Chế độ dinh dưỡng có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển toàn diện cả về thể chất, trí tuệ đối với trẻ ở độ tuổi mầm non. Vì vậy, việc tổ chức bữa ăn cho trẻ ở lứa tuổi này là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong quá trình chăm sóc trẻ. Để bữa ăn ở trường không trở thành nỗi lo của phụ huynh, cần sự tâm huyết và nỗ lực từ nhiều phía.
Khi xem lại vụ việc các phóng viên đột nhập vào cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh (TP Hồ Chí Minh) để điều tra về hoạt động nuôi dạy trẻ tại đây, điều làm các phụ huynh cảm thấy xót xa và thảng thốt không chỉ ở việc các cháu bị bạo hành mà còn ở những bữa ăn của các cháu tại đây. Bởi, trong khi bên ngoài, trường “quảng cáo” thực đơn đa dạng, dinh dưỡng cân bằng và được thay đổi liên tục nhằm đảm bảo sự phát triển của trẻ thì bên trong cánh cổng nhà trường, bữa ăn của các cháu hàng ngày chỉ gồm cơm trắng cùng với một chút trứng quấy lên. Bữa nào “thịnh soạn” hơn thì vẫn là trứng quấy nhưng có thêm được một chút thịt băm. Và những người làm cha, làm mẹ có con ở độ tuổi mầm non càng dấy lên nỗi lo khi hoàn toàn không biết được con ăn gì, uống gì khi học bán trú.
Ám ảnh về những hình ảnh từ cơ cở giáo dục mầm non tư thục Mầm Xanh, chị Phan Thị Diệu (phường 4, TP Tuy Hòa), cho con theo học ở một trường mầm non tư thục trên địa bàn TP Tuy Hòa chia sẻ: “Con tôi chỉ ăn bữa trưa và bữa xế ở trường nhưng tôi cũng rất lo lắng. Ngày nào tôi cũng nấu ăn ở nhà và mang đến trường cho con kèm theo chuối, nước cam, sữa chua để cô giáo cho con ăn sáng. Bữa chiều, tôi nấu các món ngon để con lỡ có thiếu hụt dinh dưỡng ở trường thì về nhà sẽ được bù đắp. Bởi nhiều lần đến trường, tôi thấy con chỉ ăn cơm với canh thịt heo bằm, trứng chiên. Thực đơn ít được thay đổi và nghèo nàn về dinh dưỡng”.
“Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”, trẻ em là nguồn hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước. Vì vậy, chỉ khi được chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục tốt, trẻ mới có thể phát triển thể chất và trí tuệ một cách đúng hướng. Bữa ăn tốt, đóng góp một phần quan trọng vào quá trình này.
Mặc dù là một huyện miền núi còn nhiều khó khăn nhưng năm học 2016-2017, ngành Giáo dục huyện Đồng Xuân đã rất quan tâm và có nhiều nỗ lực trong việc tổ chức ăn bán trú cho trẻ ở trường mầm non. Cụ thể, ngành Giáo dục huyện đã không ngừng đẩy mạnh tuyên truyền về tổ chức bữa ăn bán trú cho trẻ; phát huy tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ giáo viên, nhân viên trong trường mầm non; huy động sự tham gia của phụ huynh học sinh vào việc tổ chức bữa ăn bán trú cho trẻ; xây dựng thực đơn phù hợp theo mùa và công khai chế độ ăn của trẻ để phụ huynh nắm bắt. Kết quả của sự tâm huyết và nỗ lực đó, tổng kết năm học 2016-2017, toàn huyện có 6 trường bán trú (chiếm 50% số trường) với tỉ lệ trẻ khỏe mạnh, phát triển bình thường chiếm 95,1%; trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân chiếm 4,9% (giảm 3,3% so với đầu năm học).
Nói về việc tổ chức bữa ăn học đường cho trẻ mầm non hiện nay, bà Trần Ngọc Phương Thảo, Phó Trưởng phòng phụ trách Giáo dục mầm non (Sở GD-ĐT) cho biết, hiện tại trên địa bàn tỉnh, khu vực trường mầm non công lập, việc tổ chức bữa ăn cho trẻ khá bài bản, tuy nhiên, ở các vùng sâu, vùng xa, mức sống khó khăn, mức đóng tiền ăn ít nên vẫn còn tình trạng trẻ thiếu hụt dinh dưỡng.
Còn tại các trường mầm non tư thục, có nhiều trường do áp lực phải tăng cân để thu hút học sinh nên có thể cho trẻ ăn quá nhu cầu trẻ cần dẫn đến trẻ tăng cân, béo phì và điều này hoàn toàn không tốt. Đáng báo động hơn cả là tại các lớp mầm non tư thục, nhóm trẻ gia đình, trẻ ở đây ăn uống thế nào tùy thuộc vào đạo đức và lương tâm của các cơ sở nuôi dạy trẻ, vì các ban ngành có liên quan khó kiểm soát được.
Để nâng cao chất lượng bữa ăn của trẻ trước tiên vẫn là cần tuyên truyền để tất cả các cơ sở giáo dục có trách nhiệm trong bữa ăn của trẻ. Việc lên thực đơn cho trẻ phải phù hợp với từng địa phương, vùng miền để trẻ được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng với mức đóng góp hợp lý; cần có sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và chính quyền địa phương trong việc kiểm tra, giám sát chất lượng thực phẩm, bữa ăn của trẻ; nâng cao đạo đức, trách nhiệm của người chế biến… Về lâu dài cần xây dựng được chuỗi thực phẩm an toàn, đủ tin cậy để các trường tin tưởng sử dụng và phụ huynh yên tâm khi cho con ở bán trú.
Phó Trưởng phòng phụ trách Giáo dục mầm non (Sở GD-ĐT) Trần Ngọc Phương Thảo |
THÁI HÀ