Sáng 4/4, góp ý vào Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) tại Hội nghị đại biểu hoạt động chuyên trách, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, việc tuyển đầu vào đại học Sư phạm phải có sự chắt lọc, làm sao tuyển được những sinh viên giỏi.
“Tại sao không tuyển sinh ngành sư phạm như những ngành công an, quân sự, lấy điểm cao và có chế độ miễn học phí. Học ngành Sư phạm nếu tuyển cao như vậy thì ra trường các em được tuyển vào các trường dạy học luôn”, ông Hòa nêu ý kiến.
Theo vị đại biểu này, thầy giỏi thì mới có trò giỏi, trong khi tuyển sinh sư phạm hiện nay có trường lấy từ 14-15 điểm, thấp hơn điểm của một số trường đại học khác, thì chất lượng giảng dạy sau khi ra trường của những sinh viên này có đảm bảo?
Khi tuyển sinh sư phạm đầu vào cao thì sẽ chọn lọc hơn, tuyển được sinh viên giỏi, Nhà nước có chính sách phụ cấp, miễn học phí... cho những đối tượng này để sau khi học xong, sinh viên ra trường có việc làm ngay trong ngành thì khi đó chất lượng giáo viên sẽ cao hơn.
“Tuyển giáo viên cứ sàn sàn như hiện nay thì 5-10 năm nữa chất lượng giáo dục liệu có nâng cao?”, ông Hòa đặt câu hỏi và nhấn mạnh với những ngành đặc thù thì phải có quy định chặt chẽ, có chế độ riêng để tuyển được người giỏi.
Góp ý thêm về tuyển dụng giáo viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, thực tế hiện nay một số trường muốn tuyển giáo viên nhưng không được, cấp THPT do Sở Giáo dục tuyển, cấp THCS, Tiểu học do phòng Giáo dục tuyển, người muốn dạy ở trường này thì không được, trong khi người không muốn lại phải vào. Do đó, nên giao quyền chủ động tuyển dụng giáo viên cho các trường, dưới sự hướng dẫn của những quy định, quy trình chặt chẽ.
Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, phải có sự thống nhất trong sự điều chuyển giáo viên trong huyện, trong tỉnh. Vì cùng một địa phương, có nơi thiếu giáo viên lại tuyển sinh người mới, trong khi có nơi thừa giáo viên lại buộc phải tinh giản biên chế.
"Đua nhau đi học mà không biết xã hội đang cần gì"
Cùng cho ý kiến về tuyển sinh sư phạm, đại biểu Phạm Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) cho rằng, cần khắc phục tình trạng trong giáo dục đua nhau mở trường, đua nhau đi học mà không cần biết đến xã hội đang cần gì và học để làm gì.
“Vì sao trong những năm qua, học sinh đua nhau vào các trường quân đội, công an, mặc dù điểm đầu vào của những trường này rất cao? Trong khi điểm đầu vào trường Sư phạm lại ngày càng thấp đi?”, đại biểu Thắng đặt câu hỏi và lý giải, không phải vì chế độ ưu đãi cho sinh viên trong trường mà chính là sau khi ra trường, sinh viên trường quân đội, công an có việc làm ngay, có chế độ ưu đãi cho sĩ quan, quân đội, công an sao hơn nhiều so với mặt bằng chung.
Vị đại biểu cho rằng, cần giải bài toán sinh viên sư phạm sau khi ra trường đảm bảo các em có việc làm, có chế độ chính sách thực sự ưu đãi, đảm bảo cho họ sống, làm việc, tự hào với nghề cao quý, thì nhất định sẽ nâng cao chất lượng sinh viên sư phạm và đảm bảo chất lượng đội ngũ thầy cô giáo sau này.
Theo dự luật, học sinh, sinh viên sư phạm được vay một khoản tín dụng, với điều kiện sau khi trường công tác trong ngành Giáo dục đủ thời gian quy định sẽ không phải trả khoản vay này. Ông Phạm Đức Thắng cho biết, quy định như vậy sẽ tạo ra sự bất bình đẳng trong thụ hưởng chính sách. Vì cùng vay một khoản tín dụng như nhau, nhưng sinh viên ra trường được tuyển dụng vào ngành, vừa có việc làm, lại được miễn khoản tiền vay.
Trong khi đó, những sinh viên khác khi ra trường, vừa không có việc làm, vừa phải gánh khoản tiền vay tín dụng sư phạm. Bản thân sinh viên không vào được ngành vì do đào tạo quá nhiều, chỉ tiêu xin vào ngành ít và lỗi này không phải từ sinh viên.
“Quy định này sẽ làm cho chính sách bị méo mó, không minh định đây là chính sách hỗ trợ hay quan hệ tín dụng, là hỗ trợ không hoàn lại hay tín dụng có vay, có trả...”, ông Thắng nói và cho biết, cần nghiên cứu, xem xét toàn diện điều khoản luật này theo hướng tiếp tục miễn học phí hoặc hỗ trợ khoản sinh hoạt phí, hoặc thiết chế theo hướng chính sách phải được công bằng trong thụ hưởng cho mọi sinh viên sư phạm.
Theo ông Thắng, nhất thiết không được phân biệt sinh viên ra trường có việc làm được miễn trả và sinh viên ra trường không có việc làm thì phải trả các khoản nợ vay. Nếu có thì chỉ trừ trường hợp sinh viên sư phạm từ chối không nhận vào làm việc trong ngành thì phải có quy định bắt buộc phải hoàn trả lại khoản hỗ trợ này.
Theo VOV