Mấy ngày vừa qua, thông tin Trường THCS Trần Quốc Toản (TP Tuy Hòa) có quy định không cho học sinh có học lực khá, trung bình dự lễ bế giảng năm học, chỉ những học sinh giỏi được nhận phần thưởng của nhà trường mới được dự lễ. Điều này đã gây cho phụ huynh và dư luận nhiều bức xúc.
Theo lý giải của lãnh đạo nhà trường, sở dĩ trường có quy định đó là vì khuôn viên trường khá hẹp, không thể cùng lúc chứa hơn 1.600 học sinh, cùng nhiều đại biểu và phụ huynh học sinh. Thêm vào đó, vì những học sinh có học lực trung bình, khá không được nhận thưởng nên nhà trường sợ các em sẽ buồn tủi khi chứng kiến các bạn có học lực giỏi lên nhận thưởng.
Dẫu biết nhà trường có cái khó của mình mới có quy định “dở khóc dở cười này”, nhưng rõ ràng hệ quả của nó đã tạo ra một tâm lý bức xúc, ức chế cho cả phụ huynh và học sinh. Xét về cả lý lẫn tình, quy định này không thuyết phục. Bởi lẽ, lễ bế giảng là dịp để thầy trò báo cáo những thành tích đạt được trong năm học vừa qua, những mặt được thì biểu dương, khen thưởng, mặt chưa được thì nhắc nhở, phê bình rút kinh nghiệm. Lễ bế giảng là ngày hội để các em học sinh tề tựu, cùng nhìn lại những cố gắng của mình trong suốt một năm học qua; ôn lại những kỷ niệm của tuổi học trò và nhất là để các học sinh lớp cuối cấp nói lời chia tay với bạn bè, thầy cô giáo trước khi bước vào một ngưỡng cửa mới. Cho nên, không thể vì lý do khuôn viên trường hẹp hay vì sợ các em buồn do không được nhận thưởng mà có chủ trương không cho các em học sinh trung bình, khá tham gia trong ngày bế giảng.
Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Ngọc Ái, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên cho rằng trường làm như thế là sai quy định, bởi lẽ mọi học sinh đều bình đẳng và có quyền tham gia các hoạt động do trường tổ chức. Lễ bế giảng ngoài mục đích biểu dương, khen thưởng các học sinh có thành tích trong năm học, còn là dịp để các thầy cô giáo gặp gỡ, dặn dò các em trước kỳ nghỉ hè.
Thật ra, có nhiều giải pháp để khắc phục khó khăn về sự chật chội như lý giải của nhà trường trong tình huống trên. Nếu như khuôn viên trường hẹp, nhà trường có thể tổ chức tổng kết theo từng khối hoặc liên khối lớp. Quy mô có thể nhỏ hơn, mất thời gian hơn, nhưng bù lại, tất cả học sinh đều được tham dự buổi lễ, phụ huynh có cơ hội được đồng hành cùng các con trong ngày lễ trọng đại này. Qua đó, nhà trường và gia đình có điều kiện gần gũi, gắn kết nhau hơn. Cách làm này hiện nay đang được một số trường áp dụng và mang lại hiệu ứng tích cực từ phía phụ huynh học sinh.
Còn nếu như nhà trường lo ngại các học sinh trung bình, khá sẽ tự ti và buồn tủi khi không được nhận thưởng trong khi các bạn khác được nhận thưởng, thì cũng không xác đáng, không đúng với tinh thần thi đua học tập tốt. Bởi lẽ nhận thưởng hay không là do kết quả phấn đấu suốt một năm học qua của các em. Các trường không nên tạo cơ hội cho các em trốn tránh, mà nên mạnh dạn đối diện với thực tế, từ đó, giáo dục các em ý thức vươn lên, phấn đấu đạt kết quả cao hơn cho những năm sau.
Mục đích của giáo dục suy cho cùng là dạy các em trở thành những công dân có ích cho xã hội. Đi học là cách giúp các em ý thức được quyền và nghĩa vụ của mình, nên các trường cần tạo điều kiện, đảm bảo quyền được tham gia các hoạt động chính đáng của các em.
KHÁNH HÀ