Trong hai ngày 27-28/7, Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc đã họp phiên toàn thể thảo luận chủ đề “Làm sống động công việc của Hội nghị Giải trừ quân bị và Thúc đẩy đàm phán đa phương về giải trừ quân bị” nhằm góp phần tháo gỡ 15 năm bế tắc của Hội nghị Giải trừ quân bị đặt tại Geneva, Thụy Sỹ.
Đại sứ Việt Nam ở Liên Hợp Quốc, Lê Hoài Trung- Nguồn: TTXVN
Hội nghị Giải trừ quân bị là diễn đàn đa phương toàn cầu duy nhất để thương lượng về giải trừ quân bị được ra đời từ năm 1969 mà Việt Nam là một nước thành viên.
Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Lê Hoài Trung, Trưởng Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc đã đề cao những đóng góp trước đây của Hội nghị Giải trừ quân bị, ghi nhận tiến bộ gần đây trong lĩnh vực giải trừ quân bị như Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược (START) mới giữa Nga và Mỹ, bắt đầu có hiệu lực tháng 2/2011, và thành công của Hội nghị Kiểm điểm Hiệp ước không phổ biến hạt nhân (5/2010).
Tuy nhiên, để thúc đẩy công việc của Hội nghị Giải trừ quân bị, Việt Nam kêu gọi các quốc gia thành viên Hội nghị Giải trừ quân bị sớm thông qua chương trình làm việc, thành lập các cơ chế thương lượng trên 4 vấn đề chính của chương trình nghị sự là "Giải trừ vũ khí hạt nhân", "Bảo đảm an ninh hạt nhân" đối với các nước không có vũ khí hạt nhân, "Cắt giảm sản xuất chất phân hạch" và "Ngăn ngừa chạy đua vũ trang trong vũ trụ", trong đó vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân phải được coi là ưu tiên hàng đầu. Việc tăng cường hòa bình và an ninh quốc tế sẽ tạo môi trường thiết yếu cho tiến bộ về giải trừ quân bị.
Đại sứ Lê Hoài Trung một lần nữa khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam là ủng hộ nỗ lực chống phổ biến vũ khí hạt nhân và các vũ khí hủy diệt hàng loạt khác, tiến tới giải trừ hoàn toàn các loại vũ khí này.
Là một thành viên tích cực của Liên Hợp Quốc, Việt Nam đã tham gia và luôn thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ của mình đối với nhiều điều ước quốc tế lớn về giải trừ quân bị và chống phổ biến. Ở Đông Nam Á, Việt Nam đang hợp tác chặt chẽ với các nước ASEAN và các đối tác khác thực hiện Hiệp ước về Khu vực phi hạt nhân, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, an ninh khu vực.
Theo TTXVN