Chủ Nhật, 06/10/2024 05:43 SA
Giáo viên đi... rèn chữ
Thứ Hai, 16/01/2006 08:34 SA

18 giáo viên tiểu học tham gia lớp học này để… rèn chữ viết. Họ là những người có chữ viết đẹp thuộc hàng “top” của ngành giáo dục huyện Phú Hòa. Song họ muốn có được chữ viết đẹp hơn.

 

VÌ MUỐN CHỮ ĐẸP HƠN

 

Lớp học tĩnh lặng và nghiêm túc. Mọi người cắm cúi nắn nót từng con chữ. Chữ viết mà các “trò” này học là kiểu chữ truyền thống, khá mềm mại với những thanh đậm, thanh nhạt. Tất cả đều bắt đầu bài học vỡ lòng bằng việc viết từng con chữ cái. Sau đó là những buổi học kỹ thuật viết nối, kỹ thuật lia bút, viết chữ hoa. Ngay như việc lia bút cũng là cả một sự dày công: lia sao cho đều, mềm mại, không đứt khúc, khoảng cách các con chữ phải thích hợp chứ không được cách xa như khi viết nhấc bút.

 

Cô giáo học viết chữ đẹp - Ảnh: T. Hoàng

 

Nhìn các học viên hăng say rèn từng chữ, chúng tôi cảm nhận như thời gian trở nên chậm lại, không khí xô bồ của đời sống phải tạm ngưng nhường chỗ cho những người yêu cái đẹp của chữ nghĩa.

 

Dù tuổi đã ngoài 50 nhưng cô Phạm Thị Xuân Lan, giáo viên trường tiểu học Hòa Thắng 2, vẫn say sưa luyện chữ. Cô tâm sự: “Khi rèn chữ thì mình phải biết chịu khó mới thành công được. Trước đây, tôi viết cũng không đến nỗi tồi, nhưng viết thế nào cho đúng, cho đẹp, cho liền nét thì vẫn chưa rành lắm. Giờ thì chữ viết của tôi đã đẹp hơn trước nhiều!”.

 

ĐƯA MẪU CHỮ TRUYỀN THỐNG VÀO ĐẠI TRÀ

 

Có một thực tế là năm nào, các đơn vị trường học cũng phát động phong trào “Vở sạch, chữ đẹp” nhưng kết quả thu được không như mong muốn. Chữ viết của nhiều học sinh vừa xấu lại vừa láu; thậm chí có em mới viết xong bảo đọc lại đã không đọc được.

 

Điều đáng quan tâm là sau thời gian tập viết, bước sang thời kỳ tự viết, hầu như học sinh được thả nổi dẫn đến viết ẩu, viết cẩu thả, mất nét hay dính nét tạo thành thói quen. Ở các lớp học cấp cao hơn thì tình trạng này diễn ra nhiều hơn. Điều đáng trách là một bộ phận giáo viên vẫn không mặn mà với việc rèn chữ cho học trò và cả cho chính bản thân mình.

 

Chính vì vậy, việc mở lớp rèn chữ viết cho giáo viên tiểu học của Phòng Giáo dục huyện Phú Hòa là việc làm đầy ý nghĩa. Giáo dục tiểu học là môi trường đầu tiên hình thành thói quen chữ viết cho học sinh. Một khi việc dạy viết chữ ở bậc học này được quan tâm đúng mức thì sẽ tạo nên những thế hệ viết chữ đẹp. Không chỉ có thế, nét chữ chính là nết người, việc rèn chữ sẽ giúp các em thói quen cẩn thận, chu đáo, góp phần hình thành nhân cách cho các em sau này.

 

Những giáo viên học chữ trong lớp học đặc biệt này sẽ trở thành lực lượng cốt cán của ngành giáo dục huyện Phú Hòa, truyền đạt lại kỹ thuật viết chữ cho các đồng nghiệp và các em học sinh.

 

Dù có những khó khăn bước đầu, song ai cũng công nhận ưu thế của mẫu chữ viết này. Cô Trương Thị Hoàng Lê, giáo viên Trường tiểu học Hòa An 2, cho biết: “Tôi đã dạy viết chữ cho các học sinh lớp 5 được 2 buổi và nhận thấy các em thích thú kiểu chữ viết này lắm. Tôi tin là việc đưa mẫu chữ truyền thống vào dạy đại trà sẽ thành công. Trong những cuộc họp chuyên môn, tôi sẽ dành thời gian để truyền đạt lại phương pháp viễt chữ này cho các đồng nghiệp trong trường”.

 

Anh Lê Chí Lộc, giáo viên Trường tiểu học Hòa Định Đông thoáng chút băn khoăn: “Tôi nghĩ chữ viết có cái lợi lớn là rèn cho các em tính nhẫn nại, chu đáo. Song cái khó lớn nhất hiện nay là các em học sinh đã quá quen thuộc với kiểu viết đứng, giờ tập các em viết theo kiểu nét chữ nghiêng truyền thống chắc cũng khó có kết quả ngay mà phải tập dần dần”.

 

THAY LỜI KẾT

 

Khi được hỏi nguyên nhân mở lớp học chữ này, ông Trần Quang Thái, Phó trưởng Phòng Giáo dục huyện Phú Hòa, nói: “Lâu nay, chúng ta chưa thật sự chú trọng việc rèn chữ viết cho các em học sinh, ngay cả các thầy cô giáo cũng vậy. Thêm vào đó, một thực tế là chữ viết của các em học sinh rất xấu chữ viết của một số giáo viên cũng rất xấu. Vì vậy, chúng tôi muốn đưa mẫu chữ viết này vào các đơn vị trường học, bước đầu là bậc tiểu học. Sau này, chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng cho cả giáo dục THCS, mầm non”.

 

Phong trào “Vở sạch, chữ đẹp” chúng ta đã phát động từ lâu, tuy nhiên cần phải được chú trọng đến tính hiệu quả của nó. Việc làm thiết thực của ngành giáo dục huyện Phú Hòa cần được nhân rộng.

 

THANH HOÀNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek