Chiều 13/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII tiếp tục phiên họp thứ 4 thảo luận về kết quả giám sát chuyên đề việc thực hiện quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại phiên họp - Ảnh: TTXVN |
Theo thống kê tại 48 tỉnh, thành phố, giai đoạn 2005-2010, tổng số văn bản quy phạm pháp luật các cấp được ban hành là 145.386 văn bản. Trong đó HĐND tỉnh ban hành 5.334 nghị quyết chứa quy phạm pháp luật; UBND tỉnh ban hành 17.471 quyết định và 2.486 chỉ thị chứa quy phạm pháp luật; HĐND cấp huyện ban hành hơn 14.000 nghị quyết chứa quy phạm pháp luật; UBND ban hành hơn 27.000 quyết định, 4.195 chỉ thị chứa quy phạm pháp luật; Hội đồng Nhân dân xã ban hành hơn 52.000 nghị quyết chứa quy phạm pháp luật, Ủy ban Nhân dân xã ban hành hơn 16.000 nghị quyết định và hơn 4.000 chỉ thị chứa quy phạm pháp luật.
Nhất trí với báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất chí cho rằng, nhờ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Nhân dân, UBDN 2004 có hiệu lực pháp luật, hoạt động ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND giai đoạn 2005-2010 đã từng bước đi vào nề nếp, tạo sự chuyển biến về chất trong hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, quản lý xã hội ở địa phương. Các văn bản quy phạm pháp luật do chính quyền địa phương ban hành đã trực tiếp, kịp thời phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, nhu cầu quản lý địa phương, nâng cao năng lực xây dựng pháp luật của cán bộ, các cấp chính quyền.
Theo đánh giá của đoàn thẩm tra Ủy ban Thường vụ Quốc hội, về cơ bản nội dung các văn bản do HĐND, UBND các cấp ban hành phù hợp với Hiến pháp và không trái, mâu thuẫn với các văn bản của các cơ quan nhà nước cấp trên. Việc soạn thảo, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đã được tuân thủ đúng thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật được quy định trong Luật và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật cơ bản được thực hiện theo đúng quy định của Luật, một số tỉnh đạt 100% văn bản quy phạm pháp luật được Sở Tư pháp thẩm định.
Tuy nhiên, qua kết quả kiểm tra, chất lượng văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân nhìn chung còn nhiều hạn chế như cách diễn đạt từ ngữ khó hiểu, nội dung văn bản vượt quá thẩm quyền; thiếu tính khả thi…Tại một số địa phương, công tác thẩm định văn bản vẫn tồn tại nhiều hạn chế, như việc tổ chức lấy ý kiến trong quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật được tổ chức mang tính hình thức, ảnh hưởng đến chất lượng và tiến độ ban hành văn bản.
Một số địa phương xem nhẹ công tác thẩm định văn bản, bỏ qua hoặc triển khai hoạt động này mang tính hình thức. Hoạt động kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật và giám sát văn bản quy phạm pháp luật chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục và nghiêm túc, hiệu quả chưa cao.
Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng cần tiếp tục phân tích rõ hơn những hạn chế, tồn tại trong công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND. Nhận thức của cán bộ, chính quyền địa phương có nơi, có lúc chưa đúng mức, chưa đúng yêu cầu. Bên cạnh đó nhiều địa phương không làm tròn vai trò của mình, né tránh trách nhiệm, thay cho việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật bằng những văn bản hành chính, thông báo…
Cùng nhất trí với ý kiến của ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng-An ninh Nguyễn Kim Khoa cho rằng không thể coi vấn đề thiếu kinh phí là nguyên nhân dẫn đến tình trạng giảm sút chất lượng trong công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND.
Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng chính quyền cấp trên thực tế đã không sử dụng hết quyền của mình khi hầu như không ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Vì thế, dẫn đến việc các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành chưa sát với cuộc sống, chưa nâng cao quyền lực vào trách nhiệm của chính quyền cấp xã.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh cần có những đánh giá sâu hơn về hoạt động giám sát hiệu lực văn bản của HĐND và UBND. Cần tách riêng việc nghiên cứu, đánh giá chất lượng, hiệu lực văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND, do tính chất, chức năng của hai cơ quan này hoàn toàn khác nhau. Đặc biệt, cần nghiên cứu đề xuất các giải pháp hậu giám sát, để làm sao mọi quyết định của cơ quan nhà nước phải mang lại quyền lợi, sự thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, đối tượng thụ hưởng chính sách.
Các phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn và Tòng Thị Phóng, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đánh giá cao những đánh giá, phân tích trong báo cáo của Chính phủ và Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội , nhưng đều cho rằng Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ cần có những đánh giá sâu hơn về chất lượng và hiệu lực văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND ban hành. Trước hết cần có sự thống nhất trong số liệu, đánh giá, phân tích cũng như nguyên nhân và giải pháp giải quyết hạn chế còn tồn tại trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND.Theo đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, qua 6 năm thực hiện
Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân 2004 cho thấy, bên cạnh những điểm tích cực, Luật này đang bộc lộ một số hạn chế khi triển khai trên thực tiễn; một số điểm mâu thuẫn với Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008.
Thay mặt Chính phủ tiếp nhận những ý kiến đóng góp của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường thừa nhận tồn tại lớn nhất là khái niệm phân biệt văn bản quy phạm pháp luật và văn bản điều hành còn rất trừu tượng trong cả đang có hiệu lực hiện nay. Cần hợp nhất Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân 2004 và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 để có được cơ chế kiểm soát và xây dựng hệ thống pháp luật thống nhất.
Theo Bộ trưởng, nguyên nhân của mọi nguyên nhân là vấn đề tổ chức cán bộ địa phương, phòng tư pháp, nhất là tư pháp cấp xã; phòng pháp chế của Sở Tư pháp. Rất nhiều địa phương thiếu nguồn nhân lực có chất lượng đảm bảo công việc được giao. Qua thực tế cho thấy, yếu nhất là thực hiện kết luận kiểm tra, hậu giám sát. Hiện tượng nể nang, né tránh các kết luận kiểm tra vẫn đang tồn tại. Các thông báo mang quy phạm pháp luật đã và đang giảm dần, nhưng cần thời gian và điều kiện cụ thể mới có thể để xóa bỏ hoàn toàn hiện tượng này.
Kết thúc phiên làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tổng hợp ý kiến các đại biểu, nhấn mạnh chủ đề giám sát mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất đúng, có ý nghĩa tích cực trong việc phát triển công tác lập pháp, phát triển kinh tế xã hội.
Đoàn giám sát cần tiếp thu ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội , phối hợp cùng Chính phủ để hoàn thiện Báo cáo thẩm tra kết quả giám sát và trình lại Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào phiên họp sau.
Theo TTXVN