Thứ Bảy, 05/10/2024 22:31 CH
Nghịch lý của thư viện trường học
Chủ Nhật, 24/06/2007 07:00 SA

Các trường THCS, THPT thì có thư viện nhưng bên trong thiếu đủ thứ; còn thư viện các trường CĐ, ĐH đầu tư hàng trăm triệu, sách dồi dào lại không “hút” sinh viên! 

              

Đến nay, mới chỉ 10% trong số hơn 420 trường học ở Phú Yên có thư viện đạt chuẩn. Điều này đã làm hạn chế nhu cầu đọc sách báo trong học sinh, sinh viên.

 

070623-hoc-sinh.jpg
Học sinh Trường THCS Trần Rịa (huyện Tuy An) đang đọc sách ở thư viện trường – Ảnh: M.THÚY

 

CÓ THƯ VIỆN... NHƯNG CHƯA CÓ CHỖ ĐỌC

 

Thư viện là một trong những phòng chức năng bắt buộc phải có trong trường học. Tuy nhiên, do cơ sở vật chất hạn chế nên đến thời điểm này hầu hết thư viện trường học ở Phú Yên chỉ mới có tên chứ chưa có… chỗ đọc. Trường cấp 2 – 3 Sơn Thành (huyện Tây Hoà) có phòng thư viện, nhưng thực chất chỉ là một cái kho chứa… trang thiết bị, đồ dùng dạy học. Nhìn mọi thứ ngổn ngang trong kho, ông  Trần Quốc Nhuận, Hiệu trưởng, bày tỏ: “Trường chưa có phòng chức năng nên tất cả sách và thiết bị của chương trình học đều được dồn hết vào một chỗ. Học sinh, giáo viên cần gì thì cứ đến kho ấy tìm kiếm”. Trường phổ thông cấp 2 – 3 Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) cũng chẳng khá hơn, bởi học sinh vẫn chưa có chỗ đọc sách, nghiên cứu tài liệu. Hiệu trưởng Lê Hải nói: “Khả năng mua sắm sách giáo khoa và sách tham khảo của học sinh miền núi là rất hạn chế. Tuy nhiên, do chưa có phòng thư viện đúng nghĩa nên việc đọc sách của học sinh chưa được phát huy”.

 

Công ty cổ phần Sách – Thiết bị trường học Phú Yên vừa có cuộc khảo sát nhu cầu đọc sách, báo trong sinh viên ở các trường chuyên nghiệp trên địa bàn Phú Yên. Kết quả cho thấy, bên cạnh giáo trình thuộc chuyên ngành đào tạo phân phối, nhiều sinh viên có nguyện vọng được đọc những chương trình nâng cao mang tính mở rộng và rất thích được cập nhật thông tin trên báo chí.

Theo đánh giá của Sở GD – ĐT, công tác thư viện trường học trên địa bàn Phú Yên hiện nay vừa yếu vừa thiếu. Hầu hết các trường mới chỉ gắn tên cho phòng thư viện, còn bên trong thì thiếu đủ thứ. Bên cạnh đó, cán bộ làm công tác thư viện thường là kiêm nhiệm nên chưa có nhiều đầu tư cho công việc. Phó hiệu trưởng Trường THCS Lương Văn Chánh (huyện Phú Hoà) Phạm Chính cho biết: “Để có một phòng thư viện đúng chức năng phải đầu tư gần trăm triệu đồng, ngoài ra hàng ngày còn phải cập nhật nhiều sách, báo, tạp chí mới… Đây là vấn đề không hề dễ dàng đối với các trường học”. THCS Lương Văn Chánh là một trong những trường có thư viện được xếp vào loại bài bản nhất hiện nay. Với hơn 5.000 bản sách, báo các loại, thư viện của trường thực sự là nơi thu hút nhiều học sinh đến đọc sách, mở rộng kiến thức. Theo ông  Chính, để có được thư viện, nhà trường đã kêu gọi, huy động sách, báo từ học sinh, giáo viên và người dân ở địa phương đóng góp.

 

Cũng với cách làm này, Trường THCS Phạm Đình Quy (huyện Tây Hoà) đã xây dựng hoàn chỉnh phòng thư viện của trường với hơn 3.500 bản sách, báo các loại. Ông Nguyễn Văn Hồng, Trưởng phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Tây Hoà, cho biết: “Trước đây, khi xây dựng trường lớp nhiều người chưa đánh giá đúng nhu cầu đọc của học sinh nên cơ sở vật chất dành cho phòng thư viện rất hẹp, thậm chí không có. Thực hiện chương trình sách giáo khoa mới, phát huy vai trò tự học của học sinh, hơn bao giờ hết thư viện là nơi rất cần để các em tự nghiên cứu, tự khám phá và bồi dưỡng kiến thức cho mình. Tình trạng có thư viện mà như không là một thiệt thòi lớn đối với học sinh”.

 

CÓ SÁCH CHƯA CHẮC THU HÚT!

 

Trong khi học sinh phổ thông không đọc được sách vì hệ thống thư viện yếu kém thì với sinh viên các trường đại học, cao đẳng lại khác.

 

Ông Trần Đắc Lạc, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa cho biết: “Nhà trường đã đầu tư hàng tỉ đồng cho việc hoàn thiện hệ thống thư viện. Hiện nay, trong sinh viên đang thịnh hành xu hướng thực dụng trong văn hoá đọc, đó là chỉ quan tâm tới những cuốn sách đọc để làm, để nâng cao năng lực chuyên biệt, đọc chỉ để thoả mãn tính hiếu kỳ. Riêng lĩnh vực chính trị thì rất ít sinh viên có nhu cầu”. Những đầu sách được các trường ĐH, CĐ chọn để trang bị trong hệ thống thư viện chủ yếu là giáo trình các chuyên ngành đào tạo và một số giáo trình nâng cao. Hầu như trường nào cũng hội đủ các loại giáo trình và tài liệu để sinh viên nghiên cứu tham khảo, thế nhưng, thói quen tìm đến thư viện của sinh viên là không nhiều. Một cán bộ thư viện cho biết: “Sinh viên thường than thở là không có tiền mua giáo trình, mua sách tham khảo. Vậy nhưng, giáo trình, sách tham khảo ở thư viện luôn sẵn có nhưng rất ít bạn mượn về đọc, chứ chưa nói là nghiên cứu tại chỗ”.

 

THÚY HẰNG

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek