Chủ Nhật, 06/10/2024 15:28 CH
Thầy Thành dạy học ở Phan Thiết
Thứ Năm, 20/11/2014 08:58 SA

Cây khế, giếng nước trong Trường Dục Thanh là những kỷ vật gắn liền với Bác Hồ khi Người dạy học nơi đây - Ảnh: Internet

Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất, lãnh đạo vĩ đại của Đảng và dân tộc ta, ít ai biết rằng Người đã có thời gian làm nhà giáo.

 

Đầu thế kỷ XX, trên đường vào Sài Gòn, để từ đó ra nước ngoài tìm đường cứu nước, người thanh niên Nguyễn Tất Thành (tên Bác Hồ lúc đó) có dừng lại TX Phan Thiết, và được mời tham gia giảng dạy ở Trường Dục Thanh.

 

Hồi đó, Trường Dục Thanh, do các nhà yêu nước lập ra, được cả nước biết tiếng là một nhà trường tiến bộ vì chương trình giảng dạy ở trường.

 

Dù thời gian dạy học ở Trường Dục Thanh chỉ có 9 tháng, vậy mà người thầy giáo trẻ Nguyễn Tất Thành đã để lại dấu ấn sâu đậm, mở chân trời cho một nền giáo dục tương lai, mà sau này, khi nước nhà độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rút ra thành nguyên lý chỉ đạo nền giáo dục mới. Đó là việc phát huy trí sáng tạo của học sinh trong suốt quá trình học tập; đó là việc học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn, nhà trường gắn liền với xã hội; đó là việc giáo dục phải phát triển toàn diện các mặt: Văn hóa, đạo đức, kỷ luật và rèn luyện thân thể.

 

Những ngày nghỉ, thầy Thành thường đưa học sinh đến thăm các gia đình nghèo ở bến cá Cồn Chà, bãi biển Thương Chánh. Qua những lần đi dã ngoại này, thầy Thành tranh thủ giảng thêm cho các em về địa lý, về lịch sử nước ta, về các anh hùng dân tộc Việt Nam như Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo...

 

Thầy Thành cũng là người đầu tiên khởi xướng phong trào rèn luyện thân thể trong học sinh. Sáng sáng, số học sinh nội trú được thầy Thành hướng dẫn tập thể dục ở sân trường.

 

Thầy Thành dạy học sinh bằng tất cả tình thương yêu như một người anh cả trong gia đình dạy dỗ các em. Không bao giờ thầy Thành la mắng hoặc đánh học sinh (hồi đó nhiều trường, kể cả ngôi trường tiến bộ như Dục Thanh, các thầy thường la mắng, đánh học sinh bằng roi hoặc bằng tay, mỗi khi chúng phạm lỗi hoặc không thuộc bài).

 

Từ người thầy giáo trẻ Nguyễn Tất Thành, 21 tuổi, đến nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc, rồi Hồ Chí Minh - vị Chủ tịch Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau này, lúc nào Người cũng đặc biệt quan tâm đến sự nghiệp giáo dục - đào tạo. Trong thư gửi các cháu học sinh, nhân ngày khai giảng đầu tiên của nước Việt Nam mới, tháng 9/1945, Hồ Chủ tịch viết: “Non song Việt Nam có vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được sánh vai với các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học lập của các cháu...”.

 

Thấm nhuần và học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục - đào tạo, hơn nửa thế kỷ qua, dù trong hoàn cảnh khó khăn đến đâu, sự nghiệp giáo dục - đào tạo vẫn được duy trì và phát triển.

 

Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta luôn xem giáo dục - đào tạo (cùng với khoa học - công nghệ) là quốc sách hàng đầu, nhằm đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

BẰNG TÍN

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek