Thứ Bảy, 05/10/2024 10:14 SA
Chương trình kiên cố hoá trường, lớp học ở Phú Yên:
Chậm tiến độ do khó huy động vốn
Thứ Bảy, 25/03/2006 10:02 SA

Sau hơn 2 năm triển khai chương trình kiên cố hoá trường lớp học của Chính phủ, Phú Yên đã từng bước xoá bỏ tình trạng phòng học xuống cấp, tạm bợ. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, nhiều khó khăn vướng mắc đang nảy sinh, ảnh hưởng đáng kể đến tiến độ triển khai chương trình.

 

LOAY HOAY TÌM...… VỐN

 

Để thực hiện chương trình, trung ương hỗ trợ 80% vốn, 20% còn lại, theo Quyết định số 271/QĐ-UB ngày 08-10-2003 của UBND tỉnh Phú Yên, được huy động từ nhân dân nơi có công trình.

 

Với 15 tỷ 650 triệu đồng do TW cấp trong 2 đợt đầu năm 2003 và 2004, UBND tỉnh Phú Yên đã tiến hành phân bổ kinh phí cho năm huyện gồm: Tuy An, Sông Cầu, Đồng Xuân, Sơn Hòa và Sông Hinh để xây dựng 192 phòng học. Trong đợt 1, các địa phương xây dựng 50 phòng học với 5 tỷ đồng, đợt 2 xây 142 phòng học với 10 tỉ 650 triệu đồng.

 

Số phòng học phải xây trong đợt 2 nhiều gần 3 lần so với đợt 1, song kinh phí rót về không nhiều, đòi hỏi các địa phương phải huy động vốn từ nhân dân nhiều hơn. Một số địa phương nợ nhà thầu kéo dài. Đến nay, dù tiến độ thi công có chậm hơn dự kiến nhưng tất cả phòng học xây dựng trong 2 đợt đều được hoàn thành và đưa vào sử dụng.

 

Trong buổi làm việc với đoàn thanh kiểm tra chương trình, ông Lê Hoàng Sang, Phó Chủ tịch huyện Tuy An, nói: “Thông thường, các địa phương mong đợi được chọn thực hiện chương trình kiên cố hoá trường lớp học, song sau đó lại lo lắng vì phần vốn đối ứng “gánh” không nổi. Không chỉ có vậy, địa phương còn phải lo chuẩn bị mặt bằng, tốn thêm tiền để san ủi, giải toả…”.

 

Tuy nhiên, 192 phòng học nêu trên chỉ mới đạt 41,6% trong tổng số phòng học cần có thuộc chương trình này. Còn lại 269 phòng học, nhưng vốn cấp cho đợt 3 này chỉ có 17 tỷ 542 triệu đồng. Số phòng học này phải hoàn thành trong năm 2006. Trong khi đó, chi phí xây dựng phòng học ở Phú Yên đang ở mức rất cao, đặc biệt là khu vực miền núi. Theo dự toán của các đơn vị, để xây dựng 461 phòng học thì kinh phí cần có là 53 tỷ 293 triệu đồng. Trong số này, vốn trung ương chỉ mới chiếm 62,3%, vốn địa phương cần huy động phải đạt 10,101 tỷ đồng và 2 tỷ đồng từ các nguồn vốn khác. Sự chênh nhau về dự toán vốn xây dựng cho mỗi phòng học của trung ương và địa phương, cộng với nhiều khoản kinh phí phát sinh khác đang làm cho các địa phương… dở khóc dở cười.

 

HUY ĐỘNG KHÔNG ĐƯỢC THÌ SAO?

 

Nhằm giảm bớt gánh nặng về vốn đối ứng cho các địa phương, đặc biệt là các huyện miền núi, trong Thông báo về danh mục đầu tư kiên cố hoá trường, lớp học đợt 3 năm 2005, UBND tỉnh Phú Yên có cân đối tỷ lệ hỗ trợ cho các địa phương. Theo đó, các huyện miền núi có mức hỗ trợ cao nhất là 90%, các địa phương còn lại thì từ mức 67% - 77,7%. Như vậy, nếu tính ở mức cao nhất thì các huyện miền núi được hỗ trợ 81 triệu đồng/1 phòng học. Trong khi đó, chi phí xây dựng mỗi phòng học lại ở mức trên 100 triệu đồng.

 

Điều đáng nói là các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xã đặc biệt khó khăn lâu nay vốn thụ hưởng chương trình 135 của Chính phủ. Nhân dân nơi đây quen được hưởng chính sách Nhà nước ưu tiên đầu tư 100% vốn đối với các công trình xây dựng trên địa bàn. Do đó, họ ít “mặn mà” với chương trình này. Huyện Sông Hinh chỉ huy động được ở thị trấn Hai Riêng; các xã còn lại không huy động được. Huyện Sơn Hoà chỉ huy động được 79 triệu đồng trong đợt 1 và 150 triệu đồng trong đợt 2 ở những xã ven thị trấn; số vốn khá lớn còn lại của đợt 3 không biết sẽ tìm đâu ra.

 

Miền núi đương nhiên là khó khăn, song các huyện đồng bằng cũng không dễ khi triển khai chương trình kiên cố hóa trường lớp học. Ông Trần Thêm, Phó Chủ tịch huyện Sông Cầu, cho biết: “ Qui định là huy động 20% vốn từ nhân dân nhưng trên thực tế khi lập hồ sơ xây dựng cơ bản, có nhiều công trình không chỉ đầu tư xây dựng hạng mục phòng học. Để xây dựng được phòng học thì phải tiến hành san ủi, nâng đắp, tôn tạo mặt bằng. Có công trình còn phải xây dựng các công trình phụ trợ. Do vậy vốn thực tế huy động trong nhân dân phải từ 35 - 40% giá trị công trình nên rất khó thực hiện”.

 

Kiên cố trường, lớp học là chủ trương lớn của Nhà nước nhằm xóa bỏ hoàn toàn phòng, lớp học tạm thời, tranh tre nứa lá trên cơ sở hệ thống trường lớp cũ. Song, tỉnh Phú Yên đã kết hợp vận dụng xây mới hệ thống trường lớp ở một số nơi. Chính vì vậy, ngoài việc giá thành bị đẩy lên cao do giá nguyên vật liệu, nhân công thay đổi thì không thể không kể đến số kinh phí khá lớn từ việc chuẩn bị, san lấp mặt bằng, đền bù giải toả, mua sắm trang thiết bị,… Việc thực hiện chương trình cũng chưa có sự đồng nhất. Có huyện huy động người dân không được thì chính quyền địa phương bỏ vốn ra, sau đó đi xin tiếp; có huyện lại để đó và… chờ.

 

Nếu tỉnh không có cơ chế vốn cụ thể hơn cho những vấn đề nêu trên thì chắc chắn chương trình này sẽ tiếp tục bị chậm trễ, không hoàn thành đúng tiến độ đề ra.

 

TRIỀU CHINH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek