Thứ Năm, 28/11/2024 19:44 CH
Huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế ổn định
Thứ Tư, 13/12/2006 07:54 SA

Ngay trong ngày làm việc đầu tiên tại kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa V, các đại biểu HĐND tỉnh quan tâm đến việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2006 cũng như các giải pháp, chương trình phát triển kinh tế trọng điểm trong năm 2007.

 

TỐC ĐỘ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ VƯỢT KẾ HOẠCH NHƯNG CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ CHƯA CAO

 

Qua báo cáo tình hình phát triển kinh tế – xã hội năm 2006 của UBND tỉnh, Ban kinh tế và ngân sách HĐNĐ tỉnh và các đại biểu nhận định: tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2006 dự kiến 11,6% (vượt 0,1% so với cận dưới của kế hoạch năm), cho thấy nền kinh tế Phú Yên phát triển theo chiều hướng tích cực, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng nhưng còn chậm. Lĩnh vực nông – lâm – ngư nghiệp phát triển chưa vững chắc, không đạt kế hoạch đề ra của năm 2006. Hiệu quả của hoạt động khoa học công nghệ trong lĩnh vực sản xuất thời gian qua còn hạn chế, chưa trở thành động lực, thúc đẩy tạo chuyển biến mạnh mẽ trong kinh tế về mặt năng suất, sản lượng, hiệu quả. Do vậy, chất lượng sản phẩm hàng hóa còn thấp, rất khó cạnh tranh trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.

 

061213-dai-bieu.jpg

Các đồng chí lão thành cách mạng dự khai mạc kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh khóa V – Ảnh: N.LƯU

 

Báo cáo của UBND tỉnh cho biết giá trị gia tăng của ngành công nghiệp – xây dựng trong năm 2006 có mức tăng trưởng khá. Tuy nhiên, vẫn chưa hình thành được một số ngành công nghiệp có tính mũi nhọn để thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển; giá trị sản xuất công nghiệp có nhiều lợi thế như chế biến thủy sản xuất khẩu, đường kết tinh… đạt thấp. Tốc độ tăng giá trị các ngành dịch vụ tăng 52% so với cùng kỳ, song vẫn còn bỏ “trắng” về hoạt động du lịch, chưa đầu tư khai thác hết tiềm năng về tài nguyên du lịch…

 

Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, song song với những cơ hội cũng đặt ra nhiều thách thức cho nền kinh tế. Do vậy, cùng với cả nước, trong năm 2007 và những năm tiếp theo tỉnh Phú Yên khẩn trương xác định chương trình hành động cụ thể trong từng ngành, từng lĩnh vực, trên cơ sở đó, chọn và đầu tư những khâu có lợi thế, tiềm năng, nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế và năng lực cạnh tranh đảm bảo lâu dài và bền vững. Đặc biệt, chú trọng phát triển công nghiệp chế biến, chuyển dịch cây trồng và đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp nhằm tăng giá trị thu được trên một đơn vị diện tích. Tỉnh tập trung phát triển dịch vụ, du lịch, từng bước đưa ngành dịch vụ, du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

 

ĐẦU TƯ ĐA DẠNG NHƯNG NĂNG LỰC KHAI THÁC THẤP

 

Báo cáo của UBND tỉnh nhận định: công tác quản lý đầu tư, xây dựng của Phú Yên đã có tiến bộ, huy động các nguồn vốn đầu tư phát triển ngày càng đa dạng, công tác phân bổ và sử dụng vốn đầu tư có tập trung hơn. Tuy nhiên, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2006 chưa đạt kế hoạch đề ra (ước đạt 2.985 tỷ đồng, bằng 96,3% kế hoạch năm). Các đại biểu bày tỏ bức xúc về việc chấp hành kỷ luật trong đầu tư chưa nghiêm, hiệu quả đầu tư chưa được cải thiện rõ rệt, nhiều dự án thi công kéo dài, chậm hoàn thành… Một số công trình đã đầu tư nhưng sử dụng không hiệu quả, năng lực khai thác thấp.

 

Nguyên nhân của thực trạng trên, ngoài tính khách quan, nguyên nhân chủ quan vẫn là chính. Đó là việc giải quyết thủ tục đầu tư quá nhiêu khê, phê duyệt dự án kéo dài, buông lỏng công tác quản lý chất lượng công trình. Trong khi đó trình độ và năng lực của chủ đầu tư, đơn vị thi công và tư vấn không đáp ứng yêu cầu, dẫn đến một số dự án gây thất thoát, lãng phí và không đảm bảo chất lượng, gây nên sự bất bình và làm giảm sút lòng tin trong cán bộ và nhân dân. Qua giám sát của HĐND tỉnh và thanh kiểm tra một số dự án công trình đều phát hiện sai phạm, chứng tỏ thực trạng vi phạm pháp luật trong đầu tư xây dựng cơ bản là đáng báo động! Đặc biệt, việc miễn giảm tiền sử dụng đất không đúng quy định và những sai phạm liên quan khác tại hai dự án khu phố mới Hùng Vương I và khu dân cư phố mới đã gây tổn thất lớn cho ngân sách nhà nước… HĐND tỉnh thống nhất với đánh giá của UBND tỉnh về những tồn tại, yếu kém trong quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện đầu tư là do “công tác triển khai khắc phục còn chậm, chưa có sự chuyển biến rõ nét”!

 

Ngoài việc tập trung quản lý, quy hoạch, phát triển đầu tư xây dựng cơ bản, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình xây dựng, trong năm 2007 UBND tỉnh cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, củng cố tổ chức, xử lý nghiêm trách nhiệm đối với các cá nhân và người đứng đầu cơ quan, tổ chức khi không hoàn thành nhiệm vụ được giao hoặc vi phạm pháp luật.

 

CẦN CÂN ĐỐI THU, CHI NGÂN SÁCH ĐẢM BẢO THEO DỰ TOÁN

 

Theo báo cáo của UBND tỉnh Phú Yên, thu ngân sách dự kiến vượt kế hoạch dự toán HĐND tỉnh giao, nhưng thu trong cân đối vẫn không đảm bảo theo dự toán. Vì nếu loại trừ các khoản thu có tăng nhưng điều tiết 100% cho ngân sách TW là 76,5 tỷ đồng, thì ngân sách địa phương mất cân đối là 47,2 tỷ đồng. Trong đó phần ngân sách tỉnh mất cân đối từ hụt thu tiền sử dụng đất dự kiến là 35 tỷ đồng, điều này dẫn đến ngân sách tỉnh sẽ tiếp tục khó khăn trong thực hiện dự toán chi đầu tư phát triển và nợ trong xây dựng cơ bản tiếp tục gia tăng. Hiện tổng số ngân sách nợ trong đầu tư và xây dựng lên đến 816 tỷ đồng, đây là con số đáng báo động, cần có giải pháp tháo gỡ trong những năm tới!

 

NGUYÊN LƯU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek