Thứ Sáu, 29/11/2024 01:32 SA
Làng Vạn Phúc – nơi Hồ Chủ tịch viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến
Thứ Sáu, 08/12/2006 14:49 CH

Chúng tôi về làng Vạn Phúc vào một ngày cuối năm 2000. Các đồng nghiệp ở Báo Hà Tây đưa chúng tôi đến thăm di tích lịch sử nơi Hồ Chủ tịch viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.

 

Đó là một ngôi nhà xây nằm giữa vườn cây xanh mát. Người thuyết minh ở di tích cho hay: Đây là nhà của ông Nguyễn Văn Dương. Trước đây, gia đình ông có 1 ngôi nhà chính và 4 ngôi nhà phụ: nhà ở, nhà dệt, nhà bếp, nhà hồ sợi. Ngôi nhà chính này là nhà hai tầng, mỗi tầng có 4 gian. Khi Bác Hồ về đây ở tầng trên, tầng dưới chủ nhà vẫn ở bình thường.

 

 

061208-noi-viet.jpg

Phóng viên Báo Phú Yên bên chiếc bàn nơi Bác Hồ đã ngồi viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến tại làng Vạn Phúc (thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây)

 

Ông Dương là tiểu chủ nghề dệt, người đã từng đọc báo chí công khai của Đảng từ thời kỳ 1936-1939, có tư tưởng tiến bộ. Nhà ông từng là nơi qua lại hoạt động của các đồng chí Hoàng Quốc Việt, Hoàng Văn Thụ.

 

Việc chọn nơi Hồ Chủ tịch tạm ở và làm việc, trong tình hình quân Pháp đã đánh chiếm Hải Phòng và uy hiếp Hà Nội, là công việc bí mật vô cùng quan trọng. Đồng chí Trần Đăng Ninh, Trưởng ban công tác Đội Trung ương được giao nhiệm vụ này, đã xem xét các cơ sở Đảng từng ở trước Cách mạng Tháng Tám quanh Hà Nội và nghĩ ngay đến Vạn Phúc, nơi nhiều đồng chí trong Trung ương và Xứ ủy Bắc Kỳ đã từng sống, làm việc. Đây cũng là nơi thuận tiện, khi cần có thể di chuyển tới nhiều miền thuộc đồng bằng sông Hồng, Tây Bắc, Việt Bắc…

 

Theo tài liệu của Bảo tàng Cách mạng Việt Nam: Vào tối ngày 3/12/1946, một chiếc xe con màu đen mang nhãn hiệu xi-tơ-rô-en đi vào Trụ sở Ủy ban hành chính tỉnh Hà Đông. Xe dừng lại ở đó. Năm người trên xe bước xuống, tất cả lặng lẽ ra phía cổng sau, qua cầu Am rẽ vào Vạn Phúc. Người đi giữa trang phục giống hệt những người cùng đi, đầu đội mũ cát, chân đi giày vải, khoác áo dạ dài, có khăn mùi xoa che miệng. Người đó là Bác Hồ, Bác đã không để lộ chòm râu.

 

Tới nơi, đồng chí Trần Đăng Ninh vào trước. Sau khi nói chuyện với chủ nhà, đồng chí Ninh quay ra đón Bác và đưa Bác lên tầng hai.

 

Lúc này, dân làng dệt đã lên đèn. Nhiều gia đình có thêm đồng bào ở Hà Nội về tản cư. Đình làng vẫn có xưởng quân giới. Các đầu làng, dân quân cầm súng hoặc mã tấu đứng gác. Sự kiện lớn lao đi vào lịch sử đất nước đến với Vạn Phúc  nhưng cả làng không ai hay biết. Ngay cả chủ nhà cũng không biết “Phủ Chủ tịch” của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã chuyển đến ngôi nhà của mình. Ở nơi đây chính những ngày này, Hồ Chủ tịch thảo Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.

 

Ngày 17 và 18/12/1946, tại căn nhà Bác ở, đã diễn ra sự kiện lịch sử: Hội nghị thường vụ Trung ương Đảng họp dưới sự chủ tọa của Hồ Chủ tịch. Đây là thời điểm Pháp gửi tối hậu thư cho Chính phủ ta. Chúng đòi tước vũ khí tự vệ Hà Nội, đòi ta đình chỉ mọi hoạt động chuẩn bị kháng chiến, đòi trao quyền kiểm soát an ninh trong thành phố cho quân đội Pháp vào ngày 20/12.

 

Trưa 19/12/1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã điện cho các mặt trận, các chiến khu, nói rõ Chính phủ ta đã bác bỏ tối hậu thư của Pháp. Như vậy, chỉ trong vòng 24 giờ nữa là cùng, chắc chắn giặc Pháp sẽ nổ súng. Chỉ thị của Trung ương: “Tất cả hãy sẵn sàng”. Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến Hồ Chủ tịch viết đã có hiệu lực.

 

Chiều hôm đó, những người giúp việc Bác được lệnh chuẩn bị rời địa điểm. Tối 19/12, trước lúc lên đường, Hồ Chủ tịch đã gặp cám ơn gia đình chủ nhà. Bác khuyên ông Dương “gia đình ta có bát ăn, bát để nên tích cực ủng hộ kháng chiến”. Người nói: “Kháng chiến nhất định thắng lợi, còn thắng nhanh hay thắng chậm là do ta. Nếu nhân dân ta, ai cũng đồng lòng gắng sức thì dù giặc Pháp có mạnh đến mấy, chúng cũng phải thua”.

 

Trong buổi làm việc với lãnh đạo địa phương xã Vạn Phúc, chúng tôi được biết: Vạn Phúc là một trong những cơ sở cách mạng nằm trong an toàn khu (ATK) của xứ ủy Bắc Kỳ. Dân làng đã đón và nuôi giấu, bảo vệ hơn 70 cán bộ quan trọng của Đảng đến ở và làm việc. Người Vạn Phúc một lòng đi theo Đảng, cùng toàn dân tộc làm nên chín năm kháng chiến thần kỳ đánh thắng thực dân Pháp xâm lược. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hàng ngàn con em Vạn Phúc đã lên đường ra trận, trong số đó, 118 người con ưu tú đã vĩnh viễn không trở về; 53 gia đình được Nhà nước công nhận là cơ sở cách mạng, 73 gia đình cơ sở kháng chiến… Chính những đóng góp của người dân Vạn Phúc, nên đây là địa phương đầu tiên của tỉnh Hà Tây được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang thời kỳ chống Pháp.

 

Vạn Phúc là làng lụa truyền thống lâu đời của đất lụa Hà Đông, vì thế, đây không chỉ là quê hương cách mạng, mà còn là địa chỉ du lịch nổi tiếng. Không chỉ du khách trong nước mà du khách nước ngoài coi làng lụa Vạn Phúc là một trong những điểm đến thú vị. Ngày nay, làng đã gần như phố, những ngôi nhà gạch xưa đã đổi bằng cao tầng, đường làng, ngõ xóm đã được bê tông hóa, thế nhưng, du khách thi thoảng vẫn bắt gặp những bụi tre làng, những ao sen, ao bèo… với những bậc đá cổ; vẫn thấy thấp thoáng cổng làng, cổng xóm phủ rêu phong cổ kính của làng quê xưa. Đặc biệt, ở đây còn lưu giữ những khung cửi dệt lụa ngay tại các cửa hàng. Du khách có thể ngắm nhìn những nữ nghệ nhân trẻ đứng bên khung dệt và dễ dàng chọn mua những tấm lụa dệt thủ công tinh xảo với những họa tiết phóng khoáng, mềm mại. Ở đây, tiếng thoi đưa lách cách hòa cùng tiếng máy dệt tạo nên một bản nhạc gọi mời làm say lòng những ai đã một lần đến thăm.

 

HIẾU NGỌC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek