Với đức tính khiêm tốn, Ph.Ăng-ghen chỉ coi mình là “cây vĩ cầm thứ hai” bên cạnh Mác. Song, như Lê-nin đã nhiều lần chỉ rõ rằng: học thuyết về chủ nghĩa cộng sản khoa học là công lao sáng tạo của cả Mác và Ăng-ghen. Chính hai ông là những lãnh tụ vĩ đại đã xây dựng nên học thuyết giải phóng giai cấp công nhân và nhân dân lao động thế giới.
Ph.Ăng-ghen
Trước khi gặp Mác, Ăng-ghen đã cho xuất bản những công trình nghiên cứu đầu tiên của mình “Tình cảnh giai cấp công nhân Anh” và “Góp phần phê phán chính trị – kinh tế học”, những tác phẩm được Mác đánh giá rất cao.
Cuối tháng 8 năm 1844 Ăng-ghen gặp Mác ở Pa-ris, mở đầu cho một “tình bạn vĩ đại”, gắn bó hai nhà bác học thiên tài, lãnh tụ của phong trào cộng sản và công nhân trong thế kỷ XIX. Hai ông đã viết chung cuốn “Gia đình thần thánh” và “Hệ tư tưởng Đức”. Đặc biệt là Ăng-ghen và Mác đã cùng viết một tác phẩm quan trọng “Chống Đuy-rinh” nhằm chống lại những quan điểm có tính chất cơ hội chủ nghĩa lúc bấy giờ.
Trong khi nghiên cứu lý luận Mác và Ăng-ghen đặc biệt quan tâm đi vào thực tiễn đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, góp phần động viên, cổ vũ và tổ chức phong trào công nhân các nước. Hai ông tham gia “Liên đoàn những người Cộng sản” và theo đề nghị của Đại hội liên đoàn, Mác và Ăng-ghen khởi thảo “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” (được xuất bản lần đầu tháng 2 năm 1848 tại Luân Đôn). Đây là một văn kiện có tính chất cương lĩnh đấu tranh của giai cấp vô sản toàn thế giới. Tuyên ngôn chỉ ra những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa cộng sản khoa học, là ngọn cờ dẫn đường cho giai cấp vô sản và nhân dân lao động toàn thế giới đứng dậy, tổ chức lực lượng đấu tranh giải phóng khỏi ách nô dịch và áp bức của chủ nghĩa tư bản, xây dựng xã hội mới.
Năm 1883, Các-Mác qua đời, Ăng-ghen đảm nhận trách nhiệm vẻ vang và nặng nề: lãnh đạo giai cấp vô sản quốc tế. Đồng thời, vì tình bạn cao cả, và vì sự nghiệp nghiên cứu lý luận, Ăng-ghen đã dồn công sức cho việc sắp xếp, biên tập và cho xuất bản công trình đồ sộ “Tư bản” của Mác.
Những năm cuối đời, Ăng-ghen đã kịp hoàn thành và cho công bố các tác phẩm nổi tiếng: “Nguồn gốc gia đình của chế độ tư hữu và của Nhà nước”, “Lút-vích Phơ-bách và sự cáo chung của triết học cổ điển Đức”. Ông mất năm 1895.
Ăng-ghen không chỉ là một vị lãnh tụ vĩ đại mà còn là nhà bác học uyên thâm trên nhiều lĩnh vực: triết học, kinh tế học, sử học, khoa học quân sự… Ông sử dụng hơn 20 thứ tiếng nước ngoài, dùng thành thạo 12 thứ tiếng gồm các ngôn ngữ chính trên thế giới.
Học thuyết – Mác- Ăng-ghen sau này được Lê-nin tiếp thụ và phát triển trong tình hình mới, và được gọi gọn là chủ nghĩa Mác-Lênin. Thực ra nói đến Mác không thể không nói đến Ăng-ghen, “cây vĩ cầm thứ hai” bên cạnh Mác. Trong tác phẩm lý luận đồ sộ: “Mác- Ăng-ghen toàn tập” mà nước ta đã xuất bản, chúng ta có thể thấy hàng loạt tác phẩm lớn của Ăng-ghen trình bày một cách sâu sắc những vấn đề lý luận cơ bản về triết học, kinh tế chính trị học và chủ nghĩa cộng sản khoa học.
Dưới ánh sáng của Chủ nghĩa Mác-Lênin, và Tư tưởng Hồ Chí Minh, nhân dân ta đang vững bước trên con đường mà Bác Hồ, Đảng ta đã vạch ra, từng bước giành được những thắng lợi to lớn hơn trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
BẰNG TÍN