Chủ Nhật, 06/10/2024 17:30 CH
Chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm ở tiểu học:
Phụ thuộc vào cách triển khai
Chủ Nhật, 09/11/2014 09:11 SA

Thầy giáo Lưu Ngọc Dược (Trường tiểu học Trưng Vương) hướng dẫn học sinh học tập - Ảnh: T.HẰNG

Bộ GD-ĐT vừa ban hành chỉ thị về việc chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm (DTHT) đối với giáo dục tiểu học. Việc ra chỉ thị lần này nhằm thực hiện nghiêm túc Thông tư số 17 quy định về DTHT và Thông tư số 30 quy định về đánh giá học sinh tiểu học của Bộ GD-ĐT.

 

GIẢM ÁP LỰC CHO HỌC SINH

 

Đến thời điểm này, hầu hết các trường trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT và Phòng GD-ĐT về việc chấn chỉnh tình trạng DTHT ở bậc tiểu học. Nhiều ý kiến đồng tình với những nội dung mà chỉ thị đưa ra và cho rằng nếu các trường làm đúng theo chỉ thị thì sẽ hạn chế việc DTHT. Học sinh tiểu học sẽ có thời gian để nghỉ ngơi và vui chơi hơn.

 

Nhà giáo ưu tú Trần Trọng Thậm, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trưng Vương (TP Tuy Hòa), cho biết: Năm học 2014-2015, trường có hơn 2.000 học sinh. Cũng như mọi năm, ngoài việc giảng dạy đại trà, nhà trường còn chú trọng đến đào tạo mũi nhọn để tạo điều kiện cho học sinh tham gia các hoạt động giao lưu, các “sân chơi” trí tuệ. Việc không tổ chức thi học sinh giỏi đối với học sinh tiểu học sẽ có ưu lẫn nhược điểm. Cụ thể, khi tổ chức các sân chơi này, những học sinh giỏi có điều kiện phát huy năng lực học tập cũng như khẳng định năng lực của các em qua các kỳ thi. Nhưng cũng chính vì điều này mà xu hướng của phụ huynh, của xã hội chạy theo thành tích. Điều này tác động đến nhà trường, giáo viên cũng chạy theo thành tích trong việc bồi dưỡng học sinh; còn phụ huynh thì ép con đi học thêm tràn lan. Vì vậy, việc Bộ GD-ĐT cấm không tổ chức thi học sinh giỏi đối với học sinh tiểu học là đúng và cần thiết. Tôi rất vui khi Bộ GD-ĐT đã kịp thời điều chỉnh, cho phép các em tham gia các hoạt động giao lưu, các “sân chơi” trí tuệ, vì đây là cơ hội để phát triển các nhân tố mũi nhọn, cũng như phong trào dạy tốt - học tốt ở các trường.

 

Đồng quan điểm này, thầy Lưu Ngọc Dược, giáo viên giảng dạy khối lớp 5 Trường tiểu học Trưng Vương nói: Thực tế những năm qua cho thấy, sau khi bỏ thi học sinh giỏi thì bậc tiểu học có rất nhiều “sân chơi” trí tuệ, các hoạt động giao lưu từ cấp trường, huyện, cấp tỉnh, cấp quốc gia. Một khi tổ chức thi thì dù là giao lưu hay sinh hoạt thì cũng tạo áp lực cho học sinh, cho nhà trường. Vì vậy, việc Bộ GD-ĐT cho học sinh tham gia các sân chơi này nhưng trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện, các trường không được thành lập đội tuyển; không tổ chức ôn luyện, tập huấn gây áp lực và căng thẳng cho học sinh; không căn cứ vào kết quả của học sinh khi tham gia các hoạt động giao lưu và “sân chơi” trí tuệ để xếp loại thi đua đối với các đơn vị cũng là một cách giảm áp lực cho học sinh, cho nhà trường.

 

Học sinh Trường tiểu học Kim Đồng trong một giờ học - Ảnh: T.HẰNG 

 

QUAN TRỌNG LÀ CÁCH TRIỂN KHAI

 

Việc ngành GD-ĐT quyết liệt chấn chỉnh tình trạng DTHT là điều cần thiết, nhưng nhiều phụ huynh lo lắng chương trình học của trẻ hiện nay quá nặng. Nếu không cho con học thêm thì liệu có tiếp thu được hết kiến thức qua bài giảng của thầy cô giáo hay không.

 

Chị Nguyễn Thị Thúy, ở phường 3 có con học tại Trường tiểu học Âu Cơ, bày tỏ: “Phụ huynh thì ai cũng muốn con mình học tốt, học giỏi, đặc biệt là có thể tham gia các sân chơi học sinh giỏi để “khẳng định” đẳng cấp bằng cách đoạt giải. Vấn đề cốt lõi ở đây là ngành Giáo dục phải có sự điều chỉnh chương trình cho phù hợp, giải quyết được nạn DTHT thì phụ huynh chúng tôi không phải cho con mình nhồi nhét”. Còn chị Thanh Tuyền ở phường 4, có con học Trường tiểu học Trưng Vương (TP Tuy Hòa) thì phấn khởi nói: “Mấy hôm nay, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi biết được một số điểm mới về chấn chỉnh DTHT đối với tiểu học. Tôi thấy việc không giao bài tập cho học sinh học 2 buổi/ngày là hợp lý. Các con đi học 2 buổi/ngày, như thế là phù hợp rồi”.

 

Chỉ thị này được phổ biến đến tất cả cán bộ, công chức, viên chức ở các cấp quản lý giáo dục, nhà giáo ở các trường tiểu học trong cả nước và các đơn vị liên quan để quán triệt và thực hiện. Vì vậy, nhiều phụ huynh mong muốn ngành GD-ĐT cần làm ngay để tránh áp lực cho giáo viên và học sinh, tránh tình trạng nói một đằng làm một nẻo.

 

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Cường, chuyên viên Giáo dục tiểu học Phòng GD-ĐT TP Tuy Hòa, cho biết: Chấn chỉnh tình trạng DTHT là việc làm thường xuyên của ngành GD-ĐT. Tuy nhiên, nếu chỉ có ngành GD-ĐT thực hiện không thôi thì khó có thể giải quyết triệt để. Do đó, trên cơ sở chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT, ngành GD-ĐT thành phố sẽ tổ chức quán triệt đến các trường, đồng thời chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan chủ động nắm tình hình và xây dựng kế hoạch chỉ đạo, tuyên truyền, hướng dẫn, giải đáp, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện chỉ thị ở các trường.

 

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Ái, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên, ngành GD-ĐT sẽ chỉ đạo thanh tra giáo dục ở các cấp tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về DTHT. Dù vậy, ngành Giáo duc cũng rất cần có sự vào cuộc quyết liệt của các ban ngành thì mới giải quyết được vấn nạn DTHT bất chấp các chỉ thị của cấp trên.

 

THÚY HẰNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek