Thứ Tư, 27/11/2024 05:36 SA
Điều chỉnh nguyện vọng: Thí sinh phải thận trọng
Thứ Sáu, 14/07/2017 18:19 CH

Thí sinh đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Sài Gòn (năm 2016)

Nhiều trường đại học (ĐH) đã và đang công bố mức điểm đủ điều kiện xét tuyển trong kỳ tuyển sinh ĐH năm 2017. Dù kết quả điểm thi cao nhưng mức điểm xét tuyển của nhiều trường rất khác nhau. 

                 

Do đó, trong đợt điều chỉnh nguyện vọng từ ngày 15 đến 23-7, nếu thí sinh không “biết người biết ta”, không tìm hiểu kỹ điều kiện xét tuyển riêng của các trường khi điều chỉnh nguyện vọng, thì có thể sẽ đánh mất cơ hội trúng tuyển vào ngành, trường mà mình yêu thích.  

 

Mỗi trường mỗi mức điểm

 

Trong số những trường đã công bố mức điểm xét tuyển, có thể thấy các mức điểm rất khác nhau. Ngay cả những ngành, những trường tốp đầu (có sức hút nhiều thí sinh giỏi, điểm cao) cũng đưa ra nhiều mức điểm lệch nhau một trời một vực.  

 

Có thể thấy, những trường thuộc nhóm y dược có mức điểm xét tuyển cao nhất (khối B: Toán - Hóa - Sinh). Trường ĐH Y Hà Nội dù không cung cấp nhiều thông tin nhưng cũng cảnh báo mức điểm trúng tuyển năm 2017 sẽ cao hơn năm 2016 (ngành Y đa khoa là 27 điểm). Tuy nhiên, trường vẫn không đưa ra mức điểm xét tuyển từng ngành, mà lấy chung mức 15,5 điểm cho tất cả các ngành. Do đó, thí sinh muốn có cơ hội trúng tuyển vào những ngành có điểm chuẩn thấp nhất như Y tế công cộng, Điều dưỡng thì tối thiểu phải từ 20 điểm trở lên. 

 

Dù chưa công bố cụ thể điểm xét tuyển, nhưng điểm chuẩn của Trường ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh cũng sẽ tăng so với năm 2016. Thí sinh có thể tham khảo mức điểm chuẩn năm 2016 để điều chỉnh NV vào trường này: Y đa khoa là 26,75 điểm; Răng - hàm - mặt 26 điểm; Dược học 25,25 điểm; hai ngành Xét nghiệm học và Y học cổ truyền cùng 24 điểm; ngành Kỹ thuật hình ảnh y học 23,5 điểm; Y học dự phòng và Kỹ thuật phục hình răng cùng 23 điểm; Gây mê hồi sức 22,75 điểm; Phục hồi chức năng 22 điểm; Điều dưỡng 21,5 điểm; Y tế công cộng 20,5 điểm. 

 

Trong khi đó, những trường y khác như ĐH Y Dược Cần Thơ, ĐH Y Hải Phòng, ĐH Y Tây Nguyên, ĐH Y Thái Bình…, thí sinh muốn xét tuyển vào ngành Y đa khoa ít nhất phải có mức điểm từ 24 trở lên thì mới có khả năng trúng tuyển. 

 

Nhóm trường thuộc khối kinh tế, ngân hàng như ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh cũng đưa ra nhận định: thí sinh ít nhất phải có điểm bằng điểm chuẩn năm 2016 thì mới có khả năng xét tuyển vào trường. Điển hình như Trường ĐH Ngoại thương đưa ra mức điểm xét tuyển từ 20,5 - 22,5 điểm cho các tổ hợp xét tuyển. 

 

Chỉ một lần điều chỉnh nguyện vọng

 

Theo PGS-TS Trần Anh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), năm nay các trường không được phép hạ điểm chuẩn như năm 2016 và thí sinh chỉ được điều chỉnh nguyện vọng một lần duy nhất, do vậy, thí sinh cần phải cân nhắc, tìm hiểu thông tin xét tuyển của các trường thật kỹ khi tiến hành điều chỉnh nguyện vọng. 

 

Trong khi đó, nhiều chuyên gia tuyển sinh lưu ý, thí sinh khi điều chỉnh nguyện vọng phải hết sức chú ý đến “cái bẫy” của nhiều trường công lập khi công bố điểm xét tuyển là 15,5 - ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn năm 2017). Năm 2016, hàng loạt trường thông báo điểm xét tuyển là 15 điểm (bằng điểm sàn), nhưng thực tế nhiều trường có điểm chuẩn lớn hơn rất nhiều.

 

Do đó, kinh nghiệm cho thí sinh là phải tham khảo mức điểm chuẩn năm 2016, cùng với việc tìm hiểu thông tin xét tuyển trực tiếp từ các trường để được tư vấn khi điều chỉnh nguyện vọng. Nếu thí sinh có mức điểm cao hơn điểm chuẩn năm 2016 từ 1 - 2 điểm trở lên thì mới có thể yên tâm chờ kết quả. Nếu điểm thi bằng với điểm chuẩn năm 2016 thì nên tìm cơ hội ở những trường tốp dưới hoặc các trường ĐH địa phương hay trường ĐH ngoài công lập. 

 

Một điểm mà thí sinh cũng phải chú ý, đó là những điều kiện phụ của các trường đưa ra khi xét tuyển. Ví dụ như đăng ký xét tuyển vào ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh thì điểm trung bình 3 năm lớp 10, 11 và 12 phải đạt tối thiểu 6,5 điểm. Đăng ký vào các trường như ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh thì phải có điều kiện phụ ở môn Hóa và môn Sinh.

 

Riêng đối với Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh, thí sinh dù điểm cao cũng không được đăng ký xét tuyển vào, vì trước đó trường yêu cầu thí sinh muốn vào trường phải đăng ký vòng sơ tuyển. Chỉ những thí sinh vượt qua vòng sơ tuyển của trường thì mới được tiếp tục xét tuyển vòng 2 bằng bài kiểm tra năng lực. 

 

Ngoài ra, nhiều trường cao đẳng sư phạm ở địa phương không xét tuyển thí sinh ngoài tỉnh, nên nếu thí sinh điều chỉnh nguyện vọng và đăng ký vào những trường này thì chắc chắn sẽ không trúng tuyển và mất một cơ hội. Trong khi đó, phần mềm xét tuyển của Bộ GD-ĐT lại không có chức năng cảnh báo những điều kiện phụ để giúp thí sinh nhận biết.  

 

Như vậy, có thể nói đợt điều chỉnh nguyện vọng sắp tới là “bút sa gà chết”’, là cơ hội duy nhất để thí sinh quyết định cơ hội và khả năng trúng tuyển vào các trường ở nguyện vọng 1. Điều quyết định là ở thí sinh, nên nhất thiết thí sinh phải rất thận trọng, cân nhắc kỹ trước khi thực hiện quyền điều chỉnh nguyện vọng của mình.

 

Theo quy chế tuyển sinh ĐH - cao đẳng sư phạm năm 2017, trong thời gian từ ngày 15 đến 21-7, thí sinh điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển bằng hình thức trực tuyến nhưng không được tăng thêm số nguyện vọng; từ ngày 15 đến ngày 23/7, thí sinh điều chỉnh nguyện vọng bằng phương thức trực tiếp (bằng phiếu đăng ký) và được tăng số lượng nguyện vọng.

 

Theo SGGPO

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek