Thứ Hai, 30/09/2024 08:34 SA
Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XI:
Tháo gỡ những bất cập để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo
Thứ Tư, 08/11/2006 08:32 SA

* Bảo vệ quyền lợi người lao động trong thực hiện cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước

 

Ngày 7/11, kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XI nghe và thảo luận Báo cáo về tình hình đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề, Báo cáo thẩm tra về vấn đề này của Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội.

 

061108-Dong2.jpg

Đại biểu Lê Văn Đông (Đoàn Phú Yên) thảo luận về tình hình thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước tại Quốc hội – Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH NAM

 

SẼ CÓ LUẬT GIÁO VIÊN

 

Theo TTXVN, các vị đại biểu Quốc hội quan tâm nhiều đến các vấn đề bất cập trong ngành giáo dục hiện nay như chất lượng giáo dục chưa cao, nhiều đơn vị vẫn còn chạy theo thành tích mà không quan tâm đến chất lượng dạy và học; một bộ phận cán bộ giáo dục  suy thoái đạo đức dung túng, tiếp tay cho những hành động tiêu cực... Bên cạnh đó, chế độ chính sách cho nhà giáo chưa hợp lý. Một số đại biểu cho rằng hiện đang có một bộ phận cán bộ giáo dục buông lỏng quản lý, suy thoái đạo đức, dung túng, bao che, tiếp tay cho những hành động tiêu cực, những hiện tượng này đã và đang phá hỏng những nguyên tắc cơ bản của giáo dục và gây tác hại lâu dài cho xã hội.

 

Để nâng cao ý thức trách nhiệm của công dân, của gia đình phụ huynh đối với giáo dục, nhiều đại biểu thống nhất với ba giải pháp: về phía người học cần tuyên truyền giáo dục vận động nâng cao ý thức trách nhiệm của phụ huynh, học sinh để có thái độ và ứng xử đúng đắn về nghĩa vụ của người học; Về phía quản lý nhà nước, đề nghị Bộ Giáo dục- Đào tạo tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý thật nghiêm các trường hợp trong ngành liên quan tới tiêu cực; Các cơ quan bảo vệ pháp luật phải xử lý công bằng, công khai, nghiêm minh những tiêu cực liên quan đến cả phía người học và người dạy, đặc biệt là với những vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự có liên quan đến lĩnh vực giáo dục. Nhiều đại biểu cho rằng, trong cải cách giáo dục, nhà giáo không được quan tâm mà trọng tâm là việc cải cách sách giáo khoa, tình trạng học chay, dạy chay chưa được cải thiện. Do vậy, trình độ của các nhà giáo chưa đáp ứng yêu cầu mới hiện nay, đề nghị Quốc hội sớm ban hành Luật giáo viên.

 

Để rút ngắn khoảng cách về việc thiếu giáo viên giữa miền núi và miền xuôi, các đại biểu đề nghị Chính phủ cần có kế hoạch tăng quy mô đào tạo giáo viên là người dân tộc thiểu số và có chính sách rõ ràng, cụ thể đối với giáo viên miền xuôi lên miền núi công tác. Phải có chính sách đảm bảo cuộc sống cho giáo viên miền núi để họ “an cư lạc nghiệp”, coi những người xung phong lên miền núi công tác là những người tâm huyết với nghề. Ý kiến của các đại biểu cho rằng, cần phải thực hiện đủ chỉ tiêu biên chế cho các cơ sở giáo dục, ban hành quy định về nghĩa vụ của người tốt nghiệp các trường sư phạm được hưởng các chi phí đào tạo chuyên môn do Nhà nước cấp trong khoá học phải chấp hành sự điều động làm việc có thời hạn ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa; thu hồi học phí và có hình thức kỷ luật thích đáng đối với những sinh viên được hưởng các chi phí đào tạo của Nhà nước nhưng không chấp hành sự điều động của tổ chức.

 

CẦN CÓ CHÍNH SÁCH ƯU TIÊN CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG TRONG DOANH NGHIỆP CỔ PHẦN

 

Trước đó, ngày 6/11, Quốc họp nghe và thảo luận về kết quả cổ phần hoá và việc giám sát thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (DNNN). Theo VOV, thảo luận về nội dung này, các đại biểu rất quan tâm đến những bất cập trong khi tiến hành chủ trương này như tiến độ cổ phần hoá còn chậm, số lượng các DNNN thực hiện cổ phần hóa nhiều nhưng số vốn các doanh nghiệp nắm giữ sau cổ phần hóa lại nhỏ. Bên cạnh đó, là tình trạng lúng túng trong việc xử lý mối quan hệ giữa cổ phần hóa và tư nhân hóa, công nhân của doanh nghiệp cổ phần hoá mất đi quyền làm chủ của mình...Một số đại biểu yêu cầu phải nghiêm trị những cá nhân, đơn vị cố ý làm chậm cổ phần hoá, lợi dụng cổ phần hoá để trục lợi. Bên cạnh đó, phải đổi mới tư duy hơn nữa, cụ thể Nhà nước đóng vai trò chủ đạo không chỉ về số vốn, mà cả về hiệu quả kinh doanh. Để người lao động thực sự làm chủ doanh nghiệp, các đại biểu đề nghị cần có những chính sách cụ thể như ưu tiên cho người lao động trong doanh nghiệp được mua cổ phần trước với giá ưu đãi; bán trả chậm hoặc cho người lao động vay tiền mua cổ phần…  

 

HOÀI THƯƠNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek