Thứ Năm, 28/11/2024 10:36 SA
Phải hiểu và biết cách vận dụng khi học các môn xã hội
Chủ Nhật, 26/02/2017 08:14 SA

Thầy Hồ Thanh Long hướng dẫn học sinh học địa lý qua bản đồ - Ảnh: MẠNH THÚY

Lần đầu tiên, các môn khoa học xã hội được quy định thành môn thi tổ hợp theo hình thức trắc nghiệm trong Kỳ thi THPT quốc gia 2017. Vậy nên nhiều học sinh rất băn khoăn trong quá trình học.

 

Từ nội dung đề thi minh họa và thử nghiệm của Bộ GD-ĐT, cho thấy cách ra đề các môn thuộc bài thi tổ hợp Khoa học xã hội chú trọng tính mở, dùng kiến thức liên môn xử lý, phân tích số liệu chứ không yêu cầu ghi nhớ máy móc. Vậy nên theo các giáo viên có kinh nghiệm, ôn tập các bài thi này không nên chỉ chú trọng vào việc học thuộc lòng.

 

Đối với môn địa lý, thầy Hồ Thanh Long, Trường THPT Nguyễn Huệ, cho hay: Đề thi trắc nghiệm thường trải dài kiến thức toàn chương trình nên học sinh không thể học tủ. Vì thế, sau mỗi bài học, các em nên lưu ý các nội dung chính yếu của bài. Nếu có vấn đề nào chưa hiểu, các em phải mạnh dạn hỏi lại giáo viên để nắm chắc kiến thức ngay từ trên lớp. Theo thầy Long, lợi thế của môn Địa lý là học sinh được sử dụng Atlat. Vì vậy, các em cần phải nắm vững kỹ năng đọc, nắm rõ từng phần trong Atlat để không mất thời gian đi tìm. Tuy là môn xã hội nhưng Địa lý có các tính toán về số liệu, nên các em cần nhớ công thức.

 

Lần đầu tiên, Giáo dục công dân trở thành môn thi để xét tốt nghiệp. Nhiều học sinh không tránh khỏi tâm lý lo lắng do lâu nay chưa chú trọng môn học này. Tuy nhiên, theo thầy Đặng Minh Nhựt, giáo viên Trường THPT Nguyễn Huệ, học và thi môn này không khó. Thầy Nhựt nói: Đề thi năm nay có 40 câu hỏi trắc nghiệm khách quan, được phân hóa ở các cấp độ cơ bản, phục vụ mục đích xét công nhận tốt nghiệp (nhận biết, thông hiểu) và các câu hỏi phân hóa (vận dụng thấp, vận dụng cao). Vậy nên, trước tiên học sinh hệ thống lại toàn bộ kiến thức, tránh tình trạng học tủ, học lệch. Các em không nên quá máy móc cố học thuộc lòng từng khái niệm, mà quên mất rằng cần phải hiểu vấn đề và biết cách vận dụng. Ngoài ra, các em nên đọc nhiều thông tin trên sách, báo để hỗ trợ kiến thức pháp luật còn thiếu.

 

So với các môn khoa học tự nhiên, các môn xã hội mang một nét đặc trưng riêng, thường được coi là những môn học thuộc lòng. Cứ như vậy các kiến thức môn xã hội được không ít học sinh ôn thi theo kiểu suốt ngày ôm khư khư sách giáo khoa, học từ đầu đến cuối, không sót một câu, một từ. Cô Nguyễn Thị Cẩm Giao, giáo viên dạy môn Lịch sử Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (huyện Tây Hòa), khuyên rằng đối với các môn xã hội, các em nên tránh tư tưởng học “vẹt”, học tủ vì nó không giúp được gì nhiều trong quá trình làm bài trắc nghiệm. Chẳng hạn, để nắm chắc được kiến thức môn Lịch sử, học sinh nên chia nhỏ các mốc lịch sử và gắn cho nó những ghi chú quan trọng. Lịch sử nói lên sự hình thành và phát triển của một thời đại, dân tộc, đất nước nên luôn được đánh dấu thành những mốc son, chặng đường nổi bật. Vì vậy, trong quá trình học các em phải nắm kỹ các nội dung về dòng chảy lịch sử, về những vấn đề nổi bật phát sinh trong mỗi giai đoạn, từ đó rút ra được bài học ý nghĩa mà nó mang lại.

 

Bên cạnh những yếu tố như cần cù, chịu khó, thái độ và động cơ học tập nghiêm túc của học sinh, Sở GD-ĐT Phú Yên đề nghị các trường quan tâm hơn đối với những học sinh chọn bài thi tổ hợp Khoa học xã hội. Khi tổ chức ôn tập, các trường tập trung vào những yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục lớp 12, quan tâm giúp học sinh nâng cao mức độ thông hiểu và vận dụng kiến thức.

QUỲNH ANH

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek