Chủ Nhật, 29/09/2024 18:31 CH
Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XI:
Nhiều yêu cầu giải quyết tồn tại ở hai lĩnh vực Giao thông-Vận tải và Tài nguyên-Môi trường
Thứ Bảy, 25/11/2006 07:46 SA

Ngày 24/11, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn các thành viên Chính phủ. Mở đầu phiên làm việc, Quốc hội đã nghe ông Huỳnh Đảm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đọc báo cáo tổng kết kiến nghị của cử tri.

 

BỘ TRƯỞNG GIAO THÔNG – VẬN TẢI: “KHUYẾT ĐIỂM ĐẾN ĐÂU, TÔI CHỊU ĐẾN ĐÓ”

 

Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải Hồ Nghĩa Dũng là người đầu tiên trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội.

 

Trả lời một số ý kiến về trách nhiệm của người đứng đầu Bộ GTVT khi tình trạng tai nạn giao thông vẫn gia tăng, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho rằng, Bộ GTVT phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, cũng có trách nhiệm của hệ thống chính quyền, đặc biệt là tại địa phương. Về cá nhân, ông khẳng định: “Khuyết điểm đến đâu, tôi xin chịu trách nhiệm đến đó”. Bộ trưởng cho rằng, để giảm tai nạn giao thông cần phát triển giao thông công cộng. Hiện phương tiện cá nhân quá nhiều lại đều chung trên một đường. Vì thế việc thay đổi cần phải có lộ trình.

 

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cũng nhận thiếu sót là các công trình trọng điểm quốc gia nói chung và công trình giao thông đều chậm tiến độ. Nguyên nhân chính là do thời gian qua vốn phân cho các công trình quá chậm, kể cả ngân sách và trái phiếu. Thứ hai, năm qua giá nguyên liệu tăng cao do đó tất cả các dự án đều phải điều chỉnh tổng mức dự toán. Bên cạnh đó, các địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Bộ trưởng cũng thừa nhận thời gian vừa qua Bộ cũng có những buông lỏng trong công tác quản lý, chưa giải quyết dứt điểm vấn đề tồn tại.

 

Về quản lý đầu tư xây dựng, Bộ trưởng cho rằng vấn đề quan trọng hiện nay là phải chống khép kín, chống tiêu cực trong quản lý của Bộ GTVT. Về quản lý cán bộ, Bộ trưởng nhấn mạnh Bộ GTVT sẽ có biện pháp củng cố chức năng, quyền hạn, trách nhiệm của các ban quản lý dự án.

 

Trả lời một số ý kiến về tiêu cực trong sát hạch cấp bằng lái xe, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho biết: Bộ đang khắc phục bằng cách hiện đại hoá trong các khâu đào tạo sát hạch lái xe kiểm định phương tiện theo hướng tự động hoá.

 

ĐỊA PHƯƠNG CHỊU TRÁCH NHIỆM CHÍNH VỀ TÌNH TRẠNG THAM NHŨNG, THẤT THOÁT, LÃNG PHÍ ĐẤT ĐAI

 

Tiếp theo phần trả lời của Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Mai Ái Trực đã trả lời chất vấn.

 

Trước một số chất vấn về trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, thất thoát, lãng phí đất đai và cách khắc phục, Bộ trưởng Mai Ái Trực cho rằng: Trách nhiệm trực tiếp để xảy ra tình trạng trên trước hết thuộc về chính quyền địa phương do có chủ trương sai trái hoặc không sát thực tế trong việc thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất; thiếu giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp hoặc có liên quan đến quản lý đất đai; thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, để nảy sinh tham nhũng, thất thoát lãng phí đất đai. Cơ quan quản lý đất đai ở Trung ương chịu trách nhiệm về việc đã chưa làm tốt công tác tham mưu, đề xuất xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai; việc chỉ đạo tổ chức thực hiện pháp luật yếu kém; thiếu thường xuyên kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về đất đai. Quốc hội, Chính phủ chịu trách nhiệm về việc đã duy trì quá lâu cơ chế bao cấp về giá đất và cùng với đó là cơ chế xin - cho về đất đai; để nhiều kẽ hở về pháp luật, kích thích lòng tham của những người nắm trong tay đất đai hoặc có quyền ban phát đất đai; trong thời gian dài thiếu quan tâm xây dựng bộ máy quản lý đất đai đúng tầm trong khi vấn đề đất đai do lịch sử để lại quá phức tạp, nặng nề. Cách khắc phục theo ông Trực, ngoài việc thi hành Luật đất đai, hoàn thiện chính sách đất đai, tăng cường hoạt động giám sát của cơ quan dân cử… thì còn cần phải thu hồi diện tích đất giao hoặc cho thuê nhưng không sử dụng, hoặc sử dụng sai hiệu quả, mục đích.

 

Về vấn đề ô nhiễm môi trường, Bộ trưởng Mai Ái Trực đã nhận trách nhiệm về mình khi chưa có những biện pháp có hiệu lực và hiệu quả hơn để ngăn chặn tình trạng gây ô nhiễm. Về việc bồi thường do gây ô nhiễm dẫn tới ung thư, Bộ trưởng nói rằng Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 dễ áp dụng đối với trường hợp nguồn ô nhiễm đã trực tiếp và đồng thời gây ra chết người, vật nuôi, cây trồng, gây ô nhiễm nghiêm trọng đất đai, nguồn nước... nhưng rất khó xác định đối với căn bệnh ung thư.

 

Về thủ tục đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất để vay vốn, trong đó có vấn đề về cải cách thủ tục đăng ký thế chấp, Bộ trưởng cho rằng: Bộ vừa có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép hướng dẫn việc đăng ký thế chấp theo quy định sau: “Trường hợp hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất tại UBND xã thì cán bộ địa chính xã thực hiện thủ tục đăng ký thế chấp theo ủy nhiệm của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện (hoặc Phòng TN&MT đối với nơi chưa thành lập Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất). Cán bộ địa chính xã có trách nhiệm thực hiện thủ tục đăng ký thế chấp ngay trong ngày nhận hồ sơ, nếu nhận hồ sơ sau 3 giờ chiều thì thực hiện thủ tục đăng ký chậm nhất là ngày làm việc tiếp theo”.

 

Kết thúc ngày trả lời chất vấn đầu tiên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã đọc báo cáo giải trình trước Quốc hội.

 

KHƯƠNG NGUYÊN (tổng hợp)

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek