồ dùng dạy học để minh họa cho những giờ học”. Khi dạy trẻ làm quen với câu chuyện “Dê con nhanh trí”, cô Út dẫn dắt các học trò nhỏ của mình làm quen với câu chuyện thông qua việc sử dụng con rối tay do cô tự tạo gồm dê mẹ, dê con, chó sói để minh họa. Bằng hình ảnh các con rối kết hợp với giọng kể diễn cảm của cô giáo, trẻ nhận biết nhanh chóng tính cách của từng nhân vật trong câu chuyện: dê mẹ hiền lành, yêu thương con; dê con  thận trọng, thông minh, ngoan ngoãn, chó sói dối trá, gian ác. Từ đó, góp phần giúp trẻ tỏ rõ thái độ yêu ghét và biết phải nên học tập nhân vật nào.

 

Khảo sát của các chuyên gia giáo dục cho thấy, nếu trẻ biết đọc, biết viết nhưng không biết những kỹ năng đọc, viết thì dù các em có được học sớm đến đâu cũng khó có thể phát huy khả năng sáng tạo. Vì thế, nếu ở bậc mầm non, trẻ được dạy cách cầm bút, tư thế ngồi, cách lia bút, biết cảm nhận sự vật hiện tượng môi trường xung quanh… có kỹ năng tốt sẽ giúp các em nhận biết tốt. Vấn đề quan trọng ở đây là dạy - học như thế nào cho vừa sức với trẻ mầm non? Vừa sức ở đây không có nghĩa là tạo sự phù hợp với khả năng hiện có, mà phải hướng khả năng để trẻ có thể đạt được, đánh thức tiềm năng của trẻ. Bà Trần Thị Kim Tuyết, Phó trưởng phòng mầm non – tiểu học (Sở GD – ĐT) nói: “Do những điều kiện cụ thể của việc dạy – học ở lứa tuổi 1 – 6 nên chương trình giáo dục ở bậc học mầm non đặt trọng tâm vào đổi mới phương pháp giáo dục. Mục tiêu đó được cụ thể hóa thành các yêu cầu cơ bản về kỹ năng, thói quen, niềm tin, hành vi, thái độ phù hợp với từng lứa tuổi. Nếu giáo viên tạo điều kiện để học sinh có động cơ đúng và có hứng thú học tập thì các em sẽ tham gia vào quá trình học tập một cách tích cực và có ý thức”.

 

Những năm gần đây việc đổi mới các hình thức tổ chức dạy học đã dần dần trở nên quen thuộc với nhiều cấp học và tỏ rõ tính hiệu quả đối với việc nâng cao chất lượng giáo dục. Giai đoạn trước mắt, đối với những trường có cơ sở vật chất tốt thì quá trình triển khai chương trình giáo dục theo hướng đổi mới là rất thuận lợi. Tuy nhiên, sẽ rất khó khăn đối với các trường ở vùng nông thôn, miền núi. Bởi cơ sở vật chất trường lớp mầm non ở khu vực này còn trong tình trạng tận dụng, tạm bợ và mượn của tiểu học là khá phổ biến. Hơn 3 năm nay, mặc dù đề án phát triển giáo dục mầm non của tỉnh đã được triển khai nhưng cái lợi mà bậc học này được hưởng vẫn còn rất khiêm tốn. Chẳng hạn, thực hiện theo đề án, 20 trường mẫu giáo ở 20 xã đặc biệt khó khăn đã được chuyển từ trường dân lậpï sang công lập, từ kinh phí tự lo sang Nhà nước hỗ trợ, vậy nhưng, cho đến nay chất lượng chăm sóc giáo dục vẫn chưa có gì khác. Bà Trần Thị Hồng Thảo, cán bộ phụ trách công tác mầm non Phòng Giáo dục huyện Sông Hinh bày tỏ: “Phần lớn các phòng học mẫu giáo trên địa bàn huyện vẫn còn phải học tạm nhà rông, học tạm ở các trường tiểu học. Giáo viên mang tiếng dạy ở trường công lậpï nhưng có chưa đến 50% số người được nhậnï lương theo chế độ công lập. Cơ sở vật chất, chế độ tiền lương còn nhiều bất cập đã ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình dạy học ở bậc học này”.

 

Đã đến lúc xã hội cần thay đổi cách nhìn về vai trò quan trọng của bậc học mầm non, vì đó là nhu cầu chính đáng mà trẻ phải được hưởng.

 

MẠNH THÚY

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek