Thứ Bảy, 05/10/2024 10:24 SA
Xã Sơn Hội (huyện Sơn Hòa):
Trường còn “treo” đến bao giờ?
Thứ Hai, 27/03/2006 14:12 CH

Học sinh THCS của 3 xã học tập trung một địa điểm nhưng ngôi trường đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Trong khi đó, trường mới lại đang bị “treo”! Vì thế, cả thầy và trò đều…khổ!

 

TRƯỜNG CŨ: QUÁ OẢI!

 

Trường phổ thông dân tộc bán trú La Văn Cầu là nơi chịu trách nhiệm giáo dục, đào tạo học sinh cấp THCS của 3 xã đặc biệt khó khăn Sơn Hội, Phước Tân, Cà Lúi (huyện Sơn Hòa). Một ngôi trường đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao trình độ dân trí của khu vực là vậy, nhưng nếu ai đó có dịp đến đây thì chắc không khỏi chạnh lòng. Toàn trường có 340 học sinh, chia thành 12 lớp nhưng chỉ có 5 phòng học. Để không phải học ca 3, trường đành mượn tạm một phòng học mẫu giáo. Gọi là phòng học nhưng nền nhà thì loang lổ, bong tróc trơ đất. Trên đầu học sinh, mái tôn  sập sệ, mùa đông thì tiếng mưa dội ồn ào, còn mùa nắng  cả thầy và trò mồ hôi vã ướt áo. Thầy Trần Xuân Ảnh, Hiệu trưởng, cho biết: “Cơ sở vật chất mà trường  La Văn Cầu đang có hiện nay được tiếp quản từ trường Bổ túc công nông, xây dựng từ những ngày đầu đất nước mới giải phóng. Sau mấy mươi năm hoạt động mà không có sửa chữa lớn nên hiện nay tất cả phòng ốc đều bị xuống cấp hết “.

 

Không có phòng chức năng, phòng học xuống cấp nên các giờ dạy – học thường phải dạy chay – học chay – Ảnh: M.Thúy

 

Năm học đầu tiên của trường (1999-2000), vì trường mới nên có 250 học sinh còn có điều kiện lựa chọn các phòng học tương đối để bố trí lớp học. Càng về sau, lượng học sinh càng tăng nên trường không còn sự lựa chọn nào khác:  có bao nhiêu phòng học là sử dụng bấy nhiêu. Đặc biệt, từ khi thực hiện việc dạy và học theo chương trình sách giáo khoa mới, để có chỗ cho các em thí nghiệm thực hành, trường phải sử dụng cả nhà ăn để làm phòng học. Đến năm học 2005 – 2006 này, nhà ăn cũng sắp sập nên chuyện thí nghiệm thực hành của học sinh  bế tắc. Thầy Trần Ngọc Sơn, giáo viên,  bày tỏ: “Chương trình sách giáo khoa mới dung lượng kiến thức lớn, yêu cầu thực hành thí nghiệm là rất nhiều. Nhưng do trường không có phòng chức năng nên quá trình dạy học đổi mới là rất hạn chế”.

 

Tôi xoa đầu một em gái tóc bết mồ hôi,  hỏi: “Nhà em gần đây không?”. Em bấu tay vào bàn, cúi mặt xuống, lát sau mới ngửng lên nói nhỏ nhẹ: Nhà em ở tận Phước Tân nên phải ở lại trường. 2 tuần em về nhà lấy gạo một lần”. Là học sinh bán trú, các em được Nhà nước hỗ trợ 30.000 đồng /tháng. Chỉ với ngần ấy tiền nên ngoài gạo mang từ nhà đến, thức ăn hàng ngày của mỗi em không quá 1000 đồng. Khó khăn từ chỗ học đến cái ăn là vậy nhưng học sinh của trường La Văn Cầu rất ý thức trong việc đến lớp.

 

TRƯỜNG MỚI: BAO GIỜ HẾT “TREO”?

 

Vận động học sinh dân tộc thiểu số đến lớp đã khó, giữ chân các em ở trường lại càng khó hơn. Với cơ sở trường lớp nghèo nàn, rệu rã hiện có, các thầy cô giáo nơi này có muốn dạy tốt và tạo nhiều sân chơi cho bọn trẻ đi nữa cũng “lực bất tòng tâm”. Việc đầu tư cơ sở vật chất trường lớp không phải là một sớm một chiều, cũng không phải chính quyền địa phương ý thức được điều đó là đã có kinh phí để nâng cấp ngay được, nhất là với các xã miền núi. Vậy nên, khi được UBND TP Hồ Chí Minh hỗ trợ 1 tỷ 5 triệu đồng xây 10 phòng học để chuyển học sinh trường La Văn Cầu về học, ai nấy đều mừng. Nhưng niềm vui này không được trọn vẹn, bởi hiện nay công trình 10 phòng học cấp 2 cho 3 xã Sơn Hội, Cà Lúi, Phước Tân đang phải dừng lại dở dang ở con số 5!  Hôm chúng tôi đến, 5 phòng học khang trang này đang được công an xã Sơn Hội đóng  trụ sở làm việc (để tiện việc trông nom các phòng học!).

 

Trường mới xây dựng dở dang và đang chờ vốn – Ảnh: M. Thúy

 

Trao đổi với chúng tôi về việc này, ông Dương Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Sơn Hội cho biết: “Với hơn 1 tỷ đồng, công trình dự tính xây dựng 10 phòng. Nhưng qua quá trình triển khai, kinh phí san ủi mặt bằng đã chiếm trên 300 triệu đồng nên số tiền còn lại chỉ xây được 5 phòng học”. Chưa có tường rào, điện, nước và công trình phụ, do đó, 5 phòng học sau gần 2 tháng nghiệm thu vẫn phải “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Nhiều người dân  cho rằng xã, huyện quy hoạch địa điểm xây dựng trường bất hợp lý nên mới tốn nhiều kinh phí cho việc san ủi mặt bằng?! Ông Bình giải thích; “Trường xây ở thôn Tân Hội, cạnh trung tâm thị tứ là thuận lợi  cho việc đi học của con em 3 xã. Tuy bước đầu có khó khăn trong giải phóng mặt bằng, lắp đặt hệ thống điện, nước nhưng về tương lai sẽ rất thuận lợi”.

 

Thuận lợi đâu chưa thấy, chỉ biết rằng từ 10 phòng học  hiện bây giờ chỉ còn 5. Khi nào thì trường tiếp tục được đầu tư các hạng mục còn lại để đưa vào sử dụng? Vấn đề này ông Bình bảo còn chờ huyện. Ông Cao Văn Cường, Trưởng Ban quản lý công trình huyện Sơn Hòa cho biết: “Công trình muốn xúc tiến được phải chờ xin ý kiến cuộc họp Hội đồng nhân dân sắp đến. Rồi huyện sẽ cân đối ngân sách hỗ trợ mới xây  tiếp tục được”.

 

5 phòng học đã được nghiệm thu khá khang trang,  còn  kinh phí đầu tư để hoàn thiện mô hình trường bán trú này  thì  đành phải “chờ”. Trong khi, sự học của 340 học sinh chậm một ngày là thiệt thòi một ngày. Mong  huyện Sơn Hòa nên sớm có biện pháp bổ sung kinh phí kịp thời để hơn 1 tỷ đồng ấm áp nghĩa tình  mà UBND TP Hồ Chí Minh tài trợ  không phải chịu cảnh “xây rồi để đấy nhìn” như hiện nay…

 

THÚY HẰNG

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek