Thứ Bảy, 05/10/2024 06:17 SA
Đổi mới cách dạy với học sinh dân tộc thiểu số:
Tùy vào sự năng động của giáo viên
Chủ Nhật, 15/04/2007 08:00 SA

Sở Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) Phú Yên vừa tổ chức Hội giảng giáo viên dạy giỏi các trường phổ thông dân tộc nội trú huyện và THCS cụm xã với sự tham gia của 40 giáo viên. Mỗi người mỗi cách thể hiện năng lực nghề nghiệp và kỹ năng sư phạm khác nhau, đã góp phần đem lại hiệu quả thiết thực trong việc đổi mới cách dạy đối với học sinh dân tộc thiểu số (DTTS).

 

070414-co.jpg

Dạy học bằng giáo án điện tử sẽ kích thích học sinh tham gia học tâïp – Ảnh: THÚY HẰNG

 

HỌC TRỰC QUAN NHỚ LÂU HƠN

 

Để có một giáo án điện tử tham gia hội giảng, cô giáo Phan Thị Thanh Trâm, giáo viên dạy Địa lý Trường phổ thông Dân tộc nội trú huyện Sông Hinh mất gần một tháng chuẩn bị. Lần đầu tiên dạy giáo án này, cô Trâm rất căng thẳng. Bài học “Đặc điểm địa hình Việt Nam” được mở đầu bằng những hình ảnh minh hoạ về địa hình miền núi thông qua các bức ảnh đàn bò, cây cà phê, đèo dốc chập chùng… Có hình ảnh cô không phải nói nhiều mà chỉ gợi ý để học sinh nhận biết rồi tham gia phát biểu. Được nhìn, được nghe và kết hợp sách giáo khoa, nhiều học sinh đã có thể thuộc được nội dung bài học ngay tại lớp.

 

Cũng như cô Trâm, bài giảng “Hạt kín – Đặc điểm của thực vật hạt kín” môn Sinh học của cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Trúc, Trường THCS Đinh Núp (huyện Đồng Xuân) sinh động hẳn lên khi học sinh được tiếp cận với cách dạy học bằng bảng phụ và mẫu vật thật. Cô Trúc đã dùng cây lúa, cây cà chua, cây ổi, cây dưa chuột để học sinh quan sát phân loại dạng thân, rễ, kiểu lá, gân lá, môi trường sống. Ngoài ra, để kích thích khả năng tự học của các em, cô chia lớp thành 4 tổ, mỗi tổ có một bảng phụ để làm bài tập. Khi bài tập được giải xong, các tổ góp ý lẫn nhau, bài học cứ thế nhẹ nhàng ghi vào “bộ nhớ” của học sinh. Em Nay Y Vân cho biết: “Cô giáo nói, tụi em nghe sẽ quên. Còn nhìn mẫu vật thật, chúng em suy nghĩ rồi nói điều mình biết nên nhớ lâu hơn”. Hầu hết học sinh đều cho rằng, các em thích được học theo cách thầy cô giáo khơi gợi, các em tự trả lời; nếu trả lời sai, giáo viên giúp bổ sung. Phương pháp đó đã kích thích được tính tự học của học sinh.

 

SÁCH NÓI SAO, TRẢ LỜI VẬY!

 

Cái khó của học sinh DTTS là các em rất thụ động trong học tập. Vì vậy, quá trình truyền đạt của giáo viên ở trên lớp là rất quan trọng. Tuy nhiên, vấn đề này không phải giáo viên nào cũng làm được. Một giáo viên cho biết: “So với chương trình cũ, nội dung chương trình sách giáo khoa mới hiện nay rất phong phú, đòi hỏi học sinh phải phát huy tính tự học mới đem lại hiệu quả. Tuy nhiên, do đặc thù là học sinh DTTS nên giờ học diễn ra rất chậm và không tránh khỏi trường hợp… “cháy” giáo án. Chính vì áp lực chạy theo chương trình của giáo viên mà không ít học sinh đã không theo kịp lời giảng của thầy cô giáo”.

 

 Giáo viên chạy theo chương trình, học sinh rụt rè không dám trao đổi những điều mình chưa hiểu nên những tiết học cứ thế trôi qua và hậu quả mà ngành giáo dục đang phải đối mặt hiện nay, đó là tình trạng học sinh “ngồi nhầm lớp” trong học sinh DTTS là khá phổ biến. Một cô giáo dạy Lịch sử ở huyện Sông Hinh tỏ ra rất buồn khi các câu hỏi dùng để kết lại bài giảng về “Khởi nghĩa Lý Bí – Nước Vạn Xuân (542 – 602)” rất  ít học sinh trả lời được. Sở dĩ tiết giảng của cô chưa thu hút được học sinh là do đây chỉ là tiết giảng bình thường, thiếu sự minh hoạ, dẫn chứng. Học sinh hoàn toàn bị động với lượng kiến thức mà cô truyền đạt, các em chỉ biết “sách nói sao, trả lời vậy”.

 

CẦN THỰC SỰ ĐỔI MỚI CÁCH DẠY VÀ HỌC

 

40 tiết tham gia hội giảng cơ bản đảm bảo được nội dung chương trình mà bậc THCS đang triển khai. Nhưng không phải như vậy là đã khẳng định việc đổi mới phương pháp dạy học đối với học sinh DTTS có một chuyển biến thực sự và đạt được yêu cầu như mong muốn. Nhiều giáo viên cho biết: Phần lớn các giờ dạy tham gia hội giảng mới chỉ mang tính chất trình diễn. Thực tế dạy học ở các trường PTDTNT và bán trú hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu vẫn là dạy chay, học chay chưa hề có chuyện dạy học bằng giáo án điện tử.

 

Quả thật, nhìn vào chất lượng giáo dục ở vùng thuận lợi, chúng ta có thể yên tâm về kết quả đạt được. Nhưng khi nhìn vào “bức tranh” chất lượng giáo dục miền núi và đối tượng học sinh là người DTTS, thì đây thực sự là điều rất đáng lo. Hiệu quả giáo dục của tiểu học chỉ đạt 50%, còn bậc THCS, học sinh có học lực yếu kém chiếm gần 30%. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, bên cạnh điều kiện kinh tế xã hội, môi trường học tập còn nhiều khó khăn, một nguyên nhân khác hết sức quan trọng đó là giáo viên nơi đây chưa thực sự đổi mới trong cách dạy và học. Không ít giáo viên, khi soạn bài thì soạn theo yêu cầu đổi mới, nhưng khi thực giảng thì vẫn theo phương pháp cũ, và ngại sử dụng đồ dùng dạy học.

 

MẠNH THUÝ

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek