Thứ Năm, 24/10/2024 17:17 CH
Giáo viên mầm non và đạo đức nghề nghiệp
Chủ Nhật, 12/02/2017 09:12 SA

Gần đây, ở nhiều địa phương đã liên tiếp xảy ra các vụ bạo hành đối với trẻ mầm non khiến dư luận cả nước vô cùng bức xúc. Điển hình như vụ việc em bé 15 tháng tuổi bị hai cô giáo trói chặt tay chân đè xuống sàn, miệng nhét khăn ở Quảng Bình. Tại Lạng Sơn có em bé bị cô giáo phạt ra khỏi lớp, bới rác tìm thức ăn. Hay mới đây nhất là vụ việc các cô giáo ở nhóm lớp độc lập tư thục Sen Vàng (Hà Nội) quát mắng, đánh đập và ngược đãi một số trẻ học tập tại đây… Những vụ bạo hành vừa qua cho thấy đạo đức nghề nghiệp của một số giáo viên mầm non đang xuống cấp trầm trọng. Nguyên nhân của tình trạng này là do đâu? Do cách đào tạo không tốt hay do con sâu làm rầu nồi canh…

 

Theo các giáo viên có thâm niên trong nghề chăm sóc trẻ mầm non trên địa bàn tỉnh, trước tiên cần phải khẳng định, nguyên nhân đầu tiên thuộc về đạo đức nghề nghiệp trong mỗi con người. Nếu như có tình yêu đối với trẻ, xác định học trò cũng như con của mình thì sẽ không có những chuyện đau lòng xảy ra trong thời gian qua. Cô Mạnh Thị Sửu, một giáo viên có thâm niên hơn 20 năm dạy trẻ, thẳng thắn nói rằng: Lâu nay, không ít người quan niệm rằng, trông trẻ mầm non là dễ dàng nhưng thực sự công việc này đòi hỏi giáo viên phải có kiến thức, kỹ năng và hiểu biết tâm sinh lý của trẻ. Ngoài ra, tiêu chuẩn của một giáo viên mầm non là còn phải có phẩm chất đạo đức tốt, thực sự yêu thương trẻ thì mới làm tốt vai trò cô nuôi dạy trẻ.

 

Hầu hết những giáo viên mầm non bạo hành học sinh sau sự việc đều tỏ ra hối hận nhưng cũng không quên bào chữa cho mình là vì phải chịu nhiều áp lực đến từ chính các em nhỏ hay từ các mối quan hệ trong cuộc sống. Tuy nhiên, những lời bào chữa này khó có thể chấp nhận vì nó đi ngược lại với mục đích giáo dục. Mặt khác, một khi lựa chọn nghề giáo viên mầm non thì bản thân mỗi người phải xác định được những áp lực của công việc chăm sóc, giáo dục trẻ, áp lực từ phía xã hội, gia đình để có cách ứng xử đúng đắn…

 

Nhiều vụ bạo hành đối với trẻ em mầm non liên tiếp xảy ra đã gây bức xúc trong dư luận xã hội. Đặc biệt là những vụ bạo hành không chỉ xảy ra đối với trẻ em ở các trường hay nhóm lớp tự phát với những giáo viên không đủ trình độ, kỹ năng mà còn xuất hiện ở những cơ sở có giáo viên đã trải qua quá trình học hành và được cấp bằng. Đương nhiên đây chỉ là những trường hợp cá biệt. Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là trong đào tạo ngành Sư phạm mầm non, các cơ sở đào tạo nên tăng cường rèn luyện phẩm chất đạo đức cho giáo viên. Thực tế tuyển sinh đại học, cao đẳng những năm gần đây cho thấy, Giáo dục mầm non là ngành học được nhiều nữ sinh chọn học, song trong số đó có không ít thí sinh thừa nhận theo học ngành học này chỉ vì đầu ra dễ có việc làm. Trong khi tiêu chí đầu tiên của một giáo viên mầm non là phải có phẩm chất đạo đức, tình yêu thương con trẻ thì các em chưa quan tâm đến.

 

Cơ sở mầm non, nhóm lớp tư thục nhận chăm sóc trẻ tự phát xuất hiện ngày càng nhiều. Nếu chỉ trông chờ vào sự kiểm soát của riêng ngành Giáo dục thì chưa đủ vì lực lượng cán bộ, nhân viên không đủ, cơ chế quản lý còn chồng chéo... Vì vậy, việc thành lập các cơ sở, nhóm lớp mầm non phải tiến hành song song với việc quản lý của chính quyền địa phương, có như thế mới hạn chế được phần nào những sự việc đau lòng xảy ra đối với trẻ mầm non.

 

MẠNH THÚY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek