Thứ Bảy, 05/10/2024 22:19 CH
Phát triển nguồn nhân lực trong giai đoạn mới
Thứ Sáu, 22/06/2007 10:00 SA

Phát triển nguồn nhân lực là một trong những yếu tố quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, góp phần phát triển nhanh về kinh tế, ổn định xã hội và xóa nghèo một cách bền vững.

 

070622-sv.jpg
Đào tạo công nghệ thông tin ở Trường Đại học Phú Yên - Ảnh: KIM SA

 

Thực trạng lao động – việc làm và chất lượng lao động ở tỉnh Phú Yên cho thấy phần lớn lao động tập trung vùng nông thôn, chiếm tỷ lệ 80%. Lao động nông thôn, dân tộc thiểu số đa số chưa có điều kiện tiếp cận với kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp. Do vậy, dạy nghề cho lao động nông thôn, dân tộc thiểu số rất cần thiết, mang tính cấp bách để góp phần thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn, giải quyết việc làm cho người lao động thực hiện giảm nghèo và tiếp bước chuyển dịch một bộ phận lao động nông nghiệp, nông thôn theo cơ cấu kinh tế công nghiệp – dịch vụ và nông nghiệp. Dạy nghề cho người lao động nông thôn, dân tộc thiểu số để họ có điều kiện nâng cao kỹ năng nghề nghiệp và đạt được trình độ chuyên môn nhất định, có ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp, nhằm cung cấp lực lượng lao động có tay nghề cho các khu công nghiệp tập trung, các cụm điểm công nghiệp, khôi phục phát triển các nghề và các làng nghề truyền thống chính là tạo việc làm cho người lao động để họ tăng thu nhập, nâng cao mức sống, ổn định xã hội bền vững là vấn đề cấp thiết hiện nay.

 

THỰC TRẠNG NGUỒN NHÂN LỰC CỦA PHÚ YÊN

 

Về thực trạng việc làm cho lao động tỉnh Phú Yên hiện nay tính đến cuối năm 2006 số lao động đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân 481.212 người, trong đó:

 

+ Số người thất nghiệp ở thành thị: 5205 người, chiếm tỷ lệ 5,53% so với lao động thành thị.

 

+ Số người thiếu việc làm ở nông thôn khoảng trên 10.000 người. Tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn: 81,5% so với lao động nông thôn.

 

+ Số người qua đào tạo là 122.139 người chiếm tỷ lệ 25,38%.

 

+ Số người qua đào tạo nghề: 80.367 người tỷ lệ là 16,7%.

 

Nhìn chung chất lượng giáo dục đào tạo và dạy nghề còn nhiều bất cập, nhất là trong lĩnh vực đào tạo nghề chưa đáp ứng được yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Điều này thể hiện qua các khía cạnh sau đây:

 

+ Sức cạnh tranh, khả năng làm việc của người lao động nhìn chung còn hạn chế do tay nghề, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng làm việc còn thấp.

 

+ Một số bộ phận không nhỏ người lao động chưa có tác phong công nghiệp, mang nặng thói quen và tập quán sản xuất nhỏ, kỷ luật lao động lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm đối với công việc, quan hệ hợp tác yếu và hầu hết không  biết ngoại ngữ.

 

070622-dien-tu.jpg

Đào tạo lao động kỹ thuật cao ở Phú Yên - Ảnh: D.T.X

Để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa trong bối cảnh đất nước ta đang bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế, yêu cầu đặt ra đối với nguồn lao động của tỉnh ta là: lao động phải có trình độ văn hóa, khoa học kỹ thuật, tay nghề cao, nắm được lý thuyết và kỹ năng thực hành theo nhiều trình độ nghề khác nhau để tìm việc làm, có thu nhập ổn định cuộc sống, vừa đáp ứng cho nhu cầu các doanh nghiệp, tăng sức cạnh tranh trên thị trường lao động trong nước và xuất khẩu lao động, mặt khác người lao động phải có tác phong công nghiệp và trách nhiệm cao trong công việc, linh hoạt, năng động, sáng tạo và có khả năng giải quyết các vướng mắc trong công việc. Đồng thời có tinh thần hợp tác, có văn hóa ứng xử trong quá trình làm việc.

 

GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NGUỒN NHÂN LỰC

 

Để nâng cao chất  lượng đào tạo nguồn nhân lực cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm:

 

- Thực hiện tốt Dự án qui hoạch mạng lưới dạy nghề đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 tại Quyết định số 3751/QĐ-UB ngày 26/12/2003 và Quyết định số 1282/2006/QĐ-UBND ngày 28/8/2006 của UBND tỉnh Phú Yên phê duyệt Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, dân tộc thiểu số giai đoạn 2006-2010 theo 3 cấp trình độ nghề: Cao đẳng nghề, trung cấp nghề, sơ cấp nghề.

 

Các huyện, thành phố cũng cần xây dựng trung tâm dạy nghề của địa phương mình để có cơ sở thực hiện các chương trình đào tạo nghề.

 

- Mở rộng quy mô và đa dạng hóa các loại hình đào tạo, làm cho mỗi người đều được học nghề để có cơ hội tìm việc làm trong cơ chế thị trường. Phát triển loại hình dạy nghề theo hướng hiện đại và cho các loại đối tượng học là bộ đội xuất ngũ, dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Phát triển các cơ sở dạy nghề theo hướng xã hội hóa, chủ yếu là ngoài công lập.

 

- Chuyển đổi hệ thống dạy nghề theo nhu cầu thị trường lao động trong và ngoài nước. Gắn kết cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, làng nghề.

 

- Đổi mới chương trình và nội dung dạy nghề phù hợp với từng đối tượng. Sớm chuẩn hóa các cơ sở dạy nghề, giáo viên, chương trình, giáo trình dạy nghề, danh mục nghề đào tạo và tiêu chuẩn kỹ năng nghề.

 

- Đào tạo bồi dưỡng để đội ngũ giáo viên đủ về số lượng theo Luật dạy nghề. Chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc gia; phải thông thạo lý thuyết, tay nghề cao, khả năng tiếp cận công nghệ hiện đại, phương pháp đào tạo tiên tiến và có trình độ ngoại ngữ.

 

Để hoàn thành các nhiệm vụ trên, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

 

- Một là, tăng cường và thực hiện hiệu quả hơn công tác quản lý nhà nước về dạy nghề theo Luật dạy nghề.

 

- Hai là, thực hiện có hiệu quả và nâng cao chất lượng công tác qui hoạch hệ thống đào tạo, dạy nghề nhằm khắc phục những bất hợp lý, tạo tiền đề để hệ thống dạy nghề mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và hội nhập. Đẩy mạnh việc xã hội hóa công tác dạy nghề. Khuyến khích phát triển hình thức liên kết với doanh nghiệp để đào tạo nghề.

 

- Ba là, đổi mới phương pháp và các hình thức dạy nghề để phát huy tính chủ động sáng tạo của người học.

 

Chủ động tổ chức nghiên cứu, dự báo yêu cầu và tác động của hội nhập đến chất lượng nguồn lao động, từ đó xây dựng chương trình và nội dung đào tạo hợp lý.

 

- Bốn là, quản lý chất lượng đào tạo là nhiệm vụ trọng tâm. Nghiên cứu đổi mới quản lý chất lượng đào tạo. Tăng cường kiểm soát, kiểm định chất lượng đào tạo. Nâng cao chất lượng công tác thống kê dự báo. Đổi mới công tác xây dựng kế hoạch đào tạo theo hướng thị trường.

 

- Năm là, để đội ngũ giáo viên đạt tiêu chuẩn chất lượng, cần nâng cao năng lực dạy nghề thông qua sử dụng có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục và đào tạo. Đảm bảo chương trình hoạt động đúng mục tiêu, nội dung và mức vốn được hỗ trợ.

 

- Sáu là, tăng cường nguồn lực tài chính đầu tư cơ sở vật chất cho công tác đào tạo nghề, đảm bảo đủ năng lực và quy mô đào tạo phục vụ nhu cầu học nghề của người lao động.

 

- Bảy là, tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế về đào tạo và dạy nghề trên tất cả các phương tiện: Tổ chức, đào tạo, xây dựng chương trình và nội dung đào tạo. Có cơ chế, chính sách thích hợp để thu hút nhân lực, tài lực trong và ngoài nước tham gia đào tạo, dạy nghề.

 

- Tám là, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về công tác dạy nghề: Nội dung thông tin tuyên truyền tập trung phổ biến chủ chương của Đảng và Nhà nước về công tác dạy nghề; sự cần thiết phải học và nâng cao trình độ lành nghề để nhân dân, nhất là lực lượng lao động thấy được tầm quan trọng và lợi ích của việc học nghề.

 

Phải xem đầu tư cho dạy nghề là đầu tư phát triển, nâng cao năng lực dạy nghề là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực kỹ thuật trực tiếp sản xuất. Chăm lo công tác dạy nghề là trách nhiệm của toàn xã hội. Vì vậy thực hiện tốt chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn, dân tộc thiểu số giai đoạn 2006-2010 nhằm tạo cơ hội để lao động nông thôn, dân tộc thiểu số được học nghề bền vững. Đồng thời tạo cơ hội cho mọi cá nhân, tổ chức tham gia sư phát triển sự nghiệp dạy nghề tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách hiện nay.

 

ĐOÀN VĂN SÂM

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek