Chủ Nhật, 06/10/2024 13:28 CH
Để nâng cao chất lượng học tập của học sinh dân tộc thiểu số
Thứ Tư, 17/12/2014 11:00 SA

Học sinh Trường THPT Tôn Đức Thắng (huyện Sông Hinh) trong giờ học - Ảnh: N.ĐỨC

Chủ trương đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước hiện nay rất chú trọng đến sự nghiệp GD-ĐT nói chung, đặc biệt là GD-ĐT miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội còn nhiều khó khăn.

 

Những năm gần đây, đứng trước nhiệm vụ đổi mới GD-ĐT nói chung và đổi mới nội dung, phương pháp dạy học nói riêng, nhiều nhà nghiên cứu, trong đó có những nhà giáo dục học, tâm lý học đã đi sâu nghiên cứu vấn đề về đổi mới nội dung dạy học theo hướng hiện đại, gắn khoa học với thực tiễn sản xuất, đặt học sinh vào trung tâm hoạt động dạy học.

 

Để nâng cao chất lượng học tập của học sinh nói chung và học sinh DTTS nói riêng, đối với các trường phổ thông cần quản lý một cách toàn diện quá trình dạy - học và các điều kiện hỗ trợ cho hoạt động dạy học. Để thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, cán bộ quản lý (CBQL) cần phải ý thức cao về nhiệm vụ và có những biện pháp quản lý phù hợp, thiết thực trong điều kiện dạy và học hiện nay.

 

Thứ nhất, nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên trong công tác nâng cao chất lượng học tập cho học sinh DTTS. Đây là nhiệm vụ cần thực hiện trong từng năm học và trong chiến lược phát triển của nhà trường. Giáo viên phải bám sát vào các đối tượng là học sinh DTTS, để từ đó đưa ra các giải pháp giảng dạy đạt chất lượng tốt hơn. Lãnh đạo nhà trường phải chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động trong năm học về các buổi hội thảo, hội nghị, về vấn đề dạy và học đối với học sinh DTTS trong trường phổ thông và các giải pháp để nâng cao chất lượng học tập cho học sinh. Tạo mọi điều kiện để CBQL và giáo viên tích cực tham gia các lớp học về tiếng dân tộc, ít nhất trong trường phải có đến 50% CBQL, giáo viên nói, đọc thông thạo một hoặc hai thứ tiếng dân tộc thiểu số.

 

Thứ hai, tăng cường quản lý hoạt động giảng dạy của giáo viên theo hướng đổi mới nhằm nâng cao chất lượng học tập cho học sinh nói chung và học sinh DTTS nói riêng. Trong việc chỉ đạo thực hiện kế hoạch dạy học chính khóa, người CBQL phải quản lý và xây dựng kế hoạch dạy phụ đạo, bồi dưỡng học sinh yếu, kém nói chung và chú trọng đến học sinh DTTS nói riêng; chỉ đạo giáo viên lưu ý đến những đối tượng học sinh DTTS mất căn bản về nói, đọc và viết không rành về tiếng Việt. Có thể yêu cầu giáo viên dạy thêm cách luyện viết, luyện đọc, đồng thời theo dõi về việc học tập của các em để giúp các em tiến bộ. Hầu hết học sinh DTTS theo học tại các trường phổ thông còn nhiều hạn chế về chất lượng học tập, do khả năng tiếp thu của các em có hạn, trong khi quỹ thời gian để giáo viên truyền thụ từng bài học trên lớp lại theo quy định chung. Do đó, việc tổ chức bồi dưỡng, phụ đạo cho học sinh là điều cần thiết.

 

Thứ ba, tăng cường quản lý hoạt động học tập của học sinh. Hoạt động học tập của học sinh DTTS thường theo thói quen ở buôn làng, nên ngay từ đầu năm học, CBQL phải quán triệt nội quy, quy chế của trường đến tất cả học sinh; đồng thời, thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phát động các phong trào thi đua để theo dõi việc học tập của học sinh. Để từ đó giáo viên cùng với học sinh làm tốt việc dạy và học nhằm nâng cao chất lượng học tập.

 

Thứ tư, tổ chức, phối hợp với các lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường; quản lý các điều kiện hỗ trợ để nâng cao chất lượng học tập cho học sinh DTTS. Mặc dù đổi mới phương pháp dạy học được áp dụng cho tất cả các đối tượng học sinh, nhưng lại chưa phù hợp với học sinh DTTS ở các trường THPT hiện nay. Việc đổi mới này phần nào sẽ gây khó khăn cho các em trong học tập và một khi không theo kịp chương trình sẽ dẫn đến học sinh chán nản, không thích học và sẽ bỏ học. Vì vậy, CBQL phải trực tiếp chỉ đạo các tổ chuyên môn đưa ra những lựa chọn các bài trong chương trình để tổ chức soạn giảng và dạy mẫu theo hướng vận dụng đổi mới phương pháp dạy học tích cực áp dụng cho học sinh nói chung và chú trọng những câu hỏi dành riêng cho đối tượng là học sinh DTTS. Đặc biệt, đối với học sinh DTTS, việc chấm bài, trả bài phải nêu rõ ưu, khuyết điểm để các em rút kinh nghiệm cho việc học bài và làm bài lần sau.

 

Chất lượng học tập của học sinh DTTS phụ thuộc vào nhiều yếu tố như phương pháp học, thái độ học và kỹ năng học. Các em hầu hết rất yếu về phương pháp học tập, thái độ học tập và chưa có thói quen tự học. Vì vậy, CBQL chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn hướng dẫn các em việc xây dựng thời gian biểu cho các hoạt động học tập hàng ngày, tuần, tháng; rèn cho học sinh kỹ năng học tập trên lớp, tư duy độc lập, khả năng diễn đạt ngôn ngữ tiếng Việt, kỹ năng học bài, làm bài, tham gia phát biểu... Đặc biệt, giáo viên hướng dẫn cho học sinh cách thức học tập ở nhà, chú trọng đến việc tổ chức học nhóm với các bạn cùng lớp.

 

Thạc sĩ NGUYỄN ĐỨC NAM

Hiệu trưởng Trường THPT Tôn Đức Thắng

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek