Chủ Nhật, 06/10/2024 03:12 SA
Dụng cụ trực quan giúp trẻ làm quen văn học chữ viết
Thứ Sáu, 20/01/2006 20:41 CH

Từ nhiều năm qua, ngành Giáo dục – Đào tạo không ngừng tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học hầu đáp ứng yêu cầu và nâng cao hiệu quả giảng dạy. Tuy nhiên, đối với một tỉnh còn nhiều khó khăn như Phú Yên thì việc đầu tư này chưa thấm vào đâu so với đòi hỏi của chương trình giáo dục đổi mới. Đối với bậc Mầm non, do không được quan tâm đúng mức trong một thời gian dài nên khi Bộ GD – ĐT triển khai chuyên đề “Làm quen văn học – chữ viết”, các trường gặp nhiều lúng túng. Bởi để đáp ứng yêu cầu mà chương trình đặt ra thì cần phải có đồ dùng dạy học.

 

Học sinh trường mầm non Sơn Ca với giờ học bằng dụng cụ học tập tự tạo - Ảnh: Mạnh Thúy

 

Trong khi, nhiều trường học ngay ở vùng đồng bằng vẫn chưa có đủ các bộ đồ dùng dạy học cho giáo viên lên lớp. Vậy nên để dạy và học đạt hiệu quả, không còn cách nào khác là giáo viên phải tự tạo đồ dùng dạy học. Cô giáo Nguyễn Thị Mỹ Trang (Trường mầm non Hoa Hồng) cho biết: “Lâu nay, ở trường mầm non trẻ vẫn được làm quen văn học – chữ viết, song chỉ là làm quen qua lời của cô giáo. Học theo chương trình mới, việc làm quen văn học – chữ viết được nâng lên một bước cao hơn, đó là giáo viên không chỉ nói mà còn chuẩn bị đầy đủ các đồ dùng trực quan để minh họa cho những giờ học”.

 

Khi dạy trẻ về bài thơ “Đàn gà con” của Phạm Hổ trong chương trình mẫu giáo bé, cô Trang không chỉ đọc cho các em nghe mà còn giảng giải cho các em về ý nghĩa của bài thơ. Để thực hiện được điều này, ngay ở phần giới thiệu, cô Trang cho trẻ quan sát mô hình gà mái mẹ dẫn đàn gà con đi ăn. Mười chú gà con lông vàng, mắt đen lay láy với nhiều tư thế khác nhau trông rất sinh động, từ đó giúp trẻ dễ hình dung và nhớ  được những câu thơ “cái mỏ tí hon/ cái chân bé xíu/ lông vàng mát dịu/ mắt đen sáng ngời…”. Hay khi kể câu chuyện cổ tích “Bạch Tuyết và bảy chú lùn” các cô giáo phải xây dựng mô hình vườn cổ tích, trong đó mô phỏng lại hình ảnh các nhân vật có trong câu chuyện…

 

Sử dụng phương pháp trực quan hình ảnh để giảng dạy, ngoài tác dụng định hướng nhận thức, thiết lập ngữ điệu giọng đọc nhằm chuyển thể tính hình ảnh, nhận thấy bằng thị giác sang hình ảnh ngôn ngữ, cách dạy này còn kích thích sự hứng thú của trẻ trong giờ học.

 

Với đặc điểm tâm sinh lý của trẻ mầm non, không chỉ có thơ và truyện mới cần đến giáo cụ trực quan. Hầu hết các môn học khác cũng cần những hình ảnh, đồ dùng để tạo sự hứng thú cho trẻ, nhất là trong giờ học làm quen với chữ cái. Một cô giáo tâm sự: “Khi trẻ chơi với chữ cái, muốn cho trẻ hào hứng thì phải có nhiều đồ vật, con vật, nhiều mô hình có chữ cái. Ví dụ: Tìm chữ U trong từ đu đủ, chữ O trong từ con thỏ. Một khi các em thường xuyên được nhìn thấy hình ảnh là các em sẽ thuộc ngay”.

 

Các bậc cha mẹ hiện nay ra sức bắt con học, nên ngay ở bậc Mầm non, nhiều em đã học qua chương trình của học sinh lớp 1. Thấy con đọc thông viết thạo không ít người vội mừng cho rằng con mình giỏi. Vậy nhưng, khảo sát  của các chuyên gia giáo dục cho thấy, nếu trẻ biết đọc, biết viết nhưng không biết những kỹ năng đọc và viết thì dù các em có được học sớm đến đâu cũng khó có thể phát huy được khả năng sáng tạo. Bà Trần Thị Kim Tuyết, Phó trưởng Phòng Mầm non – Tiểu học (Sở GD – ĐT) cho biết: “Nếu ở bậc Mầm non, trẻ được dạy cách cầm bút, tư thế ngồi, lia nét bút đúng, biết cảm nhận sự vật hiện tượng… có kỹ năng tốt sẽ giúp các em nhận biết tốt. Vấn đề quan trọng ở đây là dạy - học thế nào cho vừa sức của trẻ mầm non? Vừa sức ở đây không có nghĩa là tạo sự phù hợp với khả năng hiện có, mà phải hướng khả năng để trẻ có thể đạt được, đánh thức tiềm năng của trẻ”.

 

Chuyên đề “Làm quen văn học – chữ viết” trong trường mầm non là một giải pháp giúp trẻ phát triển ngôn ngữ, trí tưởng tượng, đồng thời giáo dục trẻ trong việc diễn đạt ngôn ngữ một cách mạch lạc rõ ràng, hình thành cho các em những phẩm chất đạo đức cũng như kiến thức sơ đẳng để các em có một tâm trí tốt chuẩn bị vào lớp 1. Song các em tiếp thu bài như thế nào, học tập được những gì phụ thuộc rất nhiều vào mỗi giáo viên. Bởi cho đến nay, kinh phí dành để mua sắm đồ dùng dạy học ở bậc mầm non rất hạn chế, vậy nên việc tự làm đồ dùng dạy học cần được gắn liền với vai trò và nhiệm vụ của các cô nuôi dạy trẻ.

MẠNH THÚY

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek