Không chỉ hợp tác với doanh nghiệp trong đào tạo, hiện nay nhiều trường đại học, cao đẳng đang triển khai các chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế để thu hút người học.
TIẾP CẬN MÔ HÌNH ÐÀO TẠO QUỐC TẾ
Một trong những chương trình hợp tác quốc tế mà Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LÐ-TB-XH) đang triển khai ở 45 trường trọng điểm trên cả nước là chương trình đào tạo thí điểm 22 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế chuyển giao từ Cộng hòa liên bang Ðức. Ðây là cơ hội để các trường khẳng định vị thế, uy tín của mình trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp, qua đó cung cấp cho thị trường lao động nguồn nhân lực chất lượng cao đủ điều kiện làm việc trong và ngoài nước.
Là một trong 45 trường được lựa chọn đào tạo nghề Cắt gọt kim loại theo chuẩn Ðức, Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung đã khai giảng chương trình đào tạo này với 16 sinh viên/lớp theo quy định. Trong thời gian 3,5 năm tham gia khóa học, 16 sinh viên của lớp học này sẽ được học đầy đủ các nhóm kiến thức và kỹ năng của một kỹ sư cắt gọt kim loại theo tiêu chuẩn Ðức, với thời gian học tại trường là 30%, tại doanh nghiệp 70%. Khi tốt nghiệp, sinh viên được nhận 2 bằng, trong đó 1 bằng của CHLB Ðức (tương đương với trình độ Bậc 4 theo khung trình độ quốc gia Ðức), 1 bằng của Việt Nam, qua đó sinh viên sẽ có cơ hội việc làm tại CHLB Ðức và các quốc gia trên thế giới, đáp ứng nhu cầu lao động chất lượng cao trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Không chỉ có các trường thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp hướng tới hội nhập quốc tế, mà các trường đại học trên địa bàn tỉnh cũng đang chủ động hội nhập. Mới đây, tại Trường đại học Xây dựng Miền Trung, UBND tỉnh Phú Yên phối hợp với Ðại sứ quán Italia tổ chức tọa đàm Cơ hội hợp tác GD-ÐT giữa Phú Yên và Italia.
PGS-TS Nguyễn Vũ Phương, Hiệu trưởng Trường đại học Xây dựng Miền Trung, chia sẻ: Italia có một nền giáo dục mạnh với những cơ sở đào tạo đại học và nghiên cứu ứng dụng hàng đầu. Với truyền thống lâu đời, đất nước hình chiếc ủng có ưu thế mạnh mẽ về đào tạo kiến trúc, xây dựng, quy hoạch đô thị, thiết kế công nghiệp, công nghệ thời trang… Ðó đều là những ngành mà Việt Nam nói chung, tỉnh Phú Yên nói riêng và cũng như nhà trường đang cần đổi mới, thay đổi mạnh mẽ để nâng cấp chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của các ngành công nghiệp. Ðây là hoạt động rất có ý nghĩa để trường tiếp cận với các chương trình giáo dục đại học tiên tiến từ quốc gia phát triển như Italia, đồng thời mang đến cơ hội học tập nâng cao và phát triển cho sinh viên của trường.
PHÁT HUY KHẢ NĂNG CHỦ ÐỘNG, SÁNG TẠO TRONG ÐÀO TẠO
Phát triển nguồn nhân lực, gắn đào tạo với thị trường lao động, tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp trong quá trình đào tạo nhân lực được xem là một trong những giải pháp đột phá để xây dựng được nguồn nhân lực có tính cạnh tranh cao, không chỉ ngay tại thị trường lao động trong nước mà còn phải cạnh tranh được với thị trường lao động nước ngoài.
Sinh viên học ngành Cắt gọt kim loại thực hành trên máy tiện tại Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung - Ảnh: QUỲNH ANH |
Ðể hiện thực hóa giải pháp này, năm học 2019-2020, Trường đại học Xây dựng Miền Trung xác định nhiệm vụ trọng tâm, đó là tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị dạy học để chuẩn hóa chương trình đào tạo và phương thức tổ chức đào tạo theo định hướng ứng dụng, hoàn thành kiểm định chất lượng giáo dục của trường.
“Ðể chủ động hội nhập, nhà trường phấn đấu trở thành trường đại học kỹ thuật đa ngành theo định hướng ứng dụng, có uy tín trong lĩnh vực xây dựng trong nước và trong khu vực về đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; thu hút sinh viên bằng chất lượng đào tạo, tạo ra môi trường làm việc và học tập năng động, nghiêm túc, thích ứng với môi trường làm việc kỷ luật, cạnh tranh, năng động và hội nhập. Nhà trường luôn đồng hành và tạo mọi điều kiện tốt nhất để người học sẵn sàng tham gia vào thị trường lao động trong nước và khu vực ASEAN”, PGS-TS Nguyễn Vũ Phương nhấn mạnh.
Trường chất lượng cao phải đào tạo chất lượng cao - đây cũng chính là nhiệm vụ được đặt ra đối với Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung. Nhà trường phải đổi mới chương trình, nội dung đào tạo, tổ chức đào tạo các nghề trọng điểm quốc gia và nghề trọng điểm quốc tế. Ðây cũng là chủ trương và định hướng phát triển giáo dục nghề nghiệp tiệm cận với đào tạo nghề quốc tế của Bộ LÐ-TB-XH, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, giúp định hướng tốt về nguồn nhân lực tương lai, cũng như tiệm cận với tiêu chuẩn đào tạo nghề của thế giới.
TS Trần Kim Quyên, Hiệu trưởng nhà trường, nói: “Việc phát triển nghề chất lượng cao theo chuẩn quốc tế đang dần trở thành một xu thế tất yếu. Ðây là cơ hội tốt để chúng ta có thể tranh thủ hợp tác, học hỏi kinh nghiệm của các nước có nền giáo dục và công nghệ đào tạo tiên tiến. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hay việc mở rộng quan hệ hợp tác giữa các nước đã, đang làm thay đổi căn bản, nhanh chóng cơ cấu lao động và thị trường lao động. Dưới tác động ấy, đòi hỏi các cơ sở giáo dục phải đào tạo cho được nguồn nhân lực chất lượng cao mới thích ứng quá trình hội nhập”.
Trước đòi hỏi ngày càng cao của thị trường lao động về khả năng thích ứng của người học sau tốt nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ðình Phùng yêu cầu các trường cần quan tâm đến việc đổi mới chương trình đào tạo, phát triển chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên và tăng cường hợp tác quốc tế. Những chương trình đào tạo cũ kỹ, lạc hậu phải được thay thế bằng chương trình tiên tiến được xây dựng cùng với doanh nghiệp cũng như các chương trình chuyển giao từ nước ngoài có hiệu chỉnh cho phù hợp với thực tế. |
QUỲNH ANH