Thứ Ba, 08/10/2024 05:25 SA
Chân dung nữ tướng Nguyễn Thị Vân Đương
Thứ Năm, 08/03/2012 07:40 SA

Trong phong trào Cần Vương ở khu vực Nam Trung Bộ, lực lượng nữ đóng vai trò quan trọng, góp phần đưa cuộc kháng chiến ở đây phát triển mạnh mẽ. Sự có mặt trên các chiến trường và tinh thần chiến đấu dũng cảm của họ là một đặc điểm nổi bật của phong trào Cần Vương ở khu vực này. Trong bài viết này, chúng tôi giới thiệu chân dung nữ tướng Nguyễn Thị Vân Đương- một trong những vị thủ lĩnh xuất sắc trong phong trào Cần Vương Phú Yên cuối thế kỷ XIX.

 

Nguyễn Thị Vân Đương sinh năm 1843, tại làng Cự Phú, tổng Xuân Sơn, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên. Bà là con gái đầu lòng của Nguyễn Bá Đởm- một hậu duệ tướng lĩnh nhà Tây Sơn. Để tránh họa truy sát của vua Gia Long, gia đình bà phải phiêu bạt từ tỉnh Bình Định vào ẩn cư dưới chân dãy núi La Hiên thuộc huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên (1). Khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta, Bá Đởm cùng với các thân hào, nhân sĩ khu vực Nam Trung Bộ thành lập tổ chức yên nước lấy tên là Tụ Hiền trang nhằm tập họp nhân tài, huấn luyện võ nghệ chuẩn bị cho công cuộc cứu nước.

 

Xuất thân trong gia đình nhà võ và lớn lên trong bối cảnh đất nước lâm nguy trước họa xâm lăng của thực dân Pháp, Vân Đương không ngừng trau dồi võ thuật, thông thạo binh pháp và trở thành một trong những yếu nhân quan trọng của Tụ Hiền trang. Bà đảm nhận chức vụ Tham biện quân lương trong nghĩa quân Cần Vương Phú Yên, coi sóc kho lương thảo ở Tân Lương. Bà lập ra một đội mã tải, chuyên vận chuyển lương thực từ các nguồn cung cấp ở đồng bằng đưa lên cất giữ ở các kho dự trữ của nghĩa quân ở Tổng Binh và các căn cứ ở chân núi Hòn Ông, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài khi Pháp đánh ra Phú Yên. Tương truyền rằng bà bắn rất giỏi, bách phát bách trúng, đi đứng mau lẹ, có thể “bay” lên mái nhà. Bà thường mặt bộ đồ trắng, thắt lưng dây tơ, dáng vóc nhanh nhẹn, gọn gàng, cưỡi con ngựa bạch, đeo thanh gươm bạc. Tuy đảm nhận việc hậu cần, nhưng khi quân cơ cấp thiết bà vẫn xông pha trận tiền chiến đấu, làm cho kẻ thù nhiều phen khiếp sợ. Về đức hạnh, thì nhân dân vùng Phú Xuân cho đến nay vẫn truyền tụng nghĩa cử cao cả của bà như xuất lúa nhà giúp đỡ những gia đình khó khăn vào những năm mất mùa, hoặc lập hội phát chẩn cho những người ăn xin gặp lúc cơ nhỡ.

 

Theo chủ trương của Tụ Hiền trang nhằm mở rộng phạm vi hoạt động và lôi kéo lực lượng nữ giới tham gia công cuộc cứu nước, phát huy truyền thống dũng cảm, bất khuất của Bà Trưng, Bà Triệu, Nguyễn Thị Vân Đương đã đứng ra lập Hội Vân Nương (còn gọi là Hội Nàng Mây) với nòng cốt là “Thập Nhị Vân Nương”(12 Nàng Mây) do bà làm Hội trưởng và các thành viên chủ chốt như Nguyễn Thị Vân Đào, Nguyễn Thị Vân Hạnh, Nguyễn Thị Hàn Mai, Nguyễn Thị Hàn Liên, Huỳnh Thị Loan, Nguyễn Thị Kim Thanh, Võ Bạch Ngọc Đường, Nguyễn Thị Vân Phú, Trịnh Tuyết Anh…Nhiệm vụ của Hội là tham gia sản xuất, vận chuyển lương thực lên vùng căn cứ địa Tổng Binh, Tân Lương, Hòn Ông, xây dựng vùng núi La Hiên thành căn cứ chung cho cả khu vực Nam Trung Bộ. Các khu vực sản xuất lương thực ở Đồng Tre, Trại Thứ, Suối Trầu, Suối Trưởng… do Hội Vân Nương phụ trách. Hội Vân Nương còn đảm nhận nhiệm vụ đào tạo nữ kiệt cho nghĩa quân, lập một số trại huấn luyện cho nữ giới ở vùng Tổng Binh. Về sau, một số hội viên trở thành những nữ tướng tài giỏi của nghĩa quân Cần Vương khu vực Nam Trung Bộ như Võ Bạch Ngọc Đường, Trịnh Tuyết Anh, Nguyễn Thị Hàn Mai…

 

Năm 1863, quân Pháp đánh chiếm các tỉnh miền Đông Nam Bộ và vấp phải sự kháng cự mãnh liệt của nhiều tổ chức nghĩa quân tại đây như Trương Định, Nguyễn Hữu Huân,… Tháng 2/1863, Tụ Hiền trang cử một đoàn nghĩa sĩ do Nguyễn Thị Vân Đương dẫn đầu vào Nam Bộ liên lạc với nghĩa quân Trương Định, nhằm tìm hiểu việc xây dựng căn cứ, phát triển lực lượng cũng như tình hình quân Pháp để sau này dễ bề đối phó khi Pháp đánh ra Trung Kỳ. Đoàn nghĩa sĩ Nam Trung Bộ xuất phát từ cảng Tiên Châu, rong ruổi trên chiếc ghe bầu mang theo vật phẩm như cao hổ cốt, mật ong, sừng tê giác, nhung nai, thú nhồi bông… giả làm người đi buôn đã qua mắt các trạm kiểm soát của địch để đến Gò Công yết kiến Trương Nguyên soái. Tại đây, họ đã học tập được nhiều kinh nghiệm quý báu trong tổ chức lực lượng, cách bố trí hệ thống phòng thủ. Chuyến đi này còn mở đường cho việc liên kết phong trào chống Pháp của nghĩa quân Nam Trung Bộ với Nam Bộ (2). Sau này lực lượng Cần Vương Phú Yên đã cử một số nghĩa quân như Nguyễn Văn Khá, Đặng Văn Hữu, đốc binh Nguyễn Văn Bửu đến Sa Đéc liên kết phong trào kháng chiến ở đây (3).

 

Đầu tháng 2/1887, quân Pháp và tay sai Trần Bá Lộc từ Nam Kỳ kéo ra Phú Yên để đàn áp phong trào kháng chiến do thủ lĩnh Lê Thành Phương lãnh đạo.Với quân số 1.500 người cùng vũ khí tối tân, quân Pháp nhanh chóng đánh tan các căn cứ vùng đồng bằng, nghĩa quân Phú Yên phải rút về cố thủ ở các căn cứ địa miền núi, tiến hành chiến tranh du kích. Nhờ vào các kho lương thảo ở các căn cứ địa Tân Lương, Tổng Binh, Vân Hòa mà Nguyễn Thị Vân Đương đã chuẩn bị từ trước nên nghĩa quân ra sức cầm cự với địch. Một số trận đánh ở Trà Kê, Vân Hòa, La Hai… gây cho chúng thiệt hại nặng, quân số hao tổn từ 1.500 xuống còn 1.050 tên. Sau ngày 20/2/1887, khi phong trào ở đồng bằng tan rã, Lê Thành Phương bị giết, nghĩa quân rút lên vùng núi La Hiên dựa vào đồng bào dân tộc Chăm, Bana tiến hành kháng chiến lâu dài.

 

Cuối tháng 3/1887, quân Pháp kéo đại quân từ Phú Yên ra Bình Định nhằm tiêu diệt phong trào ở đây do Mai Xuân Thưởng lãnh đạo. Mặc dù lực lượng Phú Yên đang bị tổn thất, nhưng Bộ chỉ huy nghĩa quân đứng đầu là Nguyễn Bá Sự quyết định cử một cánh quân do Võ Thiệp và Nguyễn Thị Vân Đương chỉ huy tiến ra Bình Định với nhiệm vụ tiếp ứng cho phong trào tỉnh bạn và giải cứu Võ Trứ đang bị giam giữ tại nhà lao Tuy Phước. Khi nghĩa quân đến chân núi Phụng Sơn, huyện Tuy Phước thì rơi vào ổ phục kích của địch. Nguyễn Thị Vân Đương cùng các đồng chí của mình chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Khi bị thương nặng tại cánh đồng Phụng Sơn, bà đã tuẫn tiết để khỏi rơi vào tay địch. Cái chết của vị nữ tướng đã để lại sự xúc động lớn trong lòng nghĩa quân Cần Vương Phú Yên và tăng thêm chí khí cho nghĩa quân kéo dài cuộc kháng chiến đến năm 1892 mới kết thúc.

 

Bên cạnh tinh thần thượng võ và lòng yêu nước căm thù giặc sâu sắc, Nguyễn Thị Vân Đương còn để lại một số bài thơ khắc họa hình ảnh của người nữ chiến sĩ Cần Vương chiến đấu hy sinh vì non sông đất nước. Bài thơ Quyết noi gương chị Xuân thể hiện ý nguyện tiếp bước tinh thần chiến đấu của nữ tướng Bùi Thị Xuân:

 

Trên dải La Hiên nhạt nắng hè

Mong về Bình Định khuất mây che

Tiếng hét Tây Sơn vang sấm dậy

Lời truyền Nguyễn Huệ vẫn còn nghe

“Giặc biển Tây dương đâu có sá (4)

Đạn đồng, tàu sắt có chi ghê

Trừ diệt gian vương và Mãn tặc (5)

Rảnh tay ta dẹp chúng một bè…”

Giờ đây nòi giống quân gian bán

Đến lúc non sông ngoại tặc đè

Ta cũng là người con Hồng Lạc

Kết bạn đồng tâm mở hội thề

Tiễu giặc trừ gian bình quốc loạn

Hưng binh ứng nghĩa thu nước về

Chị Xuân, em quyết noi gương chị

Diệt thù, rửa hận rạng trời quê.

 

hoặc bài thơ Trăng rọi sáng lòng ta thể hiện tinh thần chiến đấu kiên cường, cùng với đồng đội quyết tiêu diệt quân xâm lược, giải phóng quê hương:

 

Trăng khuya một mảnh chia đôi ngả

Nửa ở La Hiên, nửa ở Thành (6)

Chung mối hận thù âu phải tính

Kiếm người xướng- họp cuộc hưng binh

Thân gái dặm trường gươm một lưỡi

Vượt đèo Mục Thịnh thẳng Vân Sơn(7)

Vó câu giẫm nát loài lang sói

Quét sạch xâm lăng, đẹp nghĩa tình.

 

Chú thích và tài liệu tham khảo:

(1) Nguyễn Khuê (2003), Ma Thiên Lãnh-Tụ Hiền trang và phong trào kháng chiến ở Phú Yên trước Cách mạng Tháng Tám 1945, Phú Yên, tr.2

(2) Nguyễn Hồng Sinh (1885), Nguyễn Thị Vân Đương và người thân, một tấm gương sáng chói về ý chí kiên trung bất khuất, Khánh Hòa, tr.5.

(3) Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia II, TP Hồ Chí Minh.

(4) Ám chỉ giặc Pháp xâm lược.

(5) Lực lượng của Nguyễn Ánh và quân Mãn Thanh.

(6) Thành Bình Định.

(7) Vân Sơn thuộc huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định là quê chồng của Nguyễn Thị Vân Đương.

 

TS.ĐÀO NHẬT KIM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek