Qua 3 năm triển khai phong trào xây dựng các mô hình học tập ở cơ sở đã xuất hiện nhiều mô hình tốt, cách làm hay ở các khu dân cư. Phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài trong gia đình, dòng họ, cơ quan, đơn vị đã tạo động lực, khuyến khích mỗi người dân học tập thường xuyên, suốt đời, tạo tiền đề xây dựng xã hội học tập, góp phần tích cực vào việc xây dựng nông thôn mới.
Những cộng đồng học tập tiêu biểu
Từ 35 hội viên lúc mới thành lập, đến nay, Chi hội Khuyến học thôn Phú Nông (xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa) có trên 250 người. Theo ông Cao Văn Khoa, Chi hội trưởng Chi hội Khuyến học thôn Phú Nông, 3 năm qua, chi hội trích từ Quỹ Khuyến học hơn 57 triệu đồng để biểu dương, khen thưởng cho hơn 360 học sinh vượt khó học giỏi, đạt thành tích cao trong học tập. Hàng năm, trên 70% gia đình trong thôn đăng ký phấn đấu xây dựng “Gia đình học tập”. Hiện thôn Phú Nông có 605/800 hộ được công nhận gia đình học tập cấp xã, chiếm tỉ lệ 75,6%.
“Hàng năm, cấp ủy chi bộ và Ban Nhân dân thôn đều đưa chỉ tiêu phấn đấu xây dựng “Gia đình học tập” và “Cộng đồng học tập” vào nghị quyết, kế hoạch; đồng thời tổ chức phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Bên cạnh đó, Chi hội Khuyến học của thôn cũng có nhiều hình thức giúp đỡ, khuyến khích, động viên trẻ em và người lớn học tập thường xuyên. Việc triển khai xây dựng các mô hình học tập ở cơ sở hiệu quả đã góp phần thực hiện tốt phong trào xây dựng nông thôn mới và các phong trào khác của xã, góp phần vào thành tích đưa xã Hòa Bình 1 đạt xã nông thôn mới”, ông Khoa chia sẻ.
Thôn Phước Bình Bắc, xã Hòa Thành (huyện Đông Hòa) cũng là một điển hình trong phong trào xây dựng các mô hình học tập cơ sở. Ông Hồ Mới, Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn, phụ trách công tác khuyến học, chia sẻ: “Khi triển khai tiêu chí đánh giá các mô hình học tập, chúng tôi làm rất chặt chẽ và sát với quy định. Trong đó, chúng tôi đặc biệt coi trọng chỉ tiêu xây dựng gia đình học tập, xem đây là nền tảng, nên trong các cuộc họp thôn, đều phổ biến rộng rãi đến bà con và vận động mọi người đăng ký phấn đấu. Hàng năm, thôn có trên 90% gia đình đạt danh hiệu “Gia đình học tập”, 9 năm liền thôn được công nhận thôn văn hóa”.
Lan tỏa phong trào xã hội học tập
Theo ông Nguyễn Ngọc Chấn, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Đông Hòa, 3 năm qua, phong trào xây dựng các mô hình học tập đã tác động tích cực đến 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại địa phương, góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Nhiều thôn, xã tại huyện Đông Hòa đã lấy công tác khuyến học làm tiêu chí để đánh giá các cơ sở đảng.
Ban chỉ đạo Xây dựng xã hội học tập cấp huyện cũng đã thành lập đoàn kiểm tra việc đánh giá, xét công nhận các danh hiệu học tập ở một số cơ sở để rút kinh nghiệm. Để nhân rộng các mô hình học tập, ông Chấn đề xuất việc đăng ký xây dựng các mô hình học tập hàng năm chỉ nên đăng ký bằng danh sách, có chữ ký của đại diện từng gia đình, không cần phải làm từng đơn đăng ký nhằm giảm bớt thủ tục hồ sơ và tốn kém kinh phí.
Trong khi đó, để việc đánh giá các mô hình học tập ở cơ sở thuận lợi hơn, ông Nguyễn Văn Thông, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Đồng Xuân cho rằng, việc xét công nhận “Gia đình học tập” có thể kết hợp xét chung với “Gia đình văn hóa” ở từng thôn/khu phố. Sau đó, hội đồng cấp xã/phường/thị trấn họp xét chung, rà soát lại toàn bộ để công nhận cho chính xác.
Theo đồng chí Đào Bảo Minh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, phong trào xây dựng các mô hình học tập ở cơ sở thời gian qua đã mang lại nhiều hiệu quả, góp phần khuyến khích mỗi người dân học tập thường xuyên và suốt đời.
Song, để triển khai Quyết định 281/QĐ-TTg, ngày 20/2/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020 một cách sâu rộng, thời gian tới, ngành Giáo dục cần phối hợp với Hội Khuyến học các cấp làm tốt hơn nữa công tác tham mưu cho chính quyền địa phương; đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân; phối hợp với các ban ngành, đoàn thể trong việc kiểm tra, đánh giá, xếp loại, công nhận danh hiệu các mô hình học tập ở cơ sở hàng năm; đồng thời tổ chức đánh giá sơ kết việc thực hiện các mô hình, xét chọn các mô hình tiêu biểu để khen thưởng, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng, góp phần tạo nên xã hội học tập.
HÀ MY - KHÁNH TRANG