* Thông qua 11 luật
* Thủ tướng sẽ trả lời chất vấn trước Quốc hội
Hôm qua (23/11), kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XI dành trọn cả ngày thảo luận về Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng.
Theo VOV, mở đầu phiên thảo luận, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp- Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát trình bày báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về dự án trồng mới 5 triệu ha rừng; nghe ông Lê Quang Bình, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đọc báo cáo Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về dự án trồng mới 5 triệu ha rừng.
Theo các báo cáo trên, nhiệm vụ của dự án là từ năm 1998 đến năm 2010 trồng mới 5 triệu ha rừng, trong đó có 2 triệu ha rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, 3 triệu ha rừng sản xuất. Ngoài ra, khoanh nuôi phục hồi tái sinh tự nhiên 2 triệu ha. Tổng vốn đầu tư thực hiện dự án dự kiến là 31.650 tỷ đồng. Qua 8 năm thực hiện, nhìn chung nhận thức và trách nhiệm về bảo vệ, phát triển rừng của các địa phương và người dân đã có bước chuyển biến, độ che phủ rừng được tăng lên qua các năm, môi trường sinh thái, nguồn sinh thủy được cải thiện đáng kể, góp phần tạo thêm việc làm tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng an ninh ở miền núi, vùng cao, bước đầu tạo được vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến giấy, ván nhân tạo, gỗ trụ mỏ và các sản phẩm gỗ khác; công nghiệp chế biến gỗ có bước tăng trưởng, góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ. Dự án đã tạo thêm công ăn việc làm và thu nhập cho hơn 470.000 hộ gia đình.
Tuy nhiên, tiến độ trồng rừng chậm, không đạt kế hoạch giai đoạn 1998 - 2005 và khó có thể hoàn thành nhiệm vụ của dự án vào năm 2010. Nhiệm vụ trồng đến 2010 đạt 5 triệu ha, nhưng sau 8 năm thực hiện dự án chỉ trồng được 1.424.135 ha, đạt 28,5%. Bên cạnh đó, chất lượng rừng còn kém, khả năng cung cấp gỗ của rừng còn thấp, tình trạng chặt phá rừng trái phép và cháy rừng vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi, công tác bảo vệ rừng vẫn còn khó khăn, phức tạp; công tác giao đất, giao rừng thực hiện chưa tốt, nhiều nơi chưa xác định rõ chủ rừng, người dân làm nghề rừng thu nhập còn thấp, đời sống còn khó khăn; việc huy động nguồn vốn bảo đảm cho dự án quá thấp và theo yêu cầu của tiến độ dự án là rất chậm...
Đa số các đại biểu đều nhất trí với những lợi ích từ dự án như đã nêu trong báo cáo của Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, các đại biểu nhận định, tình trạng suy giảm của rừng trong thời gian qua được hạn chế, nhưng tình trạng mất rừng và khai thác gỗ trái phép vẫn còn tiếp diễn. Nguyên nhân chủ yếu là do một thời gian dài việc quản lý rừng bị buông lỏng. Một số đại biểu cho rằng, tuy chính sách giao đất giao rừng đạt được một số kết quả đáng kể nhưng nhìn chung chưa hiệu quả, nhiều nơi chưa xác định rõ chủ rừng, người dân làm nghề rừng thu nhập còn thấp, đời sống còn khó khăn. Hầu hết thu nhập của người dân làm nghề rừng chỉ dựa vào vốn ngân sách khoán bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh, trồng rừng phòng hộ, trong khi mức khoán còn thấp và chính sách hưởng lợi từ việc trồng rừng chưa thỏa đáng nên đời sống còn khó khăn. Diện tích rừng được giao quyền sử dụng cho các hộ gia đình, cá nhân chỉ chiếm 41,3% trong số diện tích đã giao quyền sử dụng, do đó, dân chưa thực sự gắn bó với nghề rừng. Các đại biểu đề nghị nên tập trung nguồn ngân sách cho việc khoanh nuôi, tái sinh rừng vì thực tiễn cho thấy nếu thực hiện tốt việc này thì hiệu quả mang lại sẽ cao hơn việc trồng mới rừng. Bên cạnh đó, Nhà nước có chính sách ưu tiên cho cá nhân, hội gia đình khai thác gỗ trong rừng tự nhiên khi rừng đạt tiêu chuẩn được phép khai thác; có chính sách ưu đãi riêng đối với hộ gia đình, cá nhân có đầu tư vào việc bảo vệ và phát triển rừng...
* Theo TTXVN, trong hai ngày 21 và 22/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 11 dự án luật. Đó là: Luật đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; Luật bình đẳng giới; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động; Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người; Luật dạy nghề; Luật thể dục, thể thao; Luật quản lý thuế; Luật đê điều; Luật chuyển giao công nghệ; Luật cư trú và Luật công chứng.
* Theo VOV, dự kiến Quốc hội sẽ dành ba ngày 24, 25 và 27/11 cho nội dung chất vấn và trả lời chất vấn. Danh sách dự kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa gửi các đại biểu, ngoài 6 bộ trưởng như đã được đề xuất, thì Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chánh án TAND tối cao cũng sẽ đăng đàn tại kỳ họp này. Danh sách dự kiến trả lời chất vấn trực tiếp tại kỳ họp gồm: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Văn Hiện, Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Mai Ái Trực, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân, Bộ trưởng Giáo dục & Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh, Bộ trưởng NN& PTNT Cao Đức Phát, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng...Ba vị bộ trưởng lần đầu tiên trả lời chất vấn là: Nguyễn Thiện Nhân, Vũ Văn Ninh, Hồ Nghĩa Dũng.
HOÀI THƯƠNG