Hệ thống các trường đào tạo trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) đang đứng trước những thách thức của sự thay đổi từ thị trường lao động (tuyển dụng, trả lương…) và trước yêu cầu đổi mới GD-ĐT, đặc biệt là sự thay đổi một số chính sách, cơ chế trong tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng nên hệ đào tạo TCCN của các trường cũng phải thay đổi để thích ứng.
Tại hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2015-2016 và triển khai nhiệm vụ năm học 2016-2017 đối với giáo dục chuyên nghiệp vừa được Bộ GD-ĐT tổ chức với sự tham dự của các sở GD-ĐT, các trường có đào tạo TCCN tại 63 điểm cầu trong nước, ông Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT) cho biết, năm học vừa qua công tác tuyển sinh TCCN tiếp tục gặp nhiều khó khăn hơn so với các năm học trước. Số thí sinh nhập học vào các cơ sở đào tạo TCCN trong năm 2015 là 143.135 học sinh, đạt 51% so với 280.640 tổng chỉ tiêu được xác định. Nhiều cơ sở giáo dục có đào tạo TCCN tuyển sinh không đủ chỉ tiêu, đặc biệt có hơn 20 cơ sở không tuyển được học sinh TCCN trong năm 2015.
Tuy công tác tuyển sinh TCCN tiếp tục gặp nhiều khó khăn, song Bộ GD-ĐT đánh giá, năm học 2015-2016, cơ cấu học sinh theo nhóm ngành đào tạo TCCN đã có sự thay đổi so với những năm trước. Học sinh theo học các ngành đào tạo thuộc nhóm ngành sức khỏe và đào tạo giáo viên tuy vẫn cao nhưng đang có xu hướng giảm so với những năm trước (nhóm ngành sức khỏe chiếm 35,8%, nhóm ngành đào tạo giáo viên chiếm 20,1%). Đặc biệt đối với nhóm ngành Kinh doanh và quản lý, số học sinh nhập học giảm đáng kể, chỉ còn 9,1%. Trong khi đó, một số ngành trước kia số học sinh nhập học rất thấp thì năm 2015 đã có sự thay đổi như nhóm ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản có số học sinh nhập học chiếm 5,1% so với hơn 2% của năm trước; nhóm ngành công nghệ kỹ thuật cũng đang tăng nhẹ trong những năm qua, số học sinh nhập học năm 2015 chiếm 10,9%.
Tại Phú Yên, công tác tuyển sinh TCCN ở các trường đại học, cao đẳng cũng không khác tình hình chung trong cả nước. Toàn tỉnh có 4 trường đại học, cao đẳng đào tạo TCCN nhưng chỉ tuyển được gần 1.500 học sinh, thấp so với chỉ tiêu mà các trường đề ra. Cơ cấu học sinh theo nhóm ngành đào tạo cũng có sự thay đổi. ThS Phạm Văn Tâm, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Xây dựng Miền Trung, cho biết: Đỉnh cao tuyển sinh TCCN của trường là vào những năm 2001-2003, rất nhiều học sinh theo học ngành Xây dựng. Từ năm 2005, lượng học sinh theo học TCCN giảm dần, đến năm 2015, khi thị trường sử dụng lao động nhóm ngành xây dựng bão hòa, nhà trường chỉ tuyển được 1 lớp TCCN thuộc ngành Xây dựng với 40 học sinh. Năm 2016, trường không tuyển TCCN”. TS Trần Đắc Lạc, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa, cho hay: “Chỉ tiêu tuyển sinh TCCN hàng năm của trường rất nhiều, luôn trên 1.000 học sinh với hơn 15 ngành đào tạo. Tuy nhiên, những năm gần đây, do lượng học sinh học TCCN ít nên cơ cấu học sinh theo nhóm ngành cũng thay đổi. Hiện chỉ còn nhóm ngành thuộc lĩnh vực điện, cơ khí… là có nhiều học sinh chọn học. Những ngành học này nhà trường luôn nhận được đơn đặt hàng tuyển dụng lao động từ các đơn vị sử dụng lao động”.
Một trong bốn trường có số lượng học sinh theo học TCCN nhiều nhất trên địa bàn tỉnh là Trường cao đẳng Y tế Phú Yên với cả ngàn học sinh/năm. Tuy nhiên, với quy định của Bộ Y tế, từ năm 2021, các bệnh viện, cơ sở y tế toàn quốc sẽ ngừng nhận điều dưỡng, kỹ thuật viên y học, dược sĩ, nữ hộ sinh, hộ lý... hệ trung cấp, nên năm 2016, công tác tuyển sinh hệ TCCN của trường này dự báo sẽ gặp khó khăn. Bác sĩ chuyên khoa II Bùi Trần Ngọc, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Y tế Phú Yên, chia sẻ: “Hiện nay, nhân lực ngành Y tế trên cả nước nói chung, tỉnh Phú Yên nói riêng vẫn còn khá nhiều người có trình độ trung cấp. Để nâng chuẩn cho đội ngũ này, vào cuối năm 2016, nhà trường sẽ mở các lớp đào tạo liên thông từ trung cấp lên cao đẳng. Vậy nên, những học sinh học trung cấp vẫn có rất nhiều cơ hội để liên thông lên trình độ cao. Dù vậy, với quy định không tuyển dụng những người có trình độ trung cấp công tác trong ngành Y tế thực sự khiến cho công tác đào tạo TCCN ở các trường y tế gặp nhiều khó khăn”.
Học sinh tốt nghiệp THCS sẽ không học nghề nếu vẫn có cơ hội học THPT. Học sinh tốt nghiệp THPT cũng sẽ không mặn mà đến với TCCN nếu việc xét tuyển vào đại học, cao đẳng “mở” nhiều như hiện nay. Để nâng cao vị thế của giáo dục chuyên nghiệp, tại hội nghị tổng kết năm học 2015-2016 và triển khai nhiệm vụ năm học 2016-2017 của giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT xác định phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giáo dục nghề nghiệp, gắn đào tạo với nhu cầu lao động của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Ưu tiên đầu tư phát triển một số trường và ngành đào tạo chất lượng cao.
Quan điểm của Bộ GD-ĐT luôn coi giáo dục chuyên nghiệp là bậc học rất quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân. Để nâng cao chất lượng giáo dục chuyên nghiệp, yêu cầu các trường cần phải cập nhật chương trình, đổi mới phương pháp giảng dạy phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế. Ngoài ra, sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường với doanh nghiệp, người sử dụng lao động là điều không thể thiếu trong đào tạo TCCN.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga |
THÚY HẰNG