Chủ Nhật, 29/09/2024 18:31 CH
Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XI
Quốc hội “nóng” với vấn đề xe công, nhà công
Chủ Nhật, 26/11/2006 10:05 SA

Các đại biểu Quốc hội đã đặc biệt quan tâm đến vấn đề xe công, nhà công trong buổi trả lời chất vấn của hai bộ trưởng Tài chính và Xây dựng diễn ra ngày 25/11.

 

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH: NĂM 2005 CHỈ PHÁT HIỆN 10 XE CÔNG MUA VƯỢT TIÊU CHUẨN (?)

061126-vvninh.jpg

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh - Ảnh: NLĐ

 

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh  đã nhận được câu hỏi chất vấn của 17 đại biểu Quốc hội. Những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm trong phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Vũ Văn Ninh là tình hình quản lý nhà công vụ, vấn đề thu tiền sử dụng đất khi bán nhà theo Nghị định 61, vấn đề sắp xếp, thu hồi mặt bằng, nhà xưởng thuộc sở hữu nhà nước theo quyết định 80/TTg năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ và vấn đề mua sắm, sử dụng xe công.

 

Đề cập đến những vấn đề trên, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết, thực hiện Pháp lệnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thời gian qua bên cạnh việc thực hiện kiểm soát chi tiêu qua hệ thống Kho bạc nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính đã tiến hành thanh tra công tác quản lý tài chính ngân sách đối với nhiều Bộ, ngành, địa phương.

 

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh dẫn kết quả thanh tra qua các năm cho thấy, năm 2001, Thanh tra phát hiện số xe con mua vượt tiêu chuẩn là 271 xe trị giá 31,6 tỉ đồng nhưng sang năm 2002 chỉ phát hiện con số này là 197 xe trị giá hơn 24 tỉ đồng. Đến năm 2005, thì chỉ phát hiện số mua vượt tiêu chuẩn là 10 chiếc chỉ giá hơn 1,1 tỉ đồng. Việc xử lý kết quả thanh tra, kiểm tra sử dụng xe ô tô con, Bộ Tài chính đã xử lý hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ xử lý theo thẩm quyền: Đối với ô tô con mua vượt tiêu chuẩn về mức giá phải thu hồi và giảm trừ vào kinh phí ngân sách cấp phát hàng năm, số xe vượt tiêu chuẩn, định mức thì thu hồi để điều chuyển hoặc bán nộp vào ngân sách nhà nước; Yêu cầu lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương xem xét xử lý trách nhiệm đối với lãnh đạo đơn vị có sai phạm trong các năm qua và đề nghị xử lý nghiêm khắc đối với các trường hợp tiếp tục sai phạm hoặc không có biện pháp khắc phục sai phạm.


Năm 2006, cùng với việc triển khai thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và Luật Phòng chống tham nhũng, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã thành lập một số đoàn thanh tra và đang tiến hành thanh tra việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đối với nhiều Bộ, ngành, địa phương trong đó có nội dung mua sắm sử dụng xe ô tô con. Khi có kết quả chính thức, nếu phát hiện sai phạm sẽ kiên quyết xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét xử lý theo đúng quy định.


Năm 2006, Bộ Tài chính đang tiến hành thanh tra những bộ ngành về việc thực hành tiết kiệm và sẽ có biện pháp xử lý nghiêm khắc sai phạm. Còn về việc Chính phủ đã ra lệnh tạm dừng mua ô tô vào ngày 1/6/2006, thực tế đã được thực hiện nghiêm túc.


Trả lời câu hỏi về trách nhiệm của Bộ trưởng khi tham mưu cho Chính phủ ban hành những quy định về tiêu chuẩn nhà công vụ, ông Ninh không trả lời thẳng câu hỏi này mà tập trung giải thích quy trình quản lý nhà công vụ liên quan đến Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cũng như dẫn ra như văn bản, chính sách liên quan đến quản lý nhà công vụ.


Bộ trưởng Vũ Văn Ninh kết luận: phân cấp quản lý, sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước và nhà ở công vụ đã có quy định nhưng công tác tổ chức thực hiện, quản lý sử dụng loại nhà này có hạn chế tại một số bộ, ngành, địa phương.

CHƯA BIẾT CÓ BAO NHIÊU NGƯỜI TRẢ LẠI NHÀ CÔNG VỤ

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân cũng nhận được sự “quan tâm đặc biệt” của các đại biểu Quốc hội trong buổi chất vấn ngày 25/11.

