Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã làm thay đổi bức tranh của thị trường lao động, đồng thời làm thay đổi mạnh mẽ nhu cầu về nguồn nhân lực, cơ cấu ngành nghề và các trình độ... Để đáp ứng sự thay đổi này, các trường đại học và hệ thống giáo dục nghề nghiệp buộc phải định hướng lại ngành nghề, phương pháp đào tạo để bám sát yêu cầu của thị trường lao động.
Thay đổi chiến lược đào tạo
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là kỹ năng của người lao động để thích ứng với bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng là rất cần thiết. Do đó, đào tạo nhân lực cho cách mạng công nghiệp 4.0 không thể dùng mãi “bài cũ” mà cần đổi mới căn bản và toàn diện.
Hiện các trường đại học và các cơ sở đào tạo thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp tự chủ xây dựng chương trình đào tạo trên cơ sở chuẩn đầu ra; tích hợp các nội dung đào tạo về kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp, đạo đức nghề nghiệp trong chương trình đào tạo; người học không phải thi tốt nghiệp cuối khóa khi tích lũy đủ mô - đun, tín chỉ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý dạy và học. Đồng thời, một số trường hợp tác với doanh nghiệp tham gia vào công đoạn xây dựng chương trình, tuyển sinh, đào tạo, thi kiểm tra và giải quyết việc làm cho người học.
ThS Nguyễn Vân Trạm, Trưởng Phòng Quản lý đào tạo Trường đại học Xây dựng Miền Trung cho biết: Thế mạnh của nhà trường là đào tạo nguồn nhân lực phục vụ lĩnh vực xây dựng. Với mong muốn thúc đẩy các hoạt động giáo dục, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0, nhà trường đã thay đổi chiến lược đào tạo, theo đó trường cải tiến xây dựng chuẩn đầu ra các ngành học, môn học bám sát nhu cầu xã hội nhằm cung cấp cho sinh viên những năng lực cốt lõi trong thời gian tới, giúp các em phát huy tối đa năng lực và trình độ sẵn sàng để hội nhập.
Để thích ứng linh hoạt với thị trường lao động trong và ngoài nước trong bối cảnh Việt Nam đang tăng cường năng lực đón nhận làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng có trọng trách rất lớn trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Chính vì thế, giáo dục nghề nghiệp không thể vẫn sử dụng phương pháp cũ, thiếu tương tác, thiếu thực tiễn của mô hình sản xuất mới để đào tạo nguồn nhân lực. Hiện các trường chuyển mạnh từ đào tạo chủ yếu theo “cung” sang đào tạo theo “cầu” của doanh nghiệp, thị trường lao động trong và ngoài nước.
Tại Phú Yên, một trong những trường thực hiện đổi mới mạnh mẽ về công tác này là Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung. Nhà trường đã “bắt tay” với 150 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để giúp sinh viên trải nghiệm thực tế, thực tập tại doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp tuyển được người lao động phù hợp với yêu cầu đặt ra, còn người học sau khi ra trường “biết làm việc và làm được việc” theo đúng ngành các em đã đăng ký học tập tại trường.
Bên cạnh đó, trên cơ sở khảo sát nhu cầu nhân lực của thị trường lao động và năng lực đào tạo của nhà trường nhằm cung cấp nhân sự chất lượng cao cho nhóm ngành trọng điểm mà cả nước đang tập trung phát triển trong giai đoạn hiện nay, trường đang tập trung đào tạo 2 ngành theo chuẩn quốc tế là Điện công nghiệp, Cắt gọt kim loại; 2 ngành theo chuẩn ASEAN là Công nghệ hàn, Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí; 3 ngành theo chuẩn quốc gia là Điện tử công nghiệp, Công nghệ thông tin, Hướng dẫn du lịch, qua đó giúp người học dễ dàng có sự lựa chọn phù hợp với định hướng nghề nghiệp của mình và thuận lợi trong tìm kiếm việc làm.
Trao cơ hội việc làm
Trong chiến lược đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, các cơ sở đào tạo luôn coi cộng đồng doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng để cùng đào tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu thực tế của công việc, bắt kịp với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, những năm gần đây, hầu hết các trường đã chủ động mời gọi doanh nghiệp tham gia vào một số quy trình giảng dạy nhằm giúp sinh viên được đào tạo, tập sự như những nhân viên thực sự trong bộ máy hoạt động của các công ty, doanh nghiệp, trong đó không chỉ rèn luyện về kiến thức, kỹ năng mà còn học hỏi cả kỷ luật, thái độ làm việc, năng lực làm việc nhóm, xử lý tình huống…
Ông Nguyễn Văn Hoàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Cơ khí Vina Nha Trang chia sẻ: Với việc kết nối đào tạo như trên, nhiều năm qua đã có hàng trăm sinh viên ra trường được doanh nghiệp giữ lại làm việc, thậm chí với chương trình đào tạo kép, các em được xem như là nhân viên tập sự chứ không phải đi thực tập đơn thuần và không ít trong số đó được doanh nghiệp trả lương.
Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đòi hỏi năng lực sáng tạo ngày càng tăng. Do đó yêu cầu về đào tạo cơ bản, chuyên sâu và liên ngành tại các cơ sở đào tạo tăng theo. Các trường cần có đội ngũ cán bộ giảng dạy và nghiên cứu có tính chuyên sâu, chuyên nghiệp, đồng thời cần có cơ sở hạ tầng và các điều kiện trang thiết bị hỗ trợ giảng dạy và thực hành, rèn nghề một cách đồng bộ và bài bản.
Học sinh lớp 12 trên địa bàn tỉnh tìm hiểu mô hình giảng dạy tại Trường đại học Xây dựng Miền Trung - Ảnh: MẠNH THÚY |
Với đòi hỏi này, việc liên kết với các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất để phối hợp trong quá trình đào tạo là điều bắt buộc phải làm. Việc liên kết này đem lại nhiều lợi ích, thứ nhất nâng cao tính thực tiễn và kỹ năng nghề nghiệp cho người học và thứ hai là giúp giảm thiểu chi phí đầu tư nâng cấp liên tục các thiết bị hỗ trợ đào tạo mà vốn rất khó thích ứng kịp với xu hướng và tốc độ đổi mới công nghệ như hiện nay.
“Chuyển mạnh từ đào tạo theo chương trình định sẵn sang đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động, của doanh nghiệp là các trường đã trao cơ hội việc làm cho người học”, TS Trần Kim Quyên, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung khẳng định.
Thúc đẩy năng lực tự học để có thu nhập tương xứng
Do yếu tố cạnh tranh và hội nhập, nên bên cạnh sự nỗ lực của nhà trường trong công tác đào tạo, học sinh, sinh viên cũng cần phải bổ sung các kỹ năng cần thiết khác như ngoại ngữ, khả năng làm việc nhóm và tương tác…
Thực tế tại nhiều trường đại học, cao đẳng cho thấy, kỹ năng và năng lực ngoại ngữ vẫn là điểm yếu của số đông sinh viên Việt Nam khi tốt nghiệp. Hàng năm, lượng sinh viên ra trường chật vật tìm kiếm việc làm vì kỹ năng mềm và năng lực ngoại ngữ không đảm bảo đang chiếm số lượng không nhỏ. Ngoại ngữ kém cũng là rào cản làm cho nhân sự Việt thiếu tự tin trên tiến trình hội nhập. Do vậy, ngay từ khi còn ngồi ở giảng đường, việc thúc đẩy năng lực tự học của sinh viên là vô cùng quan trọng. Năng lực tự học sẽ giúp học sinh, sinh viên sẽ tiến bộ nhanh hơn và học tập hiệu quả hơn nếu các em ý thức rõ hơn về điểm mạnh và điểm yếu của bản thân.
Sinh viên Lê Thị Cẩm Giang, Trường đại học Phú Yên cho hay: “Em đang tham gia một khóa đào tạo kỹ năng mềm tại Trung tâm Phát triển giáo dục quốc tế Sunshine để rèn luyện các kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, thuyết trình và kỹ năng giải quyết vấn đề… Ngoài ra, em cũng đang trang bị cho mình vốn tiếng Anh cần thiết để sau khi ra trường có thể cạnh tranh được với các ứng cử viên khác trong quá trình xin việc”. Từ thực tế tuyển dụng của các doanh nghiệp cho thấy, cùng trình độ chuyên môn, nhưng người sử dụng tốt tiếng Anh thuận lợi hơn nhiều trong việc tìm kiếm việc làm. Họ có thể lựa chọn nơi làm việc tốt hơn, phổ biến là ở doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và thường có mức thu nhập cao hơn những người không sử dụng được ngoại ngữ.
Hiện hầu hết các doanh nghiệp đều mong muốn hợp tác với các nhà trường tuyển dụng sinh viên thực tập. Nếu sinh viên thực tập có năng lực ngoại ngữ, thái độ, chuyên môn tốt thì sẽ dễ được giữ lại làm việc và hỗ trợ 40-60% lương. Do vậy, việc biết và sử dụng được ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh trong giao tiếp, làm việc ngày càng trở nên quan trọng và cấp thiết. Đáng tiếc là nhiều lao động trẻ hiện nay còn thiếu và yếu ngoại ngữ, ít chịu đầu tư cho việc rèn luyện kỹ năng mềm, chưa xem nó là công cụ cần thiết cho phát triển nghề nghiệp.
Bộ GD-ĐT đã trình Thủ tướng Chính phủ đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn 2030”, trong đó tập trung giải quyết một số vấn đề như: Xây dựng và triển khai hệ thống dự báo cung - cầu nguồn nhân lực trình độ đại học; tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục đại học; đổi mới quản lý đào tạo, chương trình, phương pháp đào tạo; xây dựng cơ chế chính sách tạo nguồn lực, động lực và môi trường cạnh tranh lành mạnh trong phát triển giáo dục đại học. Xây dựng, hoàn thiện các cơ chế chính sách về đào tạo, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao. |
THÚY HẰNG