Phát huy truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, trong những năm qua, cán bộ chiến sĩ trong lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh Phú Yên luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và luôn có mặt mọi nơi, mọi lúc.
Lực lượng vũ trang tỉnh tham gia chữa cháy rừng ở Suối Lạnh (huyện Phú Hòa) - Ảnh: A.BANG |
VẬT LỘN VỚI “THỦY THẦN”
Song song với công tác huấn luyện, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, một trong những hoạt động nổi bật của cán bộ chiến sĩ LLVT tỉnh Phú Yên là giúp dân phòng chống lụt, bão, khắc phục hậu quả thiên tai. Trong 2 cơn bão lũ lịch sử xảy ra năm 2008 và 2009, trước, trong và sau khi bão lũ xảy ra, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ LLVT Phú Yên đã không ngại khó khăn, nguy hiểm, xung kích đi đầu đến những nơi xung yếu nhất, vùng bị thiệt hại nặng nhất, đưa nhân dân đến nơi an toàn. Không chỉ quên mình cứu dân, cán bộ chiến sĩ LLVT còn hỗ trợ quần áo, gạo, tiền, cấp thuốc miễn phí, hướng dẫn vệ sinh phòng dịch; trực tiếp khắc phục sự cố đường giao thông bị sạt lở; sửa chữa, dựng lại hàng trăm ngôi nhà bị sập, tốc mái, sụt lún, xiêu vẹo. Riêng trận lũ thế kỷ năm 2009 gây tang tóc cho nhiều gia đình, ngay lập tức cán bộ chiến sĩ LLVT tỉnh đã phối hợp với các lực lượng kịp thời di dời, sơ tán người và tài sản nhân dân hạn chế được thiệt hại. Sau đó còn tái thiết xây dựng lại nhà ở cho 44 hộ dân ở xóm Trường và 11 hộ ở Phú Sơn (xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân) với tổng trị giá hỗ trợ lên đến 3,2 tỉ đồng, góp phần ổn định cuộc sống cho người dân nơi đây.
Bên cạnh những việc làm mang tính cấp bách, cán bộ, chiến sĩ LLVT, còn tích cực tham gia các chương trình nhân đạo, từ thiện; giúp dân phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn với nhiệm vụ quốc phòng – an ninh. Điển hình là phong trào “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát động, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh phối hợp Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã vận động cán bộ, chiến sĩ trong LLVT và hội viên quyên góp hỗ trợ xây dựng 300 ngôi nhà tình nghĩa và nhà đồng đội trị giá hơn 7 tỉ đồng tặng các đối tượng là thương bệnh binh nghèo, các gia đình chính sách, nạn nhân chất độc da cam…; vận động cán bộ chiến sĩ tích cực hưởng ứng phong trào hiến máu tình nguyện và hiến hàng trăm đơn vị máu. Ngoài ra, cán bộ chiến sĩ LLVT tỉnh còn thường xuyên tổ chức khám và cấp thuốc miễn phí cho đồng bào nghèo ở vùng sâu, vùng xa; lao động giúp dân thu hoạch mùa màng…, thực hiện tốt 3 chức năng cơ bản của Quân đội nhân dân Việt Nam là “đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất”.
CHIẾN ĐẤU VỚI “GIẶC LỬA”
Lúc 19g ngày 16/7, người dân thôn Cẩm Thạch, xã Hòa Định Tây (huyện Phú Hòa) phát hiện một đám cháy lớn xảy ra tại tiểu khu 204, 203 rừng Suối Lạnh, hòn La (xã Hòa Định Tây) và có khả năng lan rộng.
Ngay sau khi nhận được tin báo, lúc đó là 3g sáng 17/7, thượng tá Nguyễn Đức Dục, Chỉ huy trưởng Cơ quan quân sự huyện Phú Hòa đánh kẻng báo động. Toàn đơn vị thức dậy. Ngay lập tức một lực lượng 130 quân, gồm 20 bộ đội thường trực, 30 dự bị động viên và 80 dân quân tự vệ của các xã Hòa Định Tây, Hòa Định Đông, Hòa Quang Nam và thị trấn Phú Hòa khẩn trương gùi lương thực, thực phẩm ăn nhanh, nước uống và dụng cụ phát rừng, chữa cháy tức tốc hành quân lên đường. “Địa điểm xảy ra cháy cách nơi đơn vị đóng quân khoảng 14km. Để tiếp cận, ngoài 10km đường trường, 4km còn lại là đường mòn, dốc cao và rừng le, nhiều đoạn bộ đội phải phát rừng để đi” - thượng tá Nguyễn Đức Dục, cho biết. Tiếp đó, hơn 100 cán bộ chiến sĩ của đơn vị T5 và Trường Quân sự tỉnh, dưới sự chỉ huy của thượng tá Đinh Văn Nhất, Phó Chỉ huy trưởng quân sự Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cũng được điều động, tức tốc hành quân đến hiện trường tham gia chữa cháy cùng các lực lượng.
Thượng tá Phan Xuân Phong, Phó Chỉ huy trưởng Cơ quan quân sự huyện Phú Hòa, một trong những người trực tiếp chỉ huy lực lượng vũ trang huyện tham gia chữa cháy, cho biết: “Việc dập lửa là hết sức khó khăn, chúng tôi vừa phân công nhau dập lửa vừa dùng dao, rựa phát quang, khoanh vùng. Nhờ quyết tâm chiến đấu với “giặc lửa” đến cùng để bảo vệ tài sản của Nhà nước và nhân dân, bảo vệ môi trường, đến 19g cùng ngày, việc cháy rừng Suối Lạnh cơ bản được khống chế và sang ngày hôm sau là được khống chế, dập tắt hoàn toàn”.
Trong cuộc chiến này, tuy hơn 120ha rừng trồng đã bị ngọn lửa thiêu rụi, nhưng nhờ có sự kết hợp quân – dân và các lực lượng tham gia chữa cháy kịp thời, hàng trăm ha rừng ở khu vực lân cận đã thoát khỏi miệng “giặc lửa”.
LÊ VŨ