Triển khai đề án Xây dựng xã hội học tập (XHHT) giai đoạn 2012-2020, thời gian qua, công tác xây dựng XHHT của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, tạo điều kiện cho người dân ở mọi lứa tuổi được học tập thường xuyên và học tập suốt đời. Tuy nhiên, để hoạt động này thật sự hiệu quả, cần có nhiều giải pháp đồng bộ hơn, trong đó tích cực đẩy mạnh sự tham gia, phối hợp của các sở, ngành, đoàn thể.
Những kết quả tích cực
Theo thống kê của Ban chỉ đạo xây dựng XHHT tỉnh, từ năm 2015 đến nay, UBND tỉnh đã quan tâm, đầu tư hơn 600 triệu đồng để các địa phương thực hiện các chương trình, mục tiêu của đề án Xây dựng XHHT như: tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân; cung cấp tài liệu học tập cho các cơ sở giáo dục thường xuyên; đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, giáo viên trong các trung tâm giáo dục thường xuyên… Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò và lợi ích của việc xây dựng XHHT được chú trọng và triển khai dưới nhiều hình thức như xây dựng các chuyên mục tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, cổng thông tin điện tử của tỉnh, các trang thông tin điện tử của ngành Giáo dục; tổ chức “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời” với nhiều hoạt động phong phú. Qua đó góp phần thay đổi nhận thức, tạo được niềm tin trong nhân dân về lợi ích của việc học tập suốt đời và góp phần xây dựng XHHT ngày một tốt hơn.
Ông Trương Văn Tho, Thư ký Hội Khuyến học tỉnh, cho hay: Thời gian qua, các phong trào thi đua xây dựng “cơ quan văn hóa”, “gia đình văn hóa”, “gia đình học tập”, “dòng họ học tập”, “cộng đồng học tập” được đẩy mạnh, gắn kết chặt chẽ với phong trào xây dựng XHHT và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới”. Đến nay, cả tỉnh có 26.440 gia đình học tập, 148 dòng họ học tập, 195 cộng đồng học tập, 210 đơn vị học tập được công nhận. Qua một năm chỉ đạo điểm việc đánh giá, xếp loại “Cộng đồng học tập cấp xã” theo Thông tư 44 của Bộ GD-ĐT, có 17 xã đã tiến hành xếp loại. Nhận thức được sự cần thiết của việc học tập suốt đời, khoảng 93% cán bộ, công chức, viên chức đã tham gia các chương trình học tập nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm.
Một trong những hoạt động nòng cốt trong xây dựng xã hội học tập là phát triển các trung tâm học tập cộng đồng. Toàn tỉnh hiện có 112 trung tâm học tập cộng đồng, phân bố rộng khắp trên địa bàn và hoạt động ngày càng khởi sắc. Chỉ riêng trong năm 2016, các trung tâm học tập cộng đồng đã mở 346 lớp, thu hút gần 21.000 lượt người tham gia học tập. Nhiều khóa học, lớp tập huấn chuyên đề về văn hóa, khoa học kỹ thuật, nông nghiệp đã góp phần giúp nông dân phát triển cây trồng, vật nuôi, tăng năng suất lao động và nâng cao chất lượng cuộc sống...
Mạng lưới các cơ sở giáo dục thường xuyên, dạy nghề được củng cố, phát triển khắp các địa bàn với nhiều loại hình giáo dục đa dạng cũng đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu học tập của các tầng lớp nhân dân. Đó là những yếu tố quan trọng giúp tỉnh đạt mục tiêu xóa mù chữ và phổ cập giáo dục trung học, trong đó tỉ lệ người từ 15-60 tuổi biết chữ đạt 98,7%; tỉ lệ thanh niên trong độ tuổi có trình độ học vấn tốt nghiệp THPT và tương đương đạt 70,1%; 100% xã, phường củng cố vững chắc kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và THCS...
Tăng cường phối hợp, nâng cao trách nhiệm
Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên Phạm Văn Cường, một trong những khó khăn trong việc thực hiện đề án Xây dựng XHHT giai đoạn 2012-2020 hiện nay là cơ chế tài chính chi cho các hoạt động còn chậm, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện đề án. Theo Kế hoạch 97 của UBND tỉnh, kinh phí thực hiện đề án “Xây dựng XHHT giai đoạn 2012-2020” từ năm 2016-2020 là 2,5 tỉ đồng. Tuy nhiên, từ năm 2016-2017, tỉnh mới chỉ cấp cho Sở GD-ĐT 407 triệu đồng để thực hiện các hoạt động của đề án. Sở KH-ĐT, Sở Tài chính Phú Yên cần tích cực tham mưu, bố trí kinh phí kịp thời trong thời gian tới đảm bảo đúng lộ trình.
Các cấp chính quyền địa phương, cần quan tâm đầu tư, nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất để tổ chức các hoạt động học tập trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu của người dân. “Đề án Xây dựng XHHT giai đoạn 2012-2020 là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm giúp người dân được học tập, nâng cao kiến thức, kỹ năng và xây dựng được một XHHT với nhiều hoạt động thiết thực. Vì vậy, các địa phương, đơn vị cần đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân. Bên cạnh xây dựng chương trình, kế hoạch và quan tâm trong việc chỉ đạo thực hiện một cách hiệu quả, các địa phương, đơn vị cần tổ chức sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, kịp thời tuyên dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích”, TS Phạm Văn Cường nói.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, TrưởngBan Chỉ đạo xây dựng XHHT tỉnh Phan Đình Phùng, để đề án Xây dựng XHHT giai đoạn 2016-2020 sớm đạt được các mục tiêu đề ra, ban chỉ đạo đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho 14 đồng chí là lãnh đạo các sở, ban, ngành, hội có liên quan. Sở GD-ĐT chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong việc triển khai kế hoạch thực hiện đề án và kịp thời tham mưu UBND tỉnh giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Bên cạnh đó, các sở, ngành, địa phương cần cân đối lồng ghép các nguồn lực trong việc triển khai các chương trình kinh tế - xã hội của tỉnh vào việc thực hiện đề án xây dựng XHHT; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hóa giáo dục; phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa, giáo dục hiện có để đẩy mạnh các mục tiêu, nhiệm vụ trong việc xây dựng XHHT…
Mục tiêu của đề án Xây dựng XHHT giai đoạn 2016-2020 là phấn đấu 100% số người từ 15-60 tuổi biết chữ; trên 98% số người mới biết chữ tiếp tục học tập và không mù chữ trở lại; 100% cán bộ, công chức, viên chức tham gia các chương trình học tập nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm; 50% cán bộ, công chức, viên chức có trình độ ngoại ngữ bậc 2 và 30% có trình độ bậc 3. Ngoài ra, 80% lao động nông thôn tham gia học tập cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao khoa học kỹ thuật công nghệ sản xuất tại các trung tâm học tập cộng đồng; 90% công nhân lao động tại các khu công nghiệp có trình độ học vấn THPT hoặc tương đương… |
KHÁNH HÀ