Bộ GD-ĐT vừa chính thức công bố dự thảo chương trình của 20 môn học và hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Một trong những môn học có sự đổi mới về giảng dạy, học tập là môn tiếng Anh.
Theo đó, trong chương trình mới, Bộ GD-ĐT dự kiến cho học sinh làm quen với chương trình tiếng Anh lớp 1 và lớp 2 được xây dựng để chuẩn bị kiến thức và tâm thế cho học sinh tiểu học học tiếng Anh chính thức từ lớp 3 một cách hiệu quả.
Chương trình được xây dựng cho môn Ngoại ngữ tự chọn lớp 1 và lớp 2 cấp Tiểu học. Là một trong những môn học có tính công cụ ở trường phổ thông, môn tiếng Anh không chỉ giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh mà còn hình thành và phát triển các năng lực chung và năng lực thẩm mỹ, năng lực tư duy; để sống và làm việc hiệu quả, để học tập tốt các môn học khác cũng như để học suốt đời.
Việc tổ chức thực hiện môn học này với tư cách là môn tự chọn trong nhà trường cần phải xét đến những điều kiện thực hiện để đạt hiệu quả cao nhất và đảm bảo tính liên thông với chương trình môn tiếng Anh được dạy từ lớp 3 đến lớp 12.
GS.TS Nguyễn Lộc, Trưởng ban hoàn thiện chương trình tiếng Anh phổ thông cho biết, chương trình mới kế thừa rất nhiều từ chương trình của Đề án Ngoại ngữ 2020 như giữ nguyên số tiết học, chuẩn năng lực vẫn dựa vào 6 chuẩn năng lực Việt Nam.
Với câu hỏi môn tiếng Anh bao nhiêu tiết một tuần, theo ông Lộc là vẫn dựa theo Đề án 2020 như 4 tiết tuần ở Tiểu học (lớp 3-5), 3 tiết/ tuần ở cấp THCS và 3 tiết tuần cho cấp THPT (theo chương trình 35 tuần).
Nội dung văn hoá được dạy học lồng ghép, tích hợp
Nội dung dạy học môn tiếng Anh được thiết kế theo kết cấu đa thành phần, bao gồm: hệ thống các chủ đề (khái quát), các chủ điểm (cụ thể) mang tính gợi ý. Các năng lực giao tiếp phù hợp với chuẩn năng lực cần đạt; danh mục kiến thức ngôn ngữ (ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp) gợi ý phù hợp với việc phát triển năng lực giao tiếp ở cấp độ đã được qui định trong chuẩn đầu ra. Nội dung văn hoá được dạy học lồng ghép, tích hợp trong hệ thống các chủ đề, chủ điểm.
Các yêu cầu cần đạt của mỗi lớp tập trung vào năng lực giao tiếp ở bốn kỹ năng: nghe, nói, đọc và viết. Năng lực giao tiếp của môn tiếng Anh là khả năng sử dụng kiến thức ngôn ngữ (ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp) để tham gia vào các hoạt động giao tiếp (nghe, nói, đọc, viết) trong những tình huống hay ngữ cảnh có nghĩa với các đối tượng giao tiếp khác nhau nhằm đáp ứng các nhu cầu giao tiếp của bản thân hay yêu cầu giao tiếp của xã hội.
Chương trình môn tiếng Anh mới còn giúp học sinh có hiểu biết khái quát về đất nước, con người và nền văn hoá của một số nước nói tiếng Anh; có thái độ và tình cảm tốt đẹp đối với đất nước, con người, nền văn hoá và ngôn ngữ của các nước nói tiếng Anh.
Ngoài ra, Chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Anh cũng góp phần hình thành và phát triển cho học sinh những phẩm chất và năng lực cần thiết đối với người lao động: ý thức và trách nhiệm lao động, định hướng và lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực, sở thích, khả năng thích ứng trong bối cảnh cách mạng công nghiệp mới.
Theo VOV