Thứ Bảy, 12/10/2024 09:20 SA
Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII:
Tạo cơ chế để giá tác động tích cực đối với nền kinh tế
Thứ Sáu, 04/11/2011 10:30 SA

Dự thảo Luật Giá - văn bản luật được phát triển từ Pháp lệnh Giá ra đời năm 2002 đã được Chính phủ trình Quốc hội tại phiên họp ở hội trường chiều 3/11.

 

QH-111104.jpg

Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh trình bày Tờ trình về dự án Luật Quảng cáo - Ảnh: TTXVN

Dự thảo Luật Giá bao gồm 5 chương, 51 điều. Dự thảo Luật Giá được xây dựng xuất phát từ yêu cầu phải tiếp tục đổi mới phương thức quản lý giá, khắc phục những bất cập hiện tại để quản lý giá phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường; bảo đảm khuyến khích cạnh tranh về giá.

 

Việc xây dựng Luật Giá nhằm tạo ra cơ chế để giá cả phát huy những tác động tích cực của nó đối với nền kinh tế như kích thích sản xuất phát triển, đổi mới công nghệ, tiến bộ kỹ thuật, đổi mới quản lý, tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm, phân bổ và sử dụng có hiệu quả nguồn lực của đất nước… Đồng thời, khắc phục, hạn chế những khuyết tật, tác động bất lợi của nó đến nền kinh tế.

 

Luật bảo đảm được sự can thiệp của Nhà nước về giá phù hợp với vai trò, chức năng của Nhà nước trong cơ chế kinh tế thị trường. Nhà nước tôn trọng quyền tự định giá của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh; thực hiện việc can thiệp vào thị trường chủ yếu bằng các biện pháp kinh tế để tác động vào sự hình thành và vận động của giá cả.

 

Nhà nước chỉ định giá đối với: hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước sản xuất kinh doanh; hàng hóa, dịch vụ thuộc doanh nghiệp có vị thế độc quyền sản xuất kinh doanh; hàng hóa, dịch vụ thiết yếu thuộc doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường sản xuất kinh doanh; tài nguyên quan trọng; sản phẩm, dịch vụ công ích và dịch vụ sự nghiệp công được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đặt hàng, giao kế hoạch để khắc phục những khuyết tật của cơ chế giá thị trường.

 

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho biết so với Pháp lệnh Giá hiện hành và sau khi nhận được ý kiến thẩm tra sơ bộ trước đó, dự thảo Luật Giá đã được hoàn thiện một bước, chi tiết hơn một số nội dung như quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động về giá; về điều tiết giá của Nhà nước, về thẩm định giá.

 

Ủy ban Tài chính- Ngân sách cho rằng quy định vai trò quản lý Nhà nước về giá là cần thiết nhằm hạn chế tiêu cực ở thị trường. Tuy nhiên với tính chất là đạo luật về quyền, nghĩa vụ của các doanh nghiệp trong quá trình định giá hàng hóa, dịch vụ thì một số quy định vẫn thể hiện sự can thiệp quá sâu của Nhà nước vào quan hệ cung cầu như Pháp lệnh Giá.

 

Ủy ban Tài chính- Ngân sách đề nghị cơ quan soạn thảo hoàn chỉnh các quy định theo hướng: Thứ nhất, Nhà nước chỉ quản lý giá dưới góc độ là cơ quan ban hành chính sách, pháp luật, thực hiện việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và điều tiết ở mức độ nhất định dựa trên nguyên lý về sự vận động của giá cả theo cơ chế thị trường.

 

Thứ hai là Nhà nước chỉ can thiệp vào giá bằng các biện pháp kinh tế là chủ yếu khi thị trường có biến động lớn, tác động tiêu cực đến nền kinh tế và đời sống nhân dân…

 

Ngày 8/11, các đại biểu sẽ thảo luận dự Luật Giá tại tổ và ngày 18/11 dự luật này sẽ được đại biểu thảo luận tại Hội trường.

 

Tạo thuận lợi hơn cho quản lý quảng cáo

                                                                                               

Trong chiều 3/11, cùng với dự án Luật Giá, Quốc hội cũng đã nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra các dự án Luật Quảng cáo, Luật Giám định tư pháp, Luật Xử lý vi phạm hành chính.

 

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cơ bản nhất trí với quan điểm, nguyên tắc xây dựng Luật Quảng cáo trình bày tại Tờ trình của Chính phủ; tán thành tên gọi, phạm vi điều chỉnh, bố cục và giải thích khái niệm quảng cáo như trong Tờ trình của Chính phủ.

 

Về những nội dung cơ bản của Luật này, Ủy ban cho rằng Luật cần quy định rõ hơn về trách nhiệm của người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo đối với sản phẩm quảng cáo và trình tự, thủ tục khiếu nại, giải quyết khiếu nại.

 

Cho ý kiến cụ thể về điều 19, Ủy ban cho rằng dự thảo Luật Quảng cáo đã bổ sung một số phương tiện quảng cáo đang tồn tại như các phương tiện truyền dẫn phát sóng, phương tiện điện tử, thiết bị đầu cuối, thiết bị viễn thông, đoàn người thực hiện quảng cáo,... Tuy nhiên, các phương tiện quảng cáo trong điều này được liệt kê chưa thật hợp lý: “Việc liệt kê phương tiện quảng cáo tại khoản 2 điều này vừa theo loại hình báo chí vừa theo phương tiện truyền dẫn khiến cho các quy định vừa trùng lặp vừa thiếu, trong khi đó, còn nhiều hình thức quảng cáo trên phương tiện truyền dẫn phát sóng chưa được liệt kê”.

 

Ủy ban cho rằng cần thiết kế lại điều này cho lôgic hơn, đồng thời để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác quản lý hoạt động quảng cáo.

 

Về quảng cáo trên báo chí, báo cáo thẩm tra nêu rõ, dự thảo Luật Quảng cáo đã khắc phục được một số bất cập của Pháp lệnh Quảng cáo, căn cứ vào tính đặc thù của từng loại hình báo chí để đưa ra những quy định như tăng diện tích và thời lượng quảng cáo cho các loại hình báo chí, bỏ những quy định hạn chế quảng cáo như các quy định về đợt quảng cáo, số lần được quảng cáo với từng sản phẩm... Các quy định này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho các báo (đặc biệt là báo in, báo nói, báo hình) phát triển dịch vụ, tăng doanh thu mà còn khuyến khích các báo nâng cao chất lượng, có ý nghĩa rất lớn đối với các cơ quan báo chí đang hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính.

 

Tuy nhiên, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhận thấy một số quy định về quảng cáo trên báo điện tử vẫn cần được hoàn chỉnh thêm. Ủy ban cho rằng, việc quy định về diện tích quảng cáo trên báo điện tử như trong Dự thảo Luật là khó khả thi do đặc thù về tính năng, công nghệ của phương tiện điện tử, diện tích mỗi trang báo có thể thay đổi bằng cách di chuột trên thanh cuốn bên phải màn hình.

 

Theo quy định hiện hành, chỉ có báo điện tử và trang thông tin điện tử phải xin cấp phép hoạt động, trong khi đó, hoạt động quảng cáo thông qua các blog cá nhân, các trang mạng xã hội, thư điện tử,... đang nằm ngoài sự quản lý của nhà nước. Một số trang mạng từ các máy chủ nước ngoài đang tự do quảng cáo ngoài tầm kiểm soát của pháp luật Việt Nam.

 

Ủy ban đề nghị cân nhắc tính đặc thù của các loại phương tiện nói trên, nghiên cứu thiết kế điều này cho phù hợp với thực tiễn. Hơn nữa, Dự thảo Luật cũng cần làm rõ các khái niệm vùng quảng cáo, vùng nội dung tin, quảng cáo không cố định vì đây là những khái niệm cơ bản về báo điện tử.

 

Thực tế hiện nay, các tin nhắn quảng cáo trên điện thoại di động và thư điện tử quảng cáo trên internet đang được sử dụng rất phổ biến và hiệu quả, nhưng cũng gây nhiều bức xúc cho người sử dụng các dịch vụ này. Khoản 1, Điều 29 đã quy định tương đối chi tiết về nguyên tắc quản lý các loại hình quảng cáo này. Tuy nhiên, những quy định trên còn chưa đầy đủ. Ủy ban cho rằng Dự thảo Luật chỉ nên quy định một số nguyên tắc chung và dẫn chiếu các quy định của pháp luật có liên quan về vấn đề này nhằm đảm bảo tính đầy đủ, khả  thi và thống nhất của pháp luật. 

 

Thêm vào đó, Ủy ban đề nghị làm rõ khái niệm “nhà cung cấp dịch vụ thông tin điện tử, viễn thông” và cụm từ “các tổ chức, cá nhân quảng cáo” trong điều này thuộc vào đối tượng nào:  “người quảng cáo”, “người kinh doanh dịch vụ quảng cáo” hay “người phát hành quảng cáo”.

 

Bên cạnh đó, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng cho ý kiến về quy hoạch quảng cáo ngoài trời; quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng rôn; quảng cáo bằng âm thanh; quảng cáo hàng hóa đặc biệt...

 

Tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới cho hoạt động giám định tư pháp

 

Theo Tờ trình về dự án Luật Giám định tư pháp, Luật được ban hành nhằm tháo gỡ những hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới mang tính đột phá, bền vững cho hoạt động giám định tư pháp ở Việt Nam, góp phần nâng cao chất lượng của hoạt động tố tụng mà trọng tâm là bảo đảm việc phán quyết của tòa án được kịp thời, khách quan, đúng pháp luật. Dự thảo Luật gồm 8 chương, 51 điều.

 

So với Pháp lệnh Giám định tư pháp hiện hành, dự thảo Luật có mội số dung mới cơ bản gồm Quy định đương sự trong vụ án hành chính, vụ việc dân sự được quyền tự mình yêu cầu giám định tư pháp; đổi mới mô hình tổ chức giám định tư pháp trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần; tạo cơ chế để bảo đảm đáp ứng yêu cầu giám định trong những lĩnh vực không có tổ chức giám định tư pháp chuyên trách.

 

Luật quy định mang tính nguyên tắc những chính sách tôn vinh, đãi ngộ thỏa đáng đối với người làm giám định tư pháp; tăng cường xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp, cho phép thành lập tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập, trừ lĩnh vực giám định pháp y, pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự. Luật quy định trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ và trách nhiệm phối hợp của các cơ quan tiến hành tố tụng trong hoạt động quản lý Nhà nước về giám định tư pháp.

 

Thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng các quy định của dự thảo Luật đã thể chế hóa nhiều nội dung trong các nghị quyết của Đảng liên quan đến việc hoàn thiện pháp luật về giám định tư pháp theo định hướng cải cách tư pháp.

 

Ủy ban cơ bản tán thành với quy định về phạm vi điều chỉnh tại điều 2 dự thảo Luật. Tuy nhiên, giám định tư pháp là hoạt động bổ trợ trực tiếp cho hoạt động tố tụng hình sự, dân sự, hành chính. Các lĩnh vực này được điều chỉnh bằng nhiều đạo luật khác nhau, theo các nguyên tắc, thẩm quyền, thủ tục khác nhau.

 

Do đó, các nội dung cụ thể thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật giám định tư pháp như trình tự, thủ tục trưng cầu, yêu cầu giám định; hội đồng giám định; đánh giá, sử dụng kết luận giám định tư pháp… cần bảo đảm sự thống nhất với các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự và Luật tố tụng hành chính.

 

Cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát tổng thể các quy định của dự thảo Luật, tránh sự chồng chéo với các văn bản trên.

 

Tăng cường tính công khai, minh bạch và bảo đảm dân chủ trong xử phạt vi phạm hành chính

 

Tờ trình của Chính phủ nêu rõ: Việc ban hành Luật Xử lý vi phạm hành chính nhằm góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập trong việc thực hiện Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước.

 

Dự án Luật được soạn thảo trên cơ sở thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng về cải cách hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp và cải cách hành chính được xác định trong các nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

 

Luật quy định đầy đủ, toàn diện các vấn đề về xử lý vi phạm hành chính, bảo đảm kế thừa những quy định đã được thực tiễn kiểm nghiệm, khắc phục một cách cơ bản những hạn chế, bất cập của hệ thống pháp luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành.

 

Luật tăng cường tính công khai, minh bạch và bảo đảm dân chủ trong trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp xử lý hành chính; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân... Dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính gồm 6 phần, 12 chương và 150 điều.

 

Thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Xử lý vi phạm hành chính. Đây là dự án Luật có những quy định liên quan trực tiếp đến quyền cơ bản của công dân.

 

Việc ban hành Luật này sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý Nhà nước, quản lý xã hội; khắc phục những bất cập, tồn tại trong thực tiễn thi hành các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của công dân, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống vi phạm hành chính trong tình hình hiện nay.

 

Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu thực tiễn thi hành các quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, tổng kết đưa vào dự thảo Luật để khắc phục tình trạng Luật chỉ quy định những vấn đề chung, còn nội dung cơ bản thì lại giao cho văn bản dưới Luật.

 

Theo chương trình, sáng 4/11, Quốc hội làm việc tại Tổ, thảo luận về các dự án Luật Quảng cáo và Luật Giáo dục đại học.

 

H.NGUYỄN (tổng hợp từ TTXVN, VOV, chinhphu.vn)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek