Thứ Năm, 24/10/2024 01:31 SA
Nâng cao chất lượng các hình thức học tập suốt đời
Thứ Tư, 19/04/2017 14:00 CH

Phó Ban thường trực Ban chỉ đạo xây dựng xã hội học tập tỉnh Phạm Văn Cường tặng giấy khen cho các TTHTCĐ hoạt động hiệu quả thời gian qua - Ảnh: KHÁNH HÀ

Ban Chỉ đạo xây dựng xã hội học tập tỉnh vừa tổ chức hội nghị sơ kết 4 năm (giai đoạn 2013-2016) thực hiện đề án Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020 của tỉnh. Báo Phú Yên phỏng vấn TS Phạm Văn Cường, Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên, Phó Ban thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng xã hội học tập tỉnh, về kết quả bước đầu thực hiện các mục tiêu của đề án và phương hướng sắp tới.

 

* Ông có thể cho biết những kết quả thực hiện các mục tiêu của đề án trong giai đoạn 2013-2016?

 

- Trong 4 năm qua, ban chỉ đạo đề án đã triển khai đến các cơ quan hữu quan thực hiện phần việc nhằm nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên, nhân dân về tầm quan trọng của việc xây dựng xã hội học tập. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nhiều phương tiện. Bên cạnh xây dựng các chuyên mục tuyên truyền về xây dựng xã hội học tập trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang tin điện tử của các sở, ban, ngành, hàng năm, các cơ quan, đơn vị, trường học đều tổ chức lễ phát động “Tuần lễ học tập suốt đời” với nhiều hoạt động và hình thức đa dạng, góp phần thay đổi nhận thức, tạo được niềm tin trong nhân dân về lợi ích của việc học tập suốt đời và góp phần xây dựng xã hội học tập ngày một tốt hơn.

 

Để đẩy mạnh xây dựng các mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập và cộng đồng học tập, năm 2015, Hội Khuyến học Phú Yên đã tổ chức tổng kết các mô hình thí điểm sau 2 năm triển khai tại 11 xã, phường, thị trấn. Năm 2016, Hội đã đăng cai tổ chức tập huấn Thông tư 44 của Bộ GD-ĐT quy định về đánh giá, xếp loại “Cộng đồng học tập” cấp xã với sự tham dự của hơn 300 cán bộ khuyến học trong cả nước. Sau 1 năm triển khai điểm việc đánh giá theo thông tư này, cả tỉnh có 17 xã xếp loại tốt, 3 xã xếp loại khá. Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho hơn 850 cán bộ quản lý, nhân viên của 112 trung tâm học tập cộng đồng.

 

Với phương châm “học để biết, học để làm, học để cùng chung sống, học để tự khẳng định bản thân mình”, 93% cán bộ, công chức, viên chức đã tham gia các chương trình học tập nâng cao trình độ. Quy mô GD-ĐT, dạy nghề ngày càng được củng cố, phát triển. Các biện pháp hỗ trợ người học cũng được triển khai nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả học tập suốt đời…

 

* Mặc dù 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh có trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ), song chất lượng hoạt động của các trung tâm chưa hiệu quả như mong đợi. Đâu là nguyên nhân thưa ông?

 

- Đến nay, toàn tỉnh có 112 xã, phường, thị trấn có TTHTCĐ với 560 cán bộ quản lý, 224 giáo viên được cử làm việc tại trung tâm. Bên cạnh nhiều TTHTCĐ hoạt động tốt, thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho người dân, đáp ứng nhu cầu “cần gì học nấy”, thì vẫn còn một số trung tâm chưa phát huy được hết chức năng. Nguyên nhân là do đội ngũ cán bộ quản lý các TTHTCĐ đều kiêm nhiệm nên có phần lúng túng trong quá trình triển khai các hoạt động, chưa phát huy tối đa chức năng, nhiệm vụ của TTHTCĐ.

 

Thêm vào đó, một bộ phận nhân dân chưa nhận thức đúng đắn về lợi ích của việc học tập suốt đời nên chưa thật sự quan tâm đến việc học tập của bản thân, gia đình và cộng đồng. Ngoài ra, ngân sách đầu tư để xây dựng các TTHTCĐ, các thiết chế văn hóa ở các thôn, buôn, xã miền núi đặc biệt khó khăn, các xã bãi ngang ven biển còn nhiều hạn chế. Nguồn lực tài chính của các TTHTCĐ chủ yếu dựa vào nguồn hỗ trợ từ ngân sách, trong khi các nguồn lực đóng góp từ cộng đồng rất ít. Vì vậy, các TTHTCĐ khó khăn trong việc xây dựng kế hoạch cũng như triển khai thực hiện kế hoạch đạt hiệu quả cao.

 

* Ban chỉ đạo đề án Xây dựng xã hội học tập tỉnh đề ra những phương hướng, giải pháp gì để hoàn thành các mục tiêu mà đề án đặt ra trong việc xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020, thưa ông?

 

- Ban Chỉ đạo xây dựng xã hội học tập tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp ngành tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa, lợi ích của việc xây dựng xã hội học tập bằng nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn; hàng năm tổ chức “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời” ở các địa phương; đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, nhà văn hóa, câu lạc bộ; củng cố mạng lưới các cơ sở giáo dục, trung tâm bồi dưỡng để đáp ứng nhu cầu học tập của người học. Đồng thời đẩy mạnh, khuyến khích các hình thức học từ xa, học qua mạng internet, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong việc cung ứng các chương trình học tập suốt đời cho đông đảo người dân. Bên cạnh đó, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả học tập suốt đời, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp hỗ trợ người học bằng cách hoàn thiện chính sách hỗ trợ các đối tượng ưu tiên, đổi mới phương pháp học tập, kiểm tra đánh giá phù hợp với người học lớn tuổi; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên và người lao động để giải quyết những vấn đề của thực tiễn; mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế bằng các hình thức mở rộng liên kết đào tạo với các cơ sở nước ngoài có uy tín…

 

Hoàn thành các chỉ tiêu đề án Xây dựng xã hội học tập là góp phần thực hiện thắng lợi các chương trình hành động của Tỉnh ủy, nghị quyết của HĐND tỉnh. Cho nên, các cấp ngành và người dân cần chung tay xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời.

 

* Xin cảm ơn ông!

 

KHÁNH HÀ (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek