Thứ Ba, 15/10/2024 23:26 CH
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII:
Ưu tiên đầu tư vùng khó khăn, án kinh tế còn “treo” nhiều
Thứ Bảy, 15/06/2013 07:00 SA

Sáng 14/6, Quốc hội làm việc tại hội trường, tiếp tục trả lời chất vấn của các ĐBQH, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Phạm Thị Hải Chuyền đã làm rõ các vấn đề liên quan đến việc giải quyết chế độ chính sách đối với những đối tượng không còn hồ sơ gốc; việc xây dựng chính sách đối với thanh niên xung phong; biện pháp rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, miền...

 

nhb130615.jpg
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn trước Quốc hội

Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Đắc Lâm về giải pháp tháo gỡ cho việc quy tập hài cốt liệt sĩ, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, gần đây có hiện tượng thông qua các nhà ngoại cảm, thân nhân đưa hài cốt liệt sĩ về nhưng không đúng với liệt sĩ đó.

 

Vì vậy, Chính phủ quy định việc xác định hài cốt liệt sĩ giao cho Bộ LĐ-TB-XH triển khai. Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền khuyên các thân nhân liệt sĩ nên thông qua cơ quan có thẩm quyền là Bộ Quốc phòng để tìm hài cốt liệt sĩ. Với các trường hợp gia đình đã đưa hài cốt liệt sĩ về nhưng không đúng thân nhân của mình thì cho phép đặt vào nghĩa trang nhưng không khắc bia. Để bảo đảm chắc chắn, thân nhân liệt sĩ nên phối hợp với các cơ quan quốc phòng ở địa phương để thực hiện, với phương pháp xác định ADN, kinh phí do Bộ Quốc phòng chi trả.

 

Đối với việc giải quyết chế độ chính sách cho những đối tượng người có công bị mất hồ sơ gốc, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng, trước đây do chiến tranh kéo dài nên thực hiện giải pháp phải có hai người chứng nhận, dẫn đến điều kiện gian lận nhiều. Do vậy, quy định này đã được điều chỉnh lại theo hướng căn cứ vào các tài liệu có tham gia kháng chiến mới được xác nhận. Những trường hợp không còn hồ sơ gốc vẫn phải được giải quyết. Bộ LĐ-TB-XH đã giao Sở LĐ-TB-XH và chính quyền địa phương xác nhận, xem xét từng trường hợp một. “Những người không có hồ sơ gốc vẫn có cơ hội, Nhà nước vẫn có trách nhiệm xác định, có tham gia kháng chiến, thì được hưởng chính sách” - Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nhấn mạnh.

 

GIẢI PHÁP RÚT NGẮN KHOẢNG CÁCH GIÀU - NGHÈO

 

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trương Minh Hoàng về sáng kiến của Bộ LĐ-TB-XH trong việc rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa các đối tượng, vùng miền trong xã hội, đặc biệt là tại 3 vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền thừa nhận đúng là trong thực trạng hiện nay do điều kiện kinh tế mỗi vùng khác nhau, đặc biệt là điều kiện tự nhiên của vùng sâu, vùng xa rất khó khăn, cơ sở hạ tầng thấp, điều kiện để người dân tiếp cận các dịch vụ phát triển còn hạn chế, vì vậy đời sống của người dân còn khó khăn; tỉ lệ hộ nghèo tại 3 vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ còn rất nhiều chênh lệch.

 

Đề giảm nhanh khoảng cách chênh lệch giữa các vùng trên, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng cần tích cực thực hiện các giải pháp giảm nghèo đã có. Chính phủ cũng đã ưu tiên các vùng khó khăn, bằng cách bố trí hàng nghìn tỉ đồng, đầu tư cơ sở hạ tầng cho 62 huyện nghèo giúp người nghèo ở khu vực này. Vừa qua, Chính phủ đã đồng ý với ý kiến đề xuất của Bộ LĐ-TB-XH về việc bổ sung 23 huyện khó khăn gần như 62 huyện nghèo để được hỗ trợ 70% mức đối với hộ nghèo về cơ sở hạ tầng. Do khả năng ngân sách không nhiều nên Chính phủ chỉ có thể dành một khoản tạm ứng để giải quyết vấn đề trước mắt.

 

ÁN KINH TẾ CÒN “TREO” NHIỀU

 

Sau Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Phạm Thị Hải Chuyền, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn trước Quốc hội. Đại biểu Đỗ Thị Hoàng cho rằng việc phát hiện và xử lý vụ án về chức vụ tham nhũng và kinh tế chưa tốt, án “treo” nhiều, gây hoài nghi về tính nghiêm minh của pháp luật, vậy ngành có biện pháp gì để chấn chỉnh? Đồng tình với đánh giá của đại biểu Hoàng, Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình thừa nhận, “quả thực án kinh tế nhiều và xử “treo” thì cũng nhiều, tạo ra suy nghĩ là chưa quyết tâm chống tội phạm kinh tế”. Con số cụ thể được ông Bình cập nhật đến thời điểm này, tỉ lệ án treo với tội phạm kinh tế và tham nhũng là 30%, cao hơn các loại khác đang ở mức 21%. “Đúng là có cao hơn”, ông Bình khẳng định.

 

Với án tham nhũng, mặc dù cũng thừa nhận là số lượng án treo cao, song ông Nguyễn Hòa Bình thể hiện sự thống nhất với khẳng định của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao khi trả lời trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội là tất cả các vụ được xử án “treo” đã vận dụng pháp luật đúng. “Chúng tôi cũng có kháng nghị 39 trường hợp án “treo” do cấp dưới xử, tòa chấp nhận 26 trường hợp, còn lại đang xem xét”, ông Bình trả lời.

 

Vẫn theo Viện trưởng, theo quy định của luật thì án tham nhũng có nhiều tình tiết có thể vận dụng xử nhẹ dưới khung. Nhưng, “chúng tôi chỉ đạo hai tình tiết không được vận dụng là có nhân thân tốt và phạm tội lần đầu. Với tham nhũng thì không có trường hợp tham nhũng rồi phạm tội lại tiếp tục làm lãnh đạo để tham nhũng tiếp nên không vận dụng tình tiết phạm tội lần đầu”.

 

Vẫn về án tham nhũng và kinh tế, trả lời chất vấn của đại biểu về tiến độ nhiều vụ chậm trễ, Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình nêu một trong những nguyên nhân là rất nhiều vụ phải phụ thuộc vào giám định tài chính, công trình xây dựng… mà việc đó thì rất khó khăn. “Đây cũng là loại án phức tạp, thủ đoạn tinh vi, tuy nhiên kéo dài cũng là không nên”, ông Bình đáp.

 

Được mời nói thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cũng đề cập nguyên nhân tiến độ án tham nhũng, kinh tế kéo dài, bởi lẽ đối tượng có chức vụ quyền hạn có nhiều thủ đoạn che giấu, xóa chứng cứ. Bên cạnh việc phát hiện chậm nên khó khăn trong thu thập chứng cứ, thì giám định cũng kéo dài và chi phí khá lớn, trong khi một số cơ quan trưng cầu giám định cũng có biểu hiện né tránh.

 

Liên quan đến hình thức thi hành án tử hình, Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình cho biết sẽ đề nghị sửa luật theo hướng cho phép hai hình thức song song: vừa xử bắn, vừa tiêm. Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cũng cho hay đã khẩn trương triển khai hình thức tiêm thuốc độc và xây dựng 5 cơ sở để thi hành. Nhưng có điều khó khăn là chưa có thuốc độc để thi hành án vì phải nhập ở nước ngoài. Bộ đã kiến nghị Chính phủ quyết định thay thuốc sản xuất trong nước sẽ có hiệu lực từ ngày 27/6/2013, sau đó sẽ tiến hành ngay việc thi hành bằng tiêm thuốc độc…

 

Q.THUẦN (tổng hợp)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek