Sáng 13/12, phiên họp thứ tư của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì buổi khai mạc phiên họp thứ tư Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIII - Ảnh: TTXVN |
Trong buổi sáng, sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc báo cáo đánh giá kết quả của Kỳ họp thứ 2 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ ba của Quốc hội.
Về việc chuẩn bị cho kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết kỳ họp dự kiến sẽ bắt đầu ngày 21/5/2012. Mười bốn dự án luật như Luật Quản lý giá, Luật Bảo hiểm tiền gửi, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật Lao động (sửa đổi), Luật Biển Việt Nam,... dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này. Quốc hội sẽ dành một ngày cho hoạt động giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Cho ý kiến về chương trình dự kiến kỳ họp thứ ba của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý, tại nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội đã giao Chính phủ khẩn trương hoàn thành đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh; thực hiện đồng bộ theo lộ trình thích hợp trong tất cả các ngành, các lĩnh vực trên phạm vi cả nước và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ ba. ”Quốc hội cần dành thời gian thích đáng để tập trung thảo luận về vấn đề hết sức quan trọng này, trên cơ sở báo cáo của Chính phủ”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh. Ông yêu cầu Ủy ban Kinh tế chuẩn bị báo cáo liên quan đến nội dung này để phục vụ cho việc thảo luận của Quốc hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIII (diễn ra từ 20/10- 26/11) đã quyết định được nhiều vấn đề quan trọng của đất nước trong năm 2012 cũng như giai đoạn 5 năm tới. Theo dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả kỳ họp thứ 2 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trên tinh thần thẳng thắn, bám sát thực tế, phân tích sâu sắc, khách quan những khó khăn, thuận lợi, Quốc hội đã thông qua các Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 2011- 2015 và năm 2012, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2012, quy hoạch sử dụng đất đến 2020 và kế hoạch sử dụng đất đến 2015 cấp quốc gia, kế hoạch vốn trái phiếu chính phủ và chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011- 2015.... Các Nghị quyết này được thông qua với sự tán thành cao.
Các báo cáo, dự thảo nghị quyết được chuẩn bị chu đáo; nội dung nghị quyết thể hiện cụ thể hơn, xác định rõ hơn các chỉ tiêu, giải pháp, nhiệm vụ đối với từng lĩnh vực và trách nhiệm của các cơ quan trong tổ chức thực hiện. Các đại biểu Quốc hội đã thảo luận sôi nổi, tập trung; các phiên thảo luận, thông qua các nghị quyết được thực hiện đúng quy trình, đảm bảo khách quan, dân chủ, công bằng, nghiêm túc, khoa học. Dự thảo Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như các ý kiến của các Ủy viên Ủy ban cho rằng Kỳ họp này đã áp dụng thành công những đổi mới hoạt động của Quốc hội.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng với nhiều dự án luật nên bố trí thêm thời gian để thảo luận cho thỏa đáng. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu bổ sung thêm, với những dự luật quan trọng, có thể truyền hình trực tiếp buổi thảo luận dự luật để toàn dân theo dõi.
Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đánh giá cao việc người đứng đầu các Bộ, ngành đã trả lời đầy đủ (trả lời trực tiếp trước Quốc hội hoặc bằng văn bản) các câu chất vấn của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp này.
Theo Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương, cử tri đánh giá cao hoạt động điều hành của Chủ tịch Quốc hội. Tuy nhiên, cử tri cũng kiến nghị Chủ tịch Quốc hội cần để đại biểu có thời gian giải thích câu hỏi để cử tri hiểu rõ và không nên để một loạt đại biểu hỏi rồi Bộ trưởng mới trả lời vì khiến nhiều cử tri không nhớ hết được nội dung hỏi...
Bà Nguyễn Thị Nương cũng làm rõ thêm về một số vấn đề diễn ra trong nội kỳ họp, như việc báo chí đã đăng tải đúng các ý kiến của Quốc hội về thân nhân bà Đặng Thị Hoàng Yến (đại biểu Long An) để xã hội có thông tin đầy đủ và các cơ quan của Quốc hội tập trung giải quyết nốt sự việc.
H.T (tổng hợp từ chinhphu.vn, SGGPO)