Đại biểu Đỗ Duy Vinh - Giám đốc Sở Tài chính: SẼ KHÔNG BỔ SUNG THÊM KINH PHÍ CHO GIÁO DỤC, Y TẾ.
Giáo dục và Y tế là hai ngành được Nhà nước cho biên chế và ngân sách lớn nhất. Riêng Giáo dục có gần 12.000 người, chiếm 51% ngân sách chi thường xuyên của tỉnh. Với cách phân bổ như vậy, hàng năm Sở Tài chính rã kinh phí phân cho từng ngành đảm bảo theo quy định. Chiếu theo các quy định của Nhà nước về phân bổ ngân sách thì Nhà nước không để các ngành thiếu kinh phí, vấn đề là các đơn vị tự cân đối ngân sách. Chuyện nợ tiền lương giáo viên là có thật, tuy nhiên đã phân cấp tài chính rõ ràng, ở huyện nào thì Chủ tịch huyện đó phải chịu trách nhiệm, những đơn vị trực thuộc Sở GD – ĐT thì Giám đốc Sở GD – ĐT chịu trách nhiệm. Sắp tới ngành GD – ĐT đề nghị tăng thêm 196 biên chế, như vậy phải chi khoảng 10,5 tỷ /năm, phần này Trung ương có cân đối riêng. Nhưng ở cấp huyện nếu có tăng biên chế thì phải tự trích ngân sách huyện chi trả.
Ông Đỗ Duy Vinh
Riêng ngành Y tế, hiện nay đã phân bổ xong kinh phí năm 2007. Vì thế, nếu được HĐND thông qua đề án tăng biên chế thì Giám đốc Sở Y tế cũng phải tự cân đối gói gọn trong số ngân sách phân bổ, không bổ sung thêm.
Đại biểu Trần Văn Tý – Giám đốc Sở Y tế: NGÀNH Y TẾ ĐANG KHỦNG HOẢNG TRẦM TRỌNG BIÊN CHẾ
Hiện nay tổng biên chế toàn ngành Y tế là 1.465, nếu so với quy định chuẩn của Nhà nước tại Nghị quyết 15 – CP năm 1975 thì còn thiếu 295 biên chế cứng (đúng với số mà đề án trình tại HĐND), chưa nói việc hợp đồng thêm để phục vụ công việc. Thế nhưng, đã từ nhiều năm nay, ngành phải “gồng” mình lên tự cân đối kinh phí chi thường xuyên để hợp đồng công việc. Riêng Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh một năm phải hợp đồng ngắn hạn (3 tháng) 180 người mới có thể hoạt động được. Trong khi đó, nhu cầu khám. chữa bệnh của nhân dân ngày càng nhiều và đòi hỏi phải nâng cao về chất lượng dịch vụ.
Ông Trần Văn Tý
Trong khả năng của ngành, hiện chúng tôi đang xây dựng kế hoạch và liên hệ với trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh và Đại học Khoa học Huế tiến hành mở lớp đào tạo bác sĩ chuyên khoa I, bác sĩ tuyến xã (50 người), 30 cử nhân điều dưỡng để góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân.
Đại biểu Trương Phước Cường - Bí thư Huyện ủy Sơn Hòa: TĂNG BIÊN CHẾ PHẢI SONG HÀNH VỚI CÂN ĐỐI TÀI CHÍNH
Tôi rất đồng tình với đề án tăng biên chế sự nghiệp Giáo dục và Y tế. Đây là hai “cỗ máy” lớn có tầm ảnh hưởng quan trọng, cho sự phát triển chung của xã hội. Hiện tại địa bàn Sơn Hoà vẫn đang thiếu định biên giáo viên.
Ông Trương Phước Cường
Bên cạnh đó, việc xem xét kinh phí phụ cấp cho cán bộ thôn, buôn, khu phố hiện nay là rất bức xúc và hoàn toàn chính đáng. Ở cấp thôn, buôn, khu phố không phải là đơn vị hành chính nhưng cần có bộ máy để hoạt động. Hoạt động hiệu quả thì nhất định phải gắn giữa quyền lợi và trách nhiệm. Cũng nói thêm, nếu HĐND kỳ này ra Nghị quyết về phụ cấp cho các Trưởng ban công tác Mặt trận thôn, buôn, khu phố thì phải cân đối ngân sách của tỉnh cho địa phương, vì ngân sách huyện không thể gánh nổi.
TRẦN QUỚI – NGUYÊN LƯU (thực hiện)