Nhằm đổi mới giáo dục đại học ở Việt Nam, những năm gần đây, hầu hết trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) đã thực hiện chuyển đổi từ đào tạo theo hệ thống niên chế sang hệ thống tín chỉ theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT. Phương thức đào tạo này đang từng bước góp phần nâng cao tính tự học của sinh viên.
Chưa mang lại hiệu quả
Phương pháp học tín chỉ không còn xa lạ với hệ thống các trường ĐH, CĐ của nước ta. Đây được xem là một trong những phương pháp đào tạo hiệu quả khi lấy người học làm trung tâm. Tuy nhiên, nhìn vào việc dạy và học theo phương pháp này tại các cơ sở giáo dục cho thấy, hiệu quả đào tạo theo tín chỉ chưa cao, chưa thoát được cơ chế dạy niên chế truyền thống.
ThS Nguyễn Vân Trạm, Trưởng Phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Xây dựng Miền Trung, cho biết: “Cái lợi lớn nhất đối với sinh viên được đào tạo theo tín chỉ là xem người học là trung tâm của quá trình đào tạo. Sau 5 năm thực hiện đào tạo theo tín chỉ, hiện đã có một số sinh viên mạnh dạn đăng ký học vượt tín chỉ để có thể tốt nghiệp sớm. Về phương pháp học tập, một số sinh viên phát huy tối đa năng lực tự học, tự nghiên cứu và kỹ năng làm việc theo nhóm. Tuy nhiên, số lượng sinh viên biết cách tự học, tự nghiên cứu vẫn chưa nhiều nên quá trình đào tạo theo tín chỉ vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra”.
Năm học 2009-2010, Trường ĐH Phú Yên chuyển từ đào tạo theo niên chế sang tín chỉ. Tuy nhiên đến nay, rào cản lớn nhất của việc học theo tín chỉ vẫn là sinh viên chưa phát huy được tính tự học. ThS Lê Thị Kim Loan, Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Phú Yên, chia sẻ: Đầu vào sinh viên của trường không cao. Vì sức học hạn chế nên sau hơn 6 năm triển khai đào tạo theo tín chỉ, hiện toàn trường vẫn chưa có sinh viên nào tốt nghiệp trước thời gian quy định nhờ học vượt. Một số sinh viên lúc đầu có đăng ký học vượt nhưng sau đó học không nổi nên rút lại đăng ký”. Theo ThS Kim Loan, hạn chế lớn nhất của sinh viên khi học theo tín chỉ đó là các em chưa phát huy được tính tự học nên khó có thể đảm bảo kiến thức để có thể học vượt.
Học theo tín chỉ, sinh viên có thể tự do sắp xếp lịch học cho bản thân, lựa chọn môn học mà mình thích. Và nếu biết sắp xếp những tín chỉ giống nhau giữa hai ngành một cách hợp lý, sinh viên có thể hoàn toàn tốt nghiệp được hai chương trình học trong một thời gian, giảm đáng kể so với hình thức đào tạo theo niên chế. Tuy nhiên, để phát huy những lợi thế này, hoạt động tự học của sinh viên là không thể thiếu và đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình học tập ở bậc đại học. Một khi sinh viên không tự học thì việc đào tạo theo tín chỉ không phát huy được hiệu quả.
Hỗ trợ để sinh viên phát huy tính tự học
Năm học 2016-2017, Trường CĐ Y tế Phú Yên chuyển đổi hình thức đào tạo từ niên chế sang hệ thống tín chỉ. Để sinh viên chủ động với cách học này, Trường CĐ Y tế Phú Yên kịp thời tổ chức hội thảo phát huy tính tự học trong sinh viên. Bác sĩ chuyên khoa II Bùi Trần Ngọc, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay: “Khả năng tự thân vận động trong học tập của sinh viên có tính chất quyết định rất lớn đến sự thành công hay thất bại của các em. Với quan điểm lấy người học làm trung tâm, học theo tín chỉ sẽ không còn kiểu học thụ động thầy đọc - trò chép. Ngược lại, sinh viên phải chủ động tìm hiểu tài liệu và giáo trình ở nhà, đồng thời phải chuẩn bị bài vở thật kỹ trước khi đến lớp. Vậy nên khi đào tạo theo tín chỉ, nhà trường sẽ bổ sung thêm nhiều học liệu để học sinh nghiên cứu”.
Theo kinh nghiệm của các trường sau nhiều năm đào tạo theo tín chỉ, chất lượng và hiệu quả của hoạt động tự học phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố trực tiếp và gián tiếp. Trong đó, giảng viên, sinh viên và điều kiện phục vụ tự học trong việc đẩy mạnh hoạt động tự học của sinh viên đóng vai trò rất quan trọng. PGS-TS Nguyễn Huy Vị, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Phú Yên, cho rằng: Bên cạnh sự hướng dẫn của giảng viên, sự quản lý của nhà trường thì hoạt động tự học chỉ có thể thực sự đem lại hiệu quả khi chính bản thân sinh viên biết nỗ lực. Khi chuyển sang phương thức đào tạo theo tín chỉ, sinh viên phải thay đổi nhận thức, xóa bỏ sức ỳ để có những phương pháp học tập tích cực, thái độ tự chủ - tự chịu trách nhiệm nhằm thích ứng với những yêu cầu học tập mới. Trong quá trình tự học, sinh viên cần suy nghĩ, sáng tạo và mạnh dạn đưa ra những ý kiến, nhận xét, thắc mắc của mình mà không quá phụ thuộc vào tài liệu và những bài giảng của giảng viên.
Cũng theo PGS-TS Nguyễn Huy Vị, hoạt động tự học của sinh viên không thể thực hiện tốt nếu không đảm bảo các điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất: phòng học, trang thiết bị học tập, nguồn học liệu… Trong đó, hệ thống nguồn học liệu đầy đủ về số lượng, phong phú về nội dung và chuẩn về chất lượng là một yêu cầu không thể thiếu trong hoạt động tự học của sinh viên. Song đây lại là những hạng mục còn yếu và thiếu của các trường. Vậy nên các trường cần có kế hoạch để không ngừng cải thiện điều kiện cơ sở vật chất cũng như bổ sung các nguồn học liệu cần thiết cho người học.
THÚY HẰNG