Mùa xuân năm Canh Tý (năm 40 theo dương lịch) vào ngày 6 tháng 2, cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng thắng lợi, đập tan chính quyền đô hộ của nhà Hán. Đây là lần đầu tiên, từ khi nước ta bị phong kiến phương Bắc đô hộ nhân dân ta đã đứng lên giành độc lập, tự do, làm chủ vận mệnh của mình.
Theo Giòng lịch sử, chúng ta được biết: Sau khi An Dương Vương vì mất cảnh giác, nước ta bị Triệu Đà xâm chiếm. Năm 23, nhà Hán đánh bại Triệu Đà, chiếm lấy nước ta. Nhân dân phải sống kiếp lầm than, nô lệ.
Đặc biệt, từ năm 34, khi Tô Định được nhà Hán cử sang làm Thái thú Giao Chỉ, hắn là một tên cực kỳ tham lam, tàn bạo, thẳng tay đàn áp, giết hại những ai có ý chống lại hắn. Tô Định bắt nhân dân ta đóng nhiều thứ thuế, đồng thời phải đi làm phu, tạp dịch liên miên, nhằm vơ vét thật nhiều sản vật quý giá trên rừng, dưới biển của nước ta đem về Trung Quốc. Nhân dân ta vô cùng căm tức, sôi sục ý chí vùng lên đuổi giặc.
Trước tình hình đó, Trưng Trắc cùng chồng là Thi Sách bàn tính mưu kế nổi dậy. Đang khi công việc chiêu binh, mãi mã, chuẩn bị khí giới tiến hành khẩn trương, thì Thi Sách bị Tô Định bắt, giết chết, càng làm cho ngọn lửa căm thù bốc cao. Trưng Trắc cùng người em ruột của mình là Trưng Nhị quyết định “phất cờ nương tử, thay quyền tướng quân” phát động cuộc khởi nghĩa, đền nợ nước, trả thù nhà. Cuộc khởi nghĩa đã được các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là phụ nữ, hưởng ứng. Nhiều gia đình có ba, bốn anh, chị, em vừa trai, vừa gái xung phong tòng quân. Lực lượng nghĩa quân lớn lên nhanh chóng. Hai bà liên tục đánh chiếm Mê Linh, tiếp đó đánh thành Cổ Loa, và cuối cùng tấn công Luy Lâu, thủ phủ của chính quyền đô hộ nhà Hán (thuộc Thuận Thành – Hà Bắc ngày nay). Tô Định phải bỏ cả giấy tờ, vàng bạc, ấn tín, cắt tóc, cạo râu, lẫn vào đám tàn quân, chạy bán sống, bán chết về Quảng Đông.
Khí thế của cuộc khởi nghĩa lan rộng ra các quận. Chỉ trong một thời gian ngắn, quân khởi nghĩa đã đập tan chính quyền đô hộ, làm chủ toàn bộ lãnh thổ nước ta hồi đó. Đất nước sau hàng trăm năm bị ngoại bang đô hộ đã được độc lập, tự do. Trưng Trắc được các tướng và nhân dân tôn lên làm vua, lấy hiệu là Trưng Vương, đóng đô ở Mê Linh.
Nghe tin Trưng Trắc khởi nghĩa thắng lợi và xưng vương, triều đình phong kiến phương bắc hết sức tức tối, vội vàng hạ chiếu sai các nơi cấp tốc chuẩn bị lương thực, binh lính để chiếm lại Âu Lạc. Đến tháng 4 năm 42, nhà Hán sai Mã Viện đem 2 vạn quân và 2.000 thuyền tiến đánh nước ta.
Dưới sự chỉ huy của Hai Bà Trưng, quân ta chiến đấu ngoan cường, chặn đường tấn công của giặc, gây cho chúng nhiều thiệt hại. Nhưng vì quân giặc quá đông, lại được sự chỉ huy của tên tướng già lão luyện, còn quân ta mới xây dựng, vũ khí, trang bị lại thiếu thốn, nên càng về sau quân ta càng suy yếu, hai bà phải rút bỏ nhiều vị trí quan trọng. Cuối cùng, hai bà đã nhảy xuống sông Hát (sông Đáy) tự tử để khỏi rơi vào tay giặc. Từ đó, sau 2 năm được hưởng độc lập, tự do, nước ta lại bị phong kiến phương bắc đô hộ.
Mặc dù chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn ngủi, nhưng cuộc khởi nghĩa và triều đại Trưng Vương đã đặt một dấu son chói lọi trong lịch sử dân tộc, mở đầu cho thời đại đấu tranh quyết liệt chống phong kiến phương bắc, giành quyền độc lập, tự do cho Tổ quốc, thời đại của những thế hệ anh hùng, với ý chí và quyết tâm làm chủ đất nước.
Đối với phụ nữ nước ta, Hai Bà Trưng và các nữ tướng của hai Bà như Bà Man Thiện (mẹ của hai bà), bà Lê Thị Hoa (Thanh Hóa), bà Lê Chân (Hải Phòng), bà Thánh Thiên (Hà Bắc)… mãi mãi là những tấm gương sáng chói cho các thế hệ phụ nữ Việt Nam noi theo, để sánh vai cùng với cha, anh, chồng, con giữ vững nền độc lập, tự do của Tổ quốc, làm tiền đề thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, đời sống nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
BẰNG TÍN