061126-nghongquan.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân - Ảnh: NLĐ

Liên quan đến chất vấn của đại biểu Quốc hội về việc một số khu chung cư, khu đô thị mới được xây dựng thiếu đồng bộ, thiếu về hạ tầng kỹ thuật hoặc thiếu về xã hội, không đảm bảo môi trường sống cũng như điều kiện sống của người dân trong khu đô thị, khu dân cư, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân thừa nhận trên thực tế tình trạng này có diễn ra. Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân, những bức xúc của nhân dân trong thời gian qua bắt đầu từ các nguyên nhân chính là chất lượng công trình kém; điều kiện hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội không đảm bảo. Bên cạnh đó dịch vụ đô thị như thái độ phục vụ và kỹ thuật phục vụ của người quản lý chung cư, khu đô thị kém cũng gây bức xúc cho người dân sống trong khu đô thị này.

Về biện pháp giải quyết những tồn tại nêu trên, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết đã làm việc với nhiều địa phương. Theo đó kiên quyết đảm bảo sự đồng bộ của các dự án xây dựng khu chung cư, khu đô thị. Đồng thời chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu đô thị- chủ đầu tư cấp 1 phải cam kết chăm lo dịch vụ đô thị khi khu đô thị được hình thành. Về phía chính quyền khi cấp đất cho nhà đầu tư xây dựng khu đô thị cũng phải hình thành cam kết về nghĩa vụ và trách nhiệm chăm lo dịch vụ đô thị một cách rõ ràng.

Liên quan đến việc bán nhà theo Nghị định 61, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân cho biết, từ năm 1977, Hội đồng Bộ trưởng, nay là Chính phủ đã có Quyết định 150: Nhà nước bỏ tiền xây nhà sau đó phân phối cho cán bộ công nhân viên chức nhà nước. Đến năm 1991, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đưa ra Pháp lệnh Nhà ở, xoá bỏ bao cấp, tất cả mọi quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước phải được đưa sang các công ty kinh doanh quản lý nhà. Năm 1992 Chính phủ có Quyết định 118 quyết định các quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước phải cho thuê và ban hành giá thuê. Đến năm 1994, Chính phủ đưa ra Nghị định 61 về việc bán nhà thuộc quỹ nhà của nhà nước cho người đang thuê với mục đích nhằm thực hiện Pháp lệnh Nhà ở năm 1991 là để chấm dứt tình trạng nhà nước xây nhà sau đó phân phối cho cán bộ công nhân viên.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân, nguyên nhân của những bất cập trong việc xử lý quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước hiện nay là do còn tồn tại một số ranh giới không rõ ràng. Một cán bộ viên chức được phân nhà, mặc dù nói là nhà phải thuê nhưng cán bộ này vẫn nghĩ là của mình, vì thế các nghĩa vụ, trách nhiệm không được thực hiện đầy đủ. Và Nghị định 61 được đưa ra là nhằm xoá bỏ cơ chế bao cấp trước đây bằng việc chuyển sang các công ty kinh doanh quản lý nhà, bán cho người đang thuê để xác định ranh giới cho rõ ràng.

Tuy nhiên, việc bán nhà theo Nghị định 61 cũng đang rất chậm, mới chỉ thực hiện được khoảng gần 50%, tương đương khoảng 170.000 căn nhà thuộc loại này. Nguyên nhân là do một số cơ quan nhà nước có nhà "tự quản" nay giao cho công ty kinh doanh nhà của các địa phương để bán thì giao chưa hết, thậm chí một số địa phương vẫn chưa muốn giao. Mặt khác người mua cũng chưa mặn mà với việc mua bán này hoặc trình tự thủ tục còn nhiều vướng mắc do Nghị định 21 quy định một số dạng nhà không được bán như nhà nằm trong khu quy hoạch, những nhà nhà nước không định bán hoặc nếu bán không đảm bảo được điều kiện sống cho người dân.

Liên quan đến vấn đề xử lý nhà công vụ và nhà biệt thự, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân cho rằng thật ra trước đây khi chưa có Luật Nhà ở và Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí, thì khái niệm nhà công vụ chưa được hiểu một cách thống nhất. Khi đó, nhà công vụ mới chỉ được hiểu là nhà thuộc sở hữu của nhà nước, vừa có thể dùng vào một số mục đích nào đó, có thể là ở, làm nhà khách, nhà làm việc… Chỉ đến khi có Luật Nhà ở và Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí thì khái niệm nhà công vụ mới được hiểu thống nhất là nhà thuộc sở hữu nhà nước mà dung để cho cán bộ công chức, viên chức nhà nước trong luân chuyển công tác, di chuyển từ địa điểm này đến địa điểm kia được thuê và không được bán. Dựa vào khái niệm này thì hiện nay cả nước chỉ có 7 Bộ và 12 tỉnh có quỹ nhà công vụ với 27 biệt thự 190 căn hộ chung cư và 501 căn nhà với diện tích khoảng gần 90.000 m2.

Đề cập đến ý kiến “nhà công biến thành nhà ông" của cử tri và một số đại biểu quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân cho biết, biệt thự thuộc diện này có nhiều nhất tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Cụ thể tại Hà Nội hiện nay có 777 biệt thự, trong đó có 656 biệt thự được đưa vào diện bán, còn lại 43 cái không đưa vào diện bán. Tuy nhiên hiện nay số biệt thự trên chưa bán hết mà mới chỉ đang làm hồ sơ bán 643 biệt thự. Tại Thành phố Hồ Chí Minh có 1989 biệt thự, trong đó có khoảng 1750 cái được đưa vào diện bán và cũng chưa bán hết. "Tôi nghĩ nhà công vụ là tài sản của nhà nước, khi một gia đình nào đó đến ở, nhất định họ đã được phân phối, về pháp lý họ không sai, bởi nếu chưa xảy ra hành vi mua và bán thì nhà đó vẫn là của nhà nước, có thể vì người ngoài thấy họ ở đây lâu quá nên bức xúc. Thực tế, tôi chưa thấy nhà công nào được lập sổ đỏ, sổ hồng cho cá nhân”. Ông Nguyễn Hồng Quân nói.

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội liên quan đến việc chậm thi công các công trình trọng điểm quốc gia, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân cho rằng, công trình trọng điểm quốc gia là vấn đề lớn, xây dựng phức tạp vì có nhiều yếu tố chi phối: năng lực thi công xây lắp của nhà thầu, điều kiện về thiên nhiên, môi trường, vốn đầu tư... Để đánh giá một công trình, chúng ta cần phải xem xét đến ba tiêu chí: chất lượng, tiến độ, giá thành, vì vậy nói việc chậm thi công dẫn tới thất thoát cho công trình là chưa có căn cứ. Nếu có sai phạm thì pháp luật sẽ xử lý, còn trong xây dựng, thì chúng ta phải đánh giá đến chất lượng, tiến độ và giá thành...

Về một số câu hỏi liên quan đến việc quản lý nhà công vụ, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân cho rằng Bộ Xây dựng có chức năng quản lý nhà nước về nhà chứ không phải quản lý "cái nhà". Theo Luật Nhà ở đã được Quốc hội thông qua, nhà công vụ được bố trí dung vào mục đích công vụ dù ở bất cứ cương vị nào, khi không còn tiêu chuẩn ở nhà đó nữa thì trong vòng 3 tháng phải trả lại. Tuy nhiên ở những trường hợp cụ thể có thể xem xét có lý có tình vì nhà ở là một tài sản lớn. Về yêu cầu cung cấp danh sách các cán bộ đang được cấp nhà công vụ, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân cho rằng, đây không phải là những số liệu bí mật. Tuy nhiên có bao nhiêu người trả nhà công vụ, Bộ Xây dựng hiện chưa nắm được.

Đề cập đến câu hỏi về việc làm thế nào để giảm thất thoát, tham nhũng trong ngành xây dựng và trách nhiệm của Bộ trưởng đến đâu trong việc để xảy ra tiêu cực, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân cho rằng có thể có hiện tượng tiêu cực trong ngành xây dựng bởi hoạt động xây dựng diễn ra trên khắp cả nước. Trách nhiệm quy định rất rõ, chủ đầu tư tiền của anh, anh phải giữ, Bộ Xây dựng không giữ tiền. Quốc hội cũng đã thông qua Luật Phòng chống tham nhũng rồi, ai vi phạm sẽ bị xử lý theo luật.

KHƯƠNG NGUYÊN (tổng hợp)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